Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Một số vấn đề về ngành rau an toàn tại Đà Lạt
09 | 08 | 2012
Trong những năm qua, nhà nông ở Ðà Lạt và các huyện lân cận thuộc tỉnh Lâm Ðồng đã dần từ bỏ thói quen sản xuất rau truyền thống, không còn phù hợp nhu cầu thị trường. Tư duy đột phá trong sản xuất của nhà nông nơi đây đã hướng đến sự an toàn trên cánh đồng rau của mình, bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn GAP (Good Agricultural Practices, nghĩa là thực hành sản xuất nông nghiệp tốt), tiêu chí thấp nhất cũng phải đạt tiêu chuẩn "rau an toàn".
 
Với kinh nghiệm lâu năm trong nghề trồng rau, Giám đốc Công ty Ðà Lạt Organik, ông Nguyễn Bá Hùng được gọi là "tiến sĩ rau sạch" cho biết, nghề nông nghĩ dễ nhưng làm rất khó. Tại nông trại của công ty ở Xuân Thọ (Ðà Lạt) ông đang xây dựng mô hình trồng rau sạch có ảnh hưởng tốt nhất đến sức khỏe người tiêu dùng - rau hữu cơ. Việc sản xuất ra những loại rau có hàm lượng về chất tốt nhất, không sử dụng bất cứ loại thuốc hóa học nào gây tổn hại đến môi trường đất, nước, không khí và sức khỏe của người tiêu dùng. Mỗi loại rau, quả của Ðà Lạt Organik từ khi gieo hạt đến kỳ thu hoạch đều có kế hoạch từ trước, có nhật ký đồng ruộng theo dõi, ghi chép nghiêm ngặt. Tuy nhiên, giá loại rau này thường cao gấp ba, bốn lần so với rau an toàn. Hiện đơn đặt hàng khá nhiều, nhưng với 4 ha hiện nay, công ty chỉ đủ cung cấp cho một số nhà hàng tại Ðà Lạt, TP Hồ Chí Minh và khoảng 100 hộ người nước ngoài ở TP Hồ Chí Minh.
Là một trong những doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam có chứng nhận GlobalGAP trong sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế, sản phẩm của Công ty Ðà Lạt Gap, đã được thị trường ngoài nước đón nhận. Từ 1,5 ha sản xuất ban đầu, đến nay Ðà Lạt GAP đã mở rộng 5,4 ha, với sản lượng 400-500 tấn/năm. Các loại rau đều được sản xuất trong nhà kính theo hướng dẫn của các chuyên gia. Hằng năm, 80% sản phẩm của Ðà Lạt GAP được xuất khẩu. Khi hỏi, tại sao không đưa sản phẩm vào siêu thị ở Việt Nam? Chủ doanh nghiệp này, ông Lê Văn Cường, cho biết, công ty cũng từng làm việc với các siêu thị, nhưng họ nói, khách hàng của họ là đại trà, lượng khách ít quan tâm đến "sạch, đắt" mà chỉ quan tâm đến "sạch, rẻ", nên không thể tiêu thụ rau Ðà Lạt GAP được.
Nhu cầu phát triển, sử dụng các sản phẩm rau sạch an toàn ngày càng cao. Chính vì lẽ đó, các nông trại, nhà vườn ở Lâm Ðồng đang từng bước chuyển sang trồng rau theo hướng an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Bởi VietGAP được xem như "con dấu" về chất lượng trên những cánh đồng rau.
Chủ nhiệm Hợp tác xã Anh Ðào (Ðà Lạt) Nguyễn Công Thừa nói, để bảo đảm uy tín trên thị trường, tạo đầu ra ổn định cho xã viên, HTX đã chuyển hướng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện nay HTX có 137 ha rau các loại, sản lượng 12 tấn/năm, tiêu thụ thị trường toàn quốc qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm của hệ thống siêu thị Metro, CoopMart, MaxiMark... Sản phẩm của HTX có thương hiệu "Rau Ðà Lạt", nếu các đối tác phát hiện các tiêu chí không theo cam kết HTX sẽ chịu trách nhiệm thu hồi sản phẩm, bồi thường toàn bộ chi phí.
Khi nhắc đến rau người ta nhớ ngay đến rau Ðà Lạt. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn chưa có cơ sở để đặt niềm tin khi muốn tìm hiểu nguồn gốc các loại rau từ xứ sở này. Gian hàng rau tại siêu thị ngã tư Phan Chu Trinh (Ðà Lạt) cũng không có  chứng thực về rau an toàn, chứ chưa nói đến một tấm bảng hiệu nhỏ để quảng bá thương hiệu "Rau Ðà Lạt". Ông Nguyễn Ðình Thiện - Phó phòng kinh tế UBND thành phố Ðà Lạt, thừa nhận: Ðể xúc tiến thương mại cho rau Ðà Lạt, năm 2011, chính quyền thành phố đã tổ chức lễ công bố nhãn hiệu chứng nhận "Rau Ðà Lạt" tại TP Hồ Chí Minh. Nhưng xem ra để có một "dấu hiệu" chứng thực nguồn gốc rau an toàn Ðà Lạt đối với người tiêu dùng... là việc "cố gắng" và "sẽ làm"... trong tương lai.
Với các sản phẩm rau an toàn, việc sản xuất và kinh doanh đòi hỏi phải có sự kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt theo quy trình khép kín từ việc đánh giá điều kiện trồng, kiểm soát quá trình trồng cho đến khâu chế biến và phân phối. Theo Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Lâm Ðồng Nguyễn Văn Sơn, từng bước xã hội hóa VietGAP đối với nhà nông trên toàn tỉnh, tỉnh Lâm Ðồng đã kêu gọi và có nhiều chương trình, dự án hỗ trợ cho nông dân, doanh nghiệp; tổ chức nhiều lớp tập huấn, ký kết hợp tác theo chuỗi hợp đồng tiêu thụ rau, để người sản xuất nhận thức đầy đủ nhất về sản xuất sản phẩm an toàn. Khi chúng tôi đặt câu hỏi về vấn đề kiểm chứng, ông cho biết, công tác thanh tra của Sở đối với sản phẩm rau vẫn còn nhiều bất cập. Cơ quan quản lý lĩnh vực này còn nhiều vấn đề "đáng quan tâm" trong quá trình thanh tra, kiểm tra.
Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Lâm Ðồng Nguyễn Văn Lục phân tích thêm, đã sản xuất rau thì phải bảo đảm nguyên tắc an toàn. Tuy nhiên, đó là mới nói, chứ thật ra hiện nay có nhiều loại rau chưa an toàn. Tại sao? Ðó là các nguy cơ về vật lý, hóa học, vi sinh vật do thói quen làm nông nghiệp truyền thống của người dân chưa được xóa bỏ, thời gian cách ly và thu hoạch chưa bảo đảm thời gian quy định, nông dân chỉ cần thấy rau xanh mướt bắt mắt là thu hoạch sớm, trong khi rau chưa thải hết hóa chất. Ðánh giá sản phẩm các cơ sở đã được cấp chứng nhận rau an toàn, ông Lục cho hay, cơ bản là tốt hơn những chỗ chưa được cấp chứng nhận. Nếu nói an toàn tuyệt đối thì vô cùng khó. Khi chi cục lấy mẫu phân tích ở những cơ sở có chứng nhận rau an toàn vẫn còn một số sản phẩm có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; trong 1.295 mẫu được phân tích, có 87 mẫu không đạt tiêu chuẩn. Theo ông Lục, với số lượng 10 cán bộ của chi cục thì không thể thực hiện công tác kiểm tra liên tục, đại trà được. Chỉ khi nào người dân phản ánh có rau không bảo đảm an toàn thì lúc ấy mới thành lập các đoàn đi thanh tra, kiểm tra. Tuy nhiên, thời gian qua chưa có trường hợp nào bị dân phản ánh. Lý do là người tiêu dùng khó nhận biết được đâu là rau an toàn, không an toàn.
Người tiêu dùng không thể nhận biết "Rau sạch Ðà Lạt" trên thị trường, đó là điều đáng suy ngẫm đối với thương hiệu rau nổi tiếng trong nước và xuất khẩu, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình cung ứng sản phẩm của nhà nông Ðà Lạt - Lâm Ðồng. Hiện nay, trên thị trường có nhiều cửa hàng treo biển bán rau an toàn có giấy chứng nhận (đa số thuộc chuỗi cửa hàng, siêu thị của các đơn vị cung ứng rau), vậy sản phẩm còn lại trên thị trường thuộc loại gì? Ðây là câu hỏi đang còn bỏ ngỏ.
* Theo Sở NN-PTNT Lâm Ðồng, hiện tỉnh này có 61 cơ sở sản xuất rau (diện tích sản xuất lớn hơn 1 ha) có chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn, MetroGAP, VietGAP và GlobalGAP... với tổng diện tích đất sản xuất là 535 ha, chiếm khoảng 4,8% tổng diện tích canh tác rau của toàn tỉnh, tổng sản lượng tiêu thụ là 43.878 tấn/năm (chiếm gần 1/3 sản lượng rau các loại của tỉnh), sản lượng xuất khẩu năm 2011 đạt 11 nghìn tấn đến các thị trường như: Nhật Bản, Ma-lai-xi-a, Thái-lan.
 


Theo Mai Văn Bảo- Báo Nhân dân cuối tuần
Báo cáo phân tích thị trường