Chỉ số giá tiêu dùng (CPI, thường gọi là lạm phát) của tháng 12/2007 tăng tới 2,91% so với tháng 11, nâng tổng mức lạm phát cả năm 2007 lên tới 12,63%, vượt xa mức tăng trưởng 8,55% và là mức tăng cao kỷ lục trong suốt 10 năm qua. Nếu đi tìm nguyên nhân lạm phát, lẽ ra trước tiên phải tìm từ những khe hở của chính sách tiền tệ (CSTT) và năng lực điều hành.
Tăng tính năng động cho cơ cấu ngoại tệ
Nhìn từ góc độ chính sách tiền tệ và chính sách quản lý ngoại hối các ngân hàng thương mại (NHTM), nên theo đuổi cơ cấu dự trữ đa dạng ngoại tệ hợp lý. Về chính sách ngoại hối, nên từng bước xóa bỏ cơ chế tín dụng ngoại tệ, trước hết là xóa ngay cơ chế tín dụng ngoại tệ ngắn hạn thay bằng cơ chế khuyến khích mua, bán ngoại tệ cùng với phát triển thị trường phái sinh ngoại tệ. Các nhu cầu đáp ứng ngoại tệ cũng phải hoạt động theo cơ chế thị trường năng động, NHTM phải chủ động tìm và biết nơi nào đang cần ngoại tệ, loại gì để đáp ứng và hoàn toàn có thể đáp ứng được, bởi nhìn tổng quan, Việt Nam không thừa ngoại tệ và nếu thiếu thì bản thân ngoại tệ cũng là hàng hóa mà NHTM có thể và hoàn toàn đủ nghiệp vụ để tìm được nguồn đáp ứng. Chỉ trong điều kiện đó, NHTƯ mới có thể thực hiện tốt được sứ mệnh là "người mua, bán cuối cùng" không chỉ trên thị trường nội tệ sơ cấp, mà cả trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng.
Các NHTM cần chủ động tìm kiếm và tư vấn cho khách hàng mua ngoại tệ cho các nhu cầu nhập khẩu. Kinh tế Việt Nam nhìn trong trung và dài hạn không thể "thừa" ngoại tệ mà vấn đề chỉ nằm ở chỗ trạng thái của "hàng hóa" đặc biệt này "trường" hay "đoản" mà thôi.
|
Với chính sách quản lý ngoại hối cần có lộ trình sớm xóa bỏ cơ chế tín dụng ngoại tệ, trước hết là xóa cơ chế tín dụng ngoại tệ ngắn hạn để thay bằng cơ chế mua đứt, bán đoạn và/hoặc sử dụng các công cụ phái sinh như quyền chọn mua, bán, hợp đồng tương lai, hợp đồng kỳ hạn... làm cho trạng thái ngoại tệ của ngân hàng thay đổi từng ngày từng giờ, cơ cấu ngoại tệ năng động hơn, đa dạng hơn chứ không để đơn điệu, bị động như hiện nay.
Chấp nhận thả nổi có kiểm soát tỷ giá
Thông thường, bài thuốc đặc trị, cấp tốc hữu hiệu nhất để chữa lạm phát bao giờ cũng là "rút tiền từ trong lưu thông về ngân hàng trung ương". Cơ chế này có nhiều giải pháp chủ động từ phía NHTƯ:
Thứ nhất, có thể thực hiện bằng các phiên chào bán trái phiếu, tín phiếu Chính phủ trên thị trường mở.
Thứ hai, trong bối cảnh vừa lạm phát ở mức cao, vừa có biểu hiện thừa ngoại tệ, thiếu nội tệ tại một số NHTM và NHNN phải có chính kiến đủ rõ ràng để thuyết phục Chính phủ cho phép NHNN tập trung ưu tiên số 1 vào mục tiêu chống lạm phát để ổn định giá. Theo đó, NHNN vẫn có thể tiếp tục đưa ra các giải pháp tiền tệ mạnh để điều chỉnh tổng cầu bằng quyền lực riêng có của NHTƯ như: tiếp tục tăng kèm theo mở rộng đối tượng nguồn huy động phải trích dự trữ bắt buộc, tiếp tục tăng lãi suất ở thị trường tiền tệ sơ cấp giữa NHNN với các NHTM nhằm hãm bớt tốc độ tín dụng ra nền kinh tế... Đây là những nghiệp vụ rất thông dụng của mọi NHTƯ chứ không riêng gì của Việt Nam.
Mặt khác, nếu ưu tiên mục tiêu kiềm chế lạm phát thì tất yếu phải thôi không đồng thời "ôm" mục tiêu ổn định giá - nghĩa là phải chấp nhận thả nổi có kiểm soát tỷ giá. Sự "hi sinh" này được "bù lại" bằng cơ chế ngoại hối thích hợp sẽ nói đến ngay sau đây.
Thứ ba, cơ quan tạo lập chính sách, NHNN cũng có thể và cần phải đề xuất Chính phủ tạo ra các cú hích tiêu thụ ngoại tệ bằng cách thúc đẩy tăng tốc độ giải ngân các dự án sử dụng USD để chuyển hàng hóa, thiết bị vật tư vào. Theo đó, các NHTM mua ngoại tệ của NHNN và dùng ngoại tệ của chính mình bán cho các DN nhập khẩu để các DN nhập hàng hóa, trung hòa với phần nội tệ đang có trong lưu thông nhưng nằm ngoài NHTM.
Thứ tư, NHNN xây dựng chính sách thúc đẩy việc hút tiền khỏi lưu thông thông qua kênh trái phiếu ngoại tệ trong nước cũng là biện pháp có thể đưa ra vào bối cảnh hiện nay. Theo đó, có cơ chế cho phép không chỉ là trái phiếu ngoại tệ của Chính phủ, mà cả các DN, các tập đoàn kinh tế có uy tín, có nhu cầu ngoại tệ chính đáng cũng được phép phát hành để huy động ngoại tệ trôi nổi trong nền kinh tế và cả ngoại tệ được coi là "thừa" tại các NHTM. Đến lượt nó và là mục tiêu quan trọng hơn, các trái phiếu này hoàn toàn có thể và được phép trở thành tài sản thế chấp rất an toàn để DN vay nội tệ tại NHTM, hoặc để NHTM được sử dụng xin tái cấp vốn nội tệ tại NHNN khi cần. Với cơ chế này, vừa góp phần ổn định được tỷ giá, vừa đa dạng hóa được cơ cấu dự trữ ngoại tệ tại cả NHTM và NHNN, trong khi vẫn "hút" được tiền từ lưu thông về thông qua việc hữu dụng hóa ngoại tệ cho một nền kinh tế cần ngoại tệ và biến trái phiếu ngoại tệ thành phương tiện để điều hòa tổng cầu nội tệ trong nền kinh tế lạm phát.
Thứ năm, dù muốn hay không muốn thì với một nền kinh tế thị trường, bao giờ cũng cần phải có một NHTƯ thực quyền, thực năng lực và thực trách nhiệm cao nhất về những vấn đề liên quan đến: sự ổn định giá trị sức mua đối nội và đối ngoại của đồng nội tệ, đến văn minh thanh toán quốc gia và đến sự an toàn hệ thống ngân hàng.
1. Năm của các đợt IPO lớn Năm 2007 là năm đầu tiên diễn ra các đợt cổ phần hoá DNNN là các TCty lớn trong danh sách hơn 20 DN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cổ phần hoá trong năm này. Hai đợt IPO của 2 DN lớn là TCty Bảo hiểm Việt Nam (Bảo Việt) và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã hoàn thành trong năm, nhưng đằng sau sự kiện IPO của loại DN này còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập. Hiện tượng mua bán năm thâm niên công tác gây thiệt hại cho không biết bao nhà đầu tư thiếu kiến thức và kinh nghiệm. Báo chí năm qua đã liên tục đưa tin và phản ánh những vấn đề tồn tại trong quá trình IPO các DN lớn với hi vọng sang năm 2008, IPO của các DNNN sẽ được thực hiện chuyên nghiệp và minh bạch hơn. 2. Nguồn vốn đổ vào TTCK TTCK?Việt Nam tiếp tục tăng trưởng đầy phấn khích trong quý đầu năm 2007, đỉnh điểm đạt gần 1.200 điểm. Tuy nhiên từ cuối quý 1, thị trường bắt đầu chững lại và tụt dốc trong quý 2. Quý 3 thị trường chật vật và có lúc chạm đáy dưới 900 điểm. Cuối quý 3, đầu quý 4, thị trường tìm lại mốc 1.100 điểm vào tháng 10. Tuy nhiên sự hưng phấn của các nhà đầu tư đã không đủ để giữ VN - Index ở trên mức 1.000, thị trường chưa tìm được động lực để sôi động lại vào tháng cuối cùng năm 2008, nhưng được kỳ vọng phát triển mạnh mẽ trong năm 2008. Năm nay ghi dấu ấn bởi nguồn vốn đầu tư gián tiếp dồi dào đổ vào TTCK. Ước tính đã có khoảng 12 tỷ USD vốn gián tiếp đổ vào TTCK. Bên cạnh thị trường chính thức, thị trường OTC cũng có một năm phát triển bùng nổ, trở thành kênh huy động vốn quan trọng của DN. Năm 2007 cũng đánh dấu quyết định đưa OTC vào khuôn khổ, giúp thị trường phát triển lành mạnh. 3. Một năm phát triển ấn tượng của NHTM Sau 1 năm gia nhập WTO, ngành ngân hàng có những chuyển động mạnh mẽ. Năm 2007, tốc độ phát triển chi nhánh của các NHTM chưa từng có: Bình quân mỗi NHTM quốc doanh tăng 10 chi nhánh mới và nâng cấp 20 chi nhánh cũ từ cấp 2 lên cấp 1. Các NHTMCP có mức tăng trưởng ấn tượng từ 60 - 120%. Các NHTM quốc doanh tăng trưởng 20% trong quá trình tái cơ cấu, chuẩn bị cổ phần hóa. Tăng trưởng tín dụng nóng lên tới 40% so với năm 2006. Khối chi nhánh các ngân hàng nước ngoài với 35 thành viên đã đẩy khá mạnh tốc độ tăng trưởng tín dụng với mức tăng 40%, đưa tổng dư nợ cho vay của khối này lên 85.500 tỷ đồng. Tổng huy động vốn đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn với 60%, đạt 145.000 tỷ đồng. Theo thống kê của NHNN Việt Nam, nếu như trong năm 2006, thu nhập trước thuế 10 tháng của khối các ngân hàng này đạt hơn 1.400 tỷ đồng thì sang năm 2007, con số này là 2.000 tỷ đồng.
4. Bổ nhiệm Tổng Giám đốc của CTCK Tân Việt Lần đầu tiên báo chí phát hiện và công khai một hiện tượng chưa từng có trong lịch sử hoạt động của TTCK Việt Nam: CTCK Thiên Việt bổ nhiệm Tổng Giám đốc khi đích danh người được bổ nhiệm không biết và cũng chưa từng ký hợp đồng làm việc với Cty. Từ vụ việc này, báo chí đề cập hàng loạt vấn đề bất cập là hệ quả của trào lưu chạy giấy phép thành lập CTCK hồi cuối năm 2006. Đó là việc thiếu trầm trọng nhân sự chủ chốt trong ngành chứng khoán, tình trạng mượn, thuê chứng chỉ đào tạo chứng khoán, tình trạng chạy đua hợp tác chiến lược để làm thương hiệu.
5. Cơn địa chấn lừa đảo qua mạng Theo số liệu của Nhóm hành động chống lừa đảo trên mạng (phishing), bọn lừa đảo đã đạt đến một trình độ mới trong việc tự động hoá quy trình phishing. Các công cụ phần mềm và kỹ thuật mới nhất của công nghệ cao chính là nhân tố đứng đằng sau sự gia tăng đột biến số vụ tấn công. Tại Việt Nam cuối năm 2007, cơ quan điều tra xác định có tới hàng vạn người tham gia việc đầu tư tài chính và bị lừa đảo với số tiền khoảng 160 tỷ đồng. Bọn lừa đảo đánh vào lòng tham của người tham gia với lãi suất cao, và bày cách cho họ kiếm tiền bằng việc đi tìm người mua để bán số điểm mà chúng đã bán cho theo hình thức đa cấp. Sau khi huy động được một khoản tiền khổng lồ (thường vài chục tỷ đồng), những tên cầm đầu liền đánh sập website và người bị hại chẳng biết đến đâu để đòi tiền... Các Cty huy động vốn qua mạng đều không có thật, chỉ là website để lừa người đầu tư, cấp tài khoản và điểm. Chúng lấy tên của những Cty nổi tiếng thế giới sau đó thêm âm tiết hoặc đổi tên miền để đánh lừa người dân... Cơn địa chấn lừa đảo qua mạng cũng để lộ ra khe hở pháp lý: Chưa có quy định pháp lý về huy động vốn đầu tư quan mạng. (Sự kiện do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, Bản tin tài chính và Thời báo kinh tế Việt Nam phối hợp bình chọn). |
TS Nguyễn Đại Lai