Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Lạm phát toàn cầu, sức ép đối với Việt Nam
21 | 06 | 2008
Những đánh giá lạc quan của ngân hàng thế giới (WB) về triển vọng tình hình kinh tế VN từ nay đến cuối năm cho thấy các nỗ lực kiềm chế lạm phát của Chính phủ trong thời gian qua đã bắt đầu phát huy tác dụng. Trong bối cảnh chung của kinh tế toàn cầu thì lạm phát đang là nguy cơ đe dọa đối với nhiều nước từ giàu đến nghèo và tình hình lạm phát ở VN không nằm ngoài quỹ đạo chung đó. Tuy nhiên biến động mạnh của giá nhiên liệu đang có nguy cơ đe doa các nỗ lực chống lạm phát của các chính phủ.
 

 Lạm phát ở các nước châu Á


Lạm phát toàn cầu


Cùng với xu hướng giá cả nhiên liệu, năng lượng, lương thực tăng lên nhanh thời gia qua lạm phát đang trở thành lực cản đối với sự phát triển kinh tế xã hội ở nhiều nước. Trong chuyến đi thăm Việt Nam của đoàn doanh nghiệp Mỹ, ông Stuart Dean - Chủ tịch Hội đồng kinh doanh Mỹ - Việt đã cảnh báo “lạm phát đang là một thách thức toàn cầu”. Có thể nói lạm phát đang đe dọa 2/3 dân số trên thế giới,. đặc biệt tăng mạnh ở hầu hết các nước châu Á và những đầu tầu kinh tế trong khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ… Ở nhiều nước lạm phát đều ở mức cao nhất trong nhiều năm qua. Trung Quốc và Hồng Kông đều có con số lạm phát cao nhất trong hơn một thập kỷ. Các dự báo về chỉ số lạm phát đều phải điều chỉnh theo chiều hướng tăng lên, như Hàn Quốc dự báo lạm phát sẽ là 4,1% so với 2,8% trước đó, ở Australia là 4,2%, mức cao nhất trong vòng 17 năm qua. Singapore cũng có chỉ số lạm phát cao trong vòng 27 năm. Philippines, Indonesia, Campuchia… cũng đều có chỉ số CPI tăng cao nhất.

Các số liệu thống kê cho hay lạm phát bán buôn ở Nhật tháng 5/08 tăng 4,7%, cao nhất trong vòng 27 năm qua. Ở các nước khu vực đồng Euro lạm phát tháng 5/08 tăng 3,6%. Giá cả ở Anh tháng 5/08 tăng mức kỷ lục 8,9%…

Rõ ràng lạm phát đang có xu hướng tăng lên toàn cầu, không chỉ riêng ở nước ta.


Một trong những nhân tố thúc đẩy lạm phát tăng cao ở nhiều nước là do giá dầu thô, lương thực, thực phẩm và hàng hóa tăng mạnh trong thời gian qua. Ước tính có 36 nước lâm vào khủng hoảng lương thực, trong đó có 21 nước châu Phi. Thực tế giá lương thực đã tăng gấp 2 lần trong vòng 3 năm qua. Theo ông Strauss-Kahn, Giám đốc IMF thì giá lương thực cao đã gây áp lực lên lạm phát. Sở dĩ có tình trạng như vậy là do cầu về nhiên liệu vi sinh ở các nước phát triển tăng mạnh đòi hỏi tiêu thụ nhiều lương thực và điều đó đã đẩy giá lương thực lên cao, chấm dứt thời kỳ 30 năm tương đối ổn định giá lương thực trên thế giới.


Việc đối phó với giá lương thực và năng lượng tăng cao đang trở thành vấn đề cấp bách đối với các nước giàu cũng như nghèo trên thế giới. Hội nghị Thượng đỉnh G-8 họp ở Nhật Bản ngày 14/6 đã ra tuyên bố chung, trong đó chỉ rõ rằng kinh tế thế giới đang đối phó với giá năng lượng và lương thực tăng cao, tạo ra sức ép lớn về lạm phát và suy giảm tăng trưởng do ảnh hưởng khủng hoảng tín dụng ở Mỹ. Mới đây Diễn đàn kinh tế Đông Á lần thứ 17 khai mạc ngày 15/6 ở Kualla Lumpur (Malaysia) cũng đã bàn các biện pháp đối phó với những vấn đề an ninh lương thực và năng lượng cùng với bất ổn tài chính. TGĐ ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), ông Rajat Nag cảnh báo rằng lạm phát ở mức cao sẽ là nguy cơ lớn nhất của khu vực trong tương lai và có thể hủy hoại mọi tiến bộ đạt được trong 20 năm qua. Dự báo lạm phát châu Á năm nay có thể ở mức 5,1% nên ông Rajat đã khuyến nghị các nước nâng lãi suất ngân hàng và áp dụng tỷ giá llinh hoạt để kiềm chế lạm phát.


Nỗ lực của Chính phủ đã phát huy tác dụng


Diễn biến tình hình giá cả leo thang trên thế giới đã gây áp lực lớn đối với Việt Nam. Giá dầu tăng chưa từng có trong lịch sử lên gần 140 USD/thùng đã gây sốc cho tất cả các nước nhập khẩu dầu. Cùng với sự phát triển kinh tế, nhu cầu tiêu thụ năng lượng tăng lên mạnh ở nhiều nước nhất là những nước đông dân như Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia. Lần đầu tiên một nước thành viên tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) là Indonesia đã phải làm đơn rút khỏi tổ chức này vì đã trở thành nước nhập khẩu dầu mỏ. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia giá dầu còn có thể tăng cao hơn nữa lên 150 USD/thùng, thậm chí đến cuối năm có dự báo cho rằng còn lên 200 USD/thùng. Nếu dự báo trên là đúng thì đây quả là một tai họa lớn đối với các nước nhập khẩu dầu. Kinh tế nhiều nước sẽ rơi vào khủng hoảng.


Những nỗ lực của Chính phủ trong việc đưa ra các giải pháp kiềm chế lạm phát đã bắt đầu có tác dụng, nhất là các biện pháp ổn định tiền tệ. Trong ngắn hạn, việc điều chỉnh tỷ giá của NHNN đã giúp cho thị trường ngoại tệ tạm thời ổn định, tuy vẫn còn tiềm ẩn nhiều biến động của thị trường ngoài tầm kiểm soát của Chính phủ.

Việc tháo bỏ lãi suất trần huy động, NHNN đã điều chỉnh nâng lãi suất cơ bản lên 12% và 14% và khống chế lãi suất cho vay ở 18 và 21% đã phần naò giúp cải thiện tính thanh khoản của nhiều DN và ngân hàng vừa và nhỏ.


Nỗ lực cắt giảm chi tiêu công cộng ít nhất 10% và cắt giảm, hoãn các công trình chưa thật cấp thiết đã bước đầu có chuyển biến. Theo báo cáo của Bộ trưởng KH&ĐT tính đến 28/5/08 cả nước đã cắt giảm 995 dự án với tổng giá trị 3.983 tỷ VND. Chính phủ đang có kế hoạch cắt giảm 25% vốn đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ năm 2008.


Những nỗ lực kể trên đã bước đầu giảm tốc nhịp độ tăng giá cả và nhập siêu, góp phần kiềm chế lạm phát trong thời gian tới. Tuy nhiên, về ngắn hạn là như vậy, còn về trung và dài hạn nếu không có dự báo kịp thời và chính xác những biến động của thị trường thế giới thì nỗ lực kiềm chế lạm phát của Chính phủ sẽ khó mà thành công như mong đợi.


Đánh giá lạc quan của nước ngoàì


Căn cứ vào việc phân tích đánh giá tình hình kinh tế VN trong thời gian qua, các chuyên gia các tổ chức kinh tế có mặt tại VN đã đưa ra những nhận định khá lạc quan.


Chuyên gia kinh tế của tập đoàn Morgan Stanley cho rằng kinh tế VN chưa đến mức phải quá lo ngại vì những yếu tố bất ổn vẫn trong vòng kiểm soát. Vấn đề nợ nước ngoài của VN chưa thật sự nguy hiểm. Trong cơ cấu nợ nước ngoài thì nợ ngắn hạn chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, 8,6% GDP và món nợ này lại chủ yếu chỉ liên quan đến tín dụng xuất khẩu. Gần 90% số nợ còn lại là nợ trung và dài hạn. Mặc dù tổng nợ nước ngoài là cao xong nguồn dự trữ ngoại tệ của VN cũng khá cao. Vốn nước ngoài đổ vào TTCK mới khoảng 6 tỷ USD, chưa thể ảnh hưởng lớn tới thị trường này một khi họ rút vốn ra ngoài.


Tập đoàn Goldman Sachs đưa ra 3 lý do để lạc quan là: Thứ nhất, các luồng vốn FDI và ODA vẫn tiếp tục chảy vào VN, chứng tỏ nhà đầu tư nước ngoài vẫn kỳ vọng vào thị trường VN. Cụ thể 5 tháng đầu năm FDI đạt gần 15 tỷ USD. Nhà ĐTNN vẫn tiếp tục mua gom cổ phiếu khi mà thị trường CK liên tục sụt giảm. Thứ hai, nợ ngắn hạn còn khá nhỏ. Thứ ba, nhu cầu về USD tăng chủ yếu phục vụ cho xuất khẩu, thể hiện ở chỗ vốn đổ vào vàng và đô la tăng.


Ngân hàng Thế giới (WB) tại VN trong báo cáo cập nhật về tình hình phát triển kinh tế của VN cho rằng các chính sách bình ổn kinh tế của Chính phủ đã bắt đầu có hiệu quả, giá cả và kim ngạch nhập khẩu có dấu hiệu giảm tốc. Tuy nhiên vấn đề thâm hụt tài chính của Chính phủ là đáng lo ngại. Nhập siêu trong 5 tháng đầu năm chiếm 40% GDP và 60% giá trị xuất khẩu. Đây là điều đáng lo ngại. Việc chi phí của Chính phủ ngoài ngân sách cũng góp phần làm tăng têm thâm hụt thương mại và thâm hụt tài chính. Nếu các vấn đề này giải quyết không tốt sẽ tác động đến tăng lạm phát. Vì vậy cần tập trung giải quyết vấn đề thâm hụt tài chính, để giảm áp lực đối với lạm phát.


Về lâu dài, Việt Nam cần tiến hành các cải cách cần thiết để lành mạnh hóa môi trường tài chính, giảm bớt các tích tụ bất ổn kinh tế lâu dài. Theo chuyên gia kinh tế Trưởng UNDP tại Việt Nam Jonathan Pincus thì trước mắt VN cần cải cách 3 lĩnh vực sau đây: Thứ nhất, cần để các DNNN hoạt động theo cơ chế thị trường và Chính phủ cần kiểm soát các DNNN lớn. Cần để các DNNN vay với lãi suất thị trường chứ không phải ưu đãi như hiện nay. Thứ hai, trong việc sử dụng tiền ngân sách Nhà nước cần có tính minh bạch. Cần cải cách chính sách tài khóa, thống nhất tiền sử dụng từ ngân sách. Hiện nay chi tiêu Chính phủ chiếm tới 7-10% thâm hụt ngân sách và điều đó có nghĩa là Chính phủ đang sử dụng số tiền nhiều hơn số thu được từ thuế. Điều đó dẫn đến lạm phát. Thứ ba là cải cách lĩnh vực ngân hàng. Theo ông Jonathan thì hiện VN có quá nhiều ngân hàng mới được thành lập, trong đó có những ngân hàng rất nhỏ, không hiệu quả. Vì vậy ông kiến nghị không nên thành lập mới bất kỳ ngân hàng nào trong vòng 2 năm tới chừng nào hệ thống ngân hàng chưa kiểm soát được.


Những nhận xét trên đây của các chuyên gia kinh tế nước ngoài là tương đối khách quan. Nó góp phần tạo niềm tin trong dân chúng và các nhà đầu tư. Tuy nhiên, Chính phủ cũng cần phải có các biện pháp quyết liệt hơn nữa để ngăn chặn yếu tố đầu cơ trên thị trường, có những chính sách kinh tế linh hoạt phù hợp với thị trường, có như vậy mới hy vọng kiềm chế được lạm phát trong thời gian tới.



Nguồn: www.toquoc.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường