Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đầu tư trực tiếp nước ngoài: 20 năm, 98 tỉ USD
23 | 01 | 2008
Với việc coi khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP, sau 20 năm thu hút đầu tư (1988-2007), VN đã gặt hái được những thành công ngoài mong đợi.

Đặc biệt cùng với việc gia nhập WTO và thực hiện các cam kết quốc tế, VN đã chứng kiến một "làn sóng đầu tư thứ hai" hết sức mạnh mẽ kể từ năm 2006 đến nay, mà đỉnh cao là 20,3 tỉ USD thu hút trực tiếp FDI trong năm 2007. Ngày 24.1, một hội nghị lớn đánh giá tình hình thu hút ĐTNN 20 năm sau sẽ diễn ra tại Hà Nội.

"Ngôi sao" đang lên"
Sau thời kỳ "bùng nổ" ĐTNN tại VN (1991-1996) được xem như "làn sóng ĐTNN" đầu tiên vào VN, với tổng vốn đăng ký 28,3 tỉ USD, gồm cả vốn cấp mới và tăng vốn, nguồn vốn ĐTNN bị suy giảm vào năm 1997 do khủng hoảng tài chính khu vực và phục hồi mạnh mẽ kể từ năm 2004 đến nay.

Đặc biệt trong 2 năm 2006-2007, dòng vốn ĐTNN vào nước ta đã tăng đáng kể (32,3 tỉ USD), với sự xuất hiện của nhiều dự án quy mô lớn đầu tư chủ yếu vào những lĩnh vực chúng ta chủ trương thu hút đầu tư như công nghiệp (sản xuất thép, điện tử, sản phẩm công nghệ cao,...) và dịch vụ (cảng biển, bất động sản, công nghệ thông tin, du lịch-dịch vụ cao cấp v.v...), báo hiệu "làn sóng ĐTNN" thứ hai vào VN.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI), tính đến cuối năm 2007, cả nước đã thu hút được hơn 9.500 dự án ĐTNN với tổng vốn đăng ký khoảng 98 tỉ USD (gồm cả vốn cấp mới và vốn tăng thêm). Trừ các dự án đã hết thời hạn hoạt động hoặc giải thể trước thời hạn, hiện còn khoảng 8.590 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 83,1 tỉ USD. Trong số này, đã có khoảng 50% số dự án triển khai góp vốn thực hiện đạt hơn 43 tỉ USD, chiếm 52,3% tổng vốn đăng ký.

Các dự án ĐTNN đi vào hoạt động đã tạo ra tổng giá trị doanh thu đáng kể, giá trị XK, đóng góp cho ngân sách, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. Hiện khu vực có vốn ĐTNN đã đóng góp trên 17% GDP, chiếm 16% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, đạt giá trị doanh thu trong 2 năm 2006-2007: 69 tỉ USD, trong đó giá trị XK (trừ dầu thô) đạt 28,6 tỉ USD, chiếm 41% tổng doanh thu.

Đánh giá về tác động tích cực của ĐTNN đối với nền kinh tế VN sau 20 năm, ông Phan Hữu Thắng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài - nhận định: "Đây là khu vực có tốc độ phát triển năng động nhất nền kinh tế, nhờ đó đã có tác động lan toả đến các thành phần kinh tế khác, giúp VN hội nhập sâu rộng vào đời sống kinh tế quốc tế như đẩy nhanh tiến trình tự do hoá thương mại và đầu tư, tạo ra sự hợp tác và cạnh tranh ở quy mô toàn cầu...".

Môi trường đầu tư không ngừng cải thiện
Theo ông Phan Hữu Thắng, một trong những yếu tố cơ bản làm nên sức hút về ĐTNN trong 20 năm qua, là chủ trương nhất quán của Chính phủ VN trong việc coi ĐTNN là một bộ phận hữu quan của nền kinh tế. Đặc biệt, Luật Đầu tư nước ngoài được ban hành từ năm 1987 và Luật Đầu tư chung hợp nhất Luật ĐTNN và Luật Khuyến khích đầu tư trong nước năm 2005 đã tạo ra sự thống nhất trong hệ thống pháp luật về đầu tư, tạo sân chơi bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư.

Cùng với Luật Đầu tư, Chính phủ đã ban hành một loạt các văn bản pháp luật tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, trở ngại trong hoạt động của ĐTNN, tuỳ từng hoàn cảnh cụ thể, Chính phủ đã có những biện pháp hỗ trợ DN trong xây dựng hạ tầng cơ sở, như đường giao thông, hệ thống cấp/thoát nước, hoàn chi phí ứng trước xây dựng đường điện tới chân hàng rào, giảm giá, phí tiến tới quy định một giá điện, nước, cước viễn thông, vận tải... cho DN FDI nhằm giảm chi phí đầu vào, giúp tăng năng lực cạnh tranh.

Một trong những lý do nhà đầu tư than phiền là thủ tục hành chính rườm rà thì Chính phủ đã có biện pháp cải cách mạnh mẽ bằng việc phân cấp quản lý cho chính quyền các địa phương trong quản lý đầu tư. Từ chỗ địa phương chỉ được phân cấp cho khâu cấp và điều chỉnh GPĐT, đến nay toàn bộ quá trình quản lý hoạt động ĐTNN với 6 nội dung từ lập, công bố danh mục dự án, vận động, xúc tiến đầu tư, tham gia thẩm định dự án, cấp GPĐT... đều đã thuộc thẩm quyền của địa phương. Đồng thời với phân cấp, UBND cấp tỉnh và BQL dự án cũng là cơ quan quản lý trực tiếp các nguồn lực đầu tư về đất đai, lao động, môi trường, quy hoạch, nắm bắt sát nhất tình hình thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn. Chính từ sự phân cấp này mà kết quả thu hút đầu tư vượt trội của năm 2007 đã được minh chứng là một chủ trương đúng.

Theo ông Phan Hữu Thắng, mặc dù đạt được những kết quả khả quan, song ĐTNN thời gian qua cũng bộc lộ những điểm cần hoàn thiện để đạt mục tiêu thu hút mạnh mẽ hơn nguồn vốn này. Một trong những điểm mấu chốt là cần hoàn thiện tư duy kinh tế. Dù chủ trương chung đều coi ĐTNN là một bộ phận cấu thành hữu cơ của nền kinh tế, được khuyến khích phát triển lâu dài, bình đẳng với các thành phần kinh tế khác, nhưng trên thực tế, việc xử lý ở nhiều bộ, ngành và địa phương vẫn còn phân biệt đối xử giữa đầu tư trong nước và ĐTNN, thể hiện ngay từ khâu quy hoạch sản phẩm, phân bổ các nguồn lực lao động, đất đai, vốn..., chưa thực sự cho phép nhà ĐTNN tham gia. Việc xử lý tranh chấp kinh tế giữa các bên cũng thiên về bảo vệ quyền lợi cho phía VN. Trong những thời điểm khó khăn, ta tranh thủ vốn ĐTNN nhưng khi điều kiện thuận lợi lại có xu hướng không khuyến khích ĐTNN mà để trong nước tự làm; những biểu hiện này có tác động làm nản lòng nhà ĐTNN.


 Đầu tư nước ngoài giai đoạn 2006-2010:
Vốn ĐTNN thực hiện: Đạt khoảng 24 - 25 tỉ USD, chiếm khoảng 17,8% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Vốn đăng ký - bao gồm cả vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng vốn đạt khoảng 55 tỉ USD, trong đó vốn cấp mới đạt 41 tỉ USD và vốn bổ sung đạt khoảng 14 tỉ USD; bình quân mỗi năm đạt khoảng 11 tỉ USD. Doanh thu: Khoảng 163,4 tỉ USD. Xuất - nhập khẩu: Xuất khẩu đạt khoảng 93,3 tỉ USD (không kể dầu thô); nhập khẩu đạt 103,tỉ USD. Nộp ngân sách nhà nước: Đạt khoảng 8,4 tỉ USD.



Nguồn: www.laodong.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường