Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Năm 2008: VND sẽ lên giá mạnh
23 | 02 | 2008
Việc điều hành chính sách tiền tệ và tỷ giá của Việt Nam sẽ gặp nhiều sức ép trong năm 2008 khi các nhà kinh tế dự báo rằng, đồng tiền nội tệ (VND) tiếp tục lên giá và tăng mạnh trước sức ép của dòng vốn đầu tư nước ngoài tăng cao và trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực kiềm chế lạm phát và duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao.

Theo báo cáo mới nhất về Việt Nam của Ngân hàng ANZ, Chính phủ Việt Nam dường như không còn theo đuổi chính sách VND yếu nhằm khuyến khích xuất khẩu, mà đã cho phép VND lên giá trong bối cảnh lạm phát đang là vấn đề đau đầu hiện nay.

Ông Amber Rabinov, một nhà kinh tế tại ANZ cho rằng, việc VND lần đầu tiên tăng giá nhẹ trong năm 2007 (khoảng 0,2%) cộng với việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) nới lỏng biên độ giao dịch VND/USD vào cuối tháng 12/2007 đã cho thấy, VND sẽ tiếp tục xu hướng tăng giá.

Kể từ khi tỷ giá VND/USD đạt đỉnh 16.152 đồng/USD vào ngày 22/1/2007, VND đã lên giá và đạt 15.968 đồng/USD vào ngày 13/2 vừa qua, mức lên giá mạnh nhất kể từ giữa năm 2006.

“Với xu hướng như vậy, chúng tôi dự báo, sự lên giá (danh nghĩa) của VND so với USD sẽ khoảng 4,2% trong năm 2008. Tỷ giá VND/USD sẽ đạt 15.500 đồng vào giữa năm và 15.350 đồng/USD vào cuối năm nay”, ông Rabinov nói.

Các nhà kinh tế đều cho rằng, việc lên giá của VND trong năm 2007 và năm 2008 chủ yếu là do sức ép từ nguồn cung USD quá lớn trên thị trường, do dòng vốn đầu tư gián tiếp (FPI), đầu tư trực tiếp (FDI) cũng như lượng kiều hối tăng mạnh kể từ sau khi Việt Nam gia nhập WTO.

Theo báo cáo của ANZ, dòng vốn FPI vào Việt Nam trong năm 2008 sẽ đạt 7,3 tỷ USD (tiền ròng) so với 5,6 tỷ USD trong năm 2007, nhờ dự báo tăng trưởng kinh tế cao (khoảng 8,5 - 9%) và thị trường tài chính trong nước tiếp tục phát triển. Trong khi đó, lượng vốn FDI cũng ước đạt 2,25 tỷ USD (tiền ròng) trong năm 2008, 2 tỷ USD năm 2007 và 1,76 tỷ USD năm 2006.

Bà Katie Dean, một nhà kinh tế cao cấp của ANZ cho rằng, dòng vốn FPI tăng mạnh vào Việt Nam trong thời gian gần đây đã gây sức ép tới các chính sách tiền tệ của Việt Nam và Chính phủ sẽ phải linh hoạt hơn trong việc điều hành và cho phép VND lên giá là điều không thể tránh khỏi nhằm kiềm chế lạm phát.

“Một lượng lớn ngoại tệ đã và đang được chuyển sang VND để đầu tư sẽ khiến nhu cầu VND tăng và lên giá”, ông Ayumi Konishi, Giám đốc quốc gia ADB Việt Nam cho biết.

Ông David G. Fernandez, Giám đốc điều hành và Trưởng nhóm nghiên cứu thị trường châu Á của JPMorgan cho rằng, xu hướng giảm giá của VND sẽ không còn là xu hướng chủ đạo trong thời gian tới. Ông Fernandez vào đầu năm 2007 cũng đã dự báo chính xác tỷ giá VND/USD sẽ giảm xuống mức 16.000 đồng/USD vào cuối năm 2007.

Ông Rabinov thì cho rằng, VND lên giá và NHNN tăng lãi suất là phù hợp đối với việc kiềm chế lạm phát và duy trì tốc độc tăng trưởng kinh tế cao của Việt Nam và điều này cũng không khuyến khích việc “đô la hoá” nền kinh tế, khiến việc điều hành chính sách tiền tệ hiệu quả hơn.

“VND tăng giá mạnh cũng khiến giá hàng hóa nhập khẩu, trong đó có mặt hàng năng lượng sẽ rẻ hơn trong bối cảnh nhập khẩu của Việt Nam vẫn đang chiếm 80% GDP”, ông Rabinov nói.

Được biết, NHNN đã theo đuổi chính sách VND yếu nhằm khuyến khích xuất khẩu và một số nhà kinh tế cho rằng, việc VND tăng giá quá nhanh sẽ ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Tuy nhiên, ông Il Houng Lee, nguyên Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam cho rằng, khả năng cạnh tranh cần tính toán trong bối cảnh với các đối thủ xuất khẩu khác trong khu vực, những nước cũng chịu sức ép tăng giá đồng nội tệ của họ.

“Đồng tiền của các đối tác thương mại chính của Việt Nam cũng lên giá và sẽ tiếp tục lên giá. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam lại có lợi thế là VND vẫn giảm giá khoảng 5% so với đồng euro, yên, nhân dân tệ, đô la Singapore...”, ông Rabinov nói.

“Việc tăng xuất khẩu sau khi gia nhập WTO cũng làm giảm ảnh hưởng của việc VND lên giá”, ông Konishi nói.

Trong khi NHNN đang nỗ lực kiềm chế lạm phát với việc tăng lãi suất, tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại và cho phép VND lên giá thì các nhà kinh tế ANZ tin rằng, sẽ cần nhiều nỗ lực hơn nữa để có thể kiểm soát được lạm phát, vốn đang gây đau đầu cho các nhà điều hành chính sách của Việt Nam và duy trì được tốc độ tăng trưởng GDP cao.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam đã tăng 2,38% trong tháng 1/2008 so với tháng 12/2007, sau khi đã chứng kiến CPI tăng mạnh 12,63% trong năm 2007 so với tháng 12/2006.



Theo ĐTCK
Báo cáo phân tích thị trường