Đối với các Cty chứng khoán nước ngoài, TTCK Việt Nam đầy tiềm năng và nhiều cơ hội.
"Trâu chậm uống nước đục"
Cty nào đến trước sẽ lợi thế hơn so với những Cty đợi đến khi Việt Nam mở cửa cho Cty chứng khoán 100% vốn nước ngoài sau 5 năm gia nhập WTO. Đến lúc đó, cơ hội cho những Cty chứng khoán đến sau sẽ không còn hấp dẫn như thời điểm hiện nay khi kế hoạch cổ phần hoá hàng ngàn DN nhà nước sẽ cơ bản hoàn thành vào năm 2010.
Ngoài ra, các Cty chứng khoán nước ngoài có thể giảm được những khó khăn về thủ tục, mặt bằng và nhân lực khi vào Việt Nam. Và cái được nhất là họ tự doanh chứng khoán mà không phải băn khoăn về "room".
TTCK Việt Nam đã và sẽ có gần 100 Cty chứng khoán hoạt động, một con số quá lớn so với số lượng tài khoản của các nhà đầu tư. Trong khi thị phần lớn đang nằm trong tay những Cty lâu đời. Một số Cty chứng khoán thành lập trong thời gian gần đây đều có vốn góp từ các DN lớn nhằm có đuợc thị phần và đủ lực để cạnh tranh với những Cty cũ. Những Cty chứng khoán mới và nhỏ sẽ "lép vế" trong cuộc đua khó khăn này. Một số Cty chứng khoán có vốn điều lệ vỏn vẹn 20 đến 30 tỷ đồng, số tiền này chỉ đủ để trang bị công nghệ chứ chưa nói đến tự doanh chứng khoán hay bảo lãnh phát hành.
Bứt tốp”?
Bán cổ phần cho đối tác nước ngoài là cơ hội để các Cty chứng khoản nhỏ bứt tốp, vươn lên. Với thương hiệu "ngoại" điền bên cạnh tên Cty đã phần nào tạo lòng tin cho các DN và nhà đầu tư. Thêm vào đó, Cty chứng khoán trong nước còn nhận được nhiều thuận lợi từ đối tác nước ngoài.
Ưu thế về công nghệ là điều không cần bàn cãi. Việc các Cty chứng khoán mới phải bỏ ra số tiền lớn để mua công nghệ sẽ gặp rủi ro từ việc phụ thuộc vào chất lượng của đối tác cung cấp, cũng như khả năng vận hành của nhân viên Cty. Trong khi, nếu được cung ứng công nghệ bởi cổ đông là Cty chứng khoán nước ngoài thì sẽ giảm bớt được những rủi ro kể trên. Mặt khác, TTCK VN sẽ từng bước phát triển và nâng cao trình độ công nghệ buộc các Cty phải thường xuyên đáp ứng yêu cầu này. Trước đây quy định áp dụng khớp lệnh liên tục ở HoSE đã phải hoãn nhiều lần vì lý do các Cty chứng khoán chưa kịp triển khai công nghệ hay việc lựa chọn một số Cty chứng khoán thử nghiệm giao dịch không sàn cũng đã tạo lợi thế hơn cho những Cty này.
Bên cạnh đó, trình độ quản lý và kinh nghiệm của các TTCK nước ngoài là tài sản quý cho các Cty trong nước; vừa nâng cao khả năng tự doanh vừa nâng cao năng lực quản lý cho nhân viên Cty, nhanh chóng đáp ứng những nghiệp vụ mới trên thị trường như chứng khoán phái sinh, tư vấn mua bán và sáp nhập, tư vấn tài chính... Ngoài ra, năm 2008 sẽ có một số DN tiến hành niêm yết trên TTCK nước ngoài và nếu thành công sẽ là đòn bẩy để các DN khác tiếp bước. Việc lựa chọn một Cty chứng khoán có thương hiệu "ngoại" để tư vấn là hoàn toàn khả thi.
Đồng thời, đây có thể là báo hiệu trào lưu các Cty chứng khoán bán cổ phần cho các đối tác nước ngoài như đã từng diễn ra trong ngành ngân hàng, bảo hiểm. Cuộc đua chỉ mới bắt đầu, cơ hội chia đều cho tất cả, Cty nào bứt tốp thành công sẽ thoát khỏi quy luật giải thể, sáp nhập được dự báo sẽ diễn ra trong thời gian sắp tới.