Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Việt Nam được nhiều nước đánh giá là đối tác quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội
23 | 02 | 2008
Việt Nam hiện đang là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Vị thế Việt Nam đã tăng lên, năng lực của Việt Nam được khẳng định. Việt Nam đang và sẽ là địa chỉ tin cậy thu hút đầu tư của nhiều nước trên thế giới. Theo ông Lý Quang Diệu, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh cùng với các nền kinh tế Đông Nam Á khác như In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a. Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục đà tăng trưởng và vì vậy, châu Á sẽ không rơi vào khủng hoảng kinh tế mặc dù nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ đang suy giảm.

Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản phát triển mạnh mẽ. Tháng 3 tới, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng sẽ sang thăm Nhật Bản và phía Nhật Bản cũng đã chính thức mời Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh sang thăm vào thời điểm thích hợp. Thủ tướng Nhật Bản Y-a-xư-ô Phư-cư-đa (Yasuo Fukuda) cũng đã nhận lời sang thăm Việt Nam trong một thời gian tới.

Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, Nguyễn Phú Bình nhấn mạnh: Quan hệ giữa hai nước đã có bước phát triển vượt bậc kể từ sau chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cuối năm 2006 và chuyến thăm nhà nước đầu tiên của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tháng 11 năm ngoái. Nhật Bản hiện là nước cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho Việt Nam, đồng thời là một trong những nhà đầu tư lớn nhất và là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Các hoạt động giao lưu, trao đổi và hợp tác giữa hai bên trong các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, du lịch, khoa học kỹ thuật cũng không ngừng được mở rộng.

Đại sứ Nguyễn Phú Bình cho biết trong thời gian tới, với tư cách là Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, ông sẽ nỗ lực hết sức để thúc đẩy quan hệ Việt - Nhật theo hướng quan hệ đối tác chiến lược, trong đó đặc biệt đẩy mạnh các cuộc trao đổi cấp cao giữa các nhà lãnh đạo hai nước nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại song phương.

Trong lĩnh vực kinh tế, hai bên sẽ tập trung thúc đẩy việc triển khai các dự án hạ tầng. Quan trọng là dự án xây dựng đường sắt và đường bộ cao tốc Bắc - Nam, khu công nghệ cao Hòa Lạc, giải tỏa tình trạng ách tắc giao thông tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Việt Nam sẽ khuyến khích các xí nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là những xí nghiệp có trình độ công nghệ cao để có thể hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp phụ trợ.

Ngoài ra, việc thúc đẩy hợp tác giữa các vùng, miền của hai nước cũng được chú trọng. Chính quyền các địa phương ở Nhật Bản hiện rất quan tâm tới việc mở rộng quan hệ với các địa phương của Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sẽ tăng cường hợp tác giáo dục với Nhật Bản. Hiện có khoảng 2.500 học sinh, sinh viên Việt Nam đang theo học tại Nhật Bản và trong thời gian tới, Việt Nam sẽ nỗ lực đưa thêm sinh viên sang đất nước Mặt trời mọc thông qua hình thức học bổng của chính phủ hoặc viện trợ phát triển chính thức (ODA). Việt Nam cũng khuyến khích các trường đại học của Nhật Bản mở các phân hiệu tại Việt Nam để thực hiện đào tạo tại chỗ. Vấn đề đào tạo nghề cũng sẽ được quan tâm đặc biệt do các công ty Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam cần rất nhiều nhân lực.

Ngoài việc mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế và giáo dục, hai bên cũng sẽ chú trọng tới việc tăng cường giao lưu văn hóa và du lịch. Việt Nam đặt mục tiêu thu hút 500.000 lượt khách du lịch Nhật Bản vào năm 2010 vì các tuyến bay giữa hai nước hiện nay hết sức thuận lợi và người Nhật Bản mong muốn tìm hiểu văn hóa Việt Nam.

Năm nay, Việt Nam và Nhật Bản sẽ kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Để kỷ niệm sự kiện quan trọng và có ý nghĩa đặc biệt này, hai bên đang xúc tiến tổ chức hàng loạt hoạt động giao lưu quy mô lớn, trong đó nổi bật là “Lễ hội Nhật Bản tại Việt Nam”, dự kiến diễn ra vào tháng 5 tới và “Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản” vào tháng 9.

Tại Đức, thị trường Việt Nam được các nhà đầu tư rất coi trọng. Tổ chức Hợp tác quốc tế về kinh tế và khoa học bang Ba-đen Vuyết-tem-béc (Baden-Wuerttemberg) đã phối hợp với Bộ Kinh tế bang này tổ chức cuộc Hội thảo về kinh tế Việt Nam, Xinh-ga-po và Ma-lai-xi-a.

Tham luận “Việt Nam - Cơ hội thị trường cho các doanh nghiệp cỡ vừa” của bà Da-bi-nơ Đi-mai-ơ (Sabine Dietlmeier) thuộc phòng thương mại nước ngoài của Đức (phụ trách thị trường Việt Nam) và những kinh nghiệm khi thâm nhập trị trường Việt Nam của Công ty sản xuất máy công cụ Mác Bô-ê-ring-gơ (Mac Boehringer) đã đánh giá cao thị trường Việt Nam và cho rằng doanh nghiệp Đức, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần tận dùng cơ hội để đầu tư vào Việt Nam.

Theo các diễn giả, Việt Nam có nhiều thế mạnh như hệ thống chính trị - xã hội ổn định, đất nước đạt được nhiều thành tựu sau khi áp dụng chính sách cải cách và mở cửa nền kinh tế, một xã hội trẻ trung, năng động, chất lượng sản xuất cao, sức mua ngày càng tăng và đặc biệt, Việt Nam luôn mong muốn hội nhập vào nền kinh tế thế giới, nhất là sau khi đã trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Nhiều ý kiến cho rằng hiện các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang có xu hướng khai thác những “vùng đất mới” như các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong đó, Việt Nam được coi là thị trường lý tưởng để các doanh nghiệp Đức có thể đầu tư.

Trong tham luận “Việt Nam, một năm sau khi gia nhập WTO”, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Đức, Nguyễn Hữu Tráng đã nêu bật những thành tựu về kinh tế - xã hội của Việt Nam trong năm qua, quan hệ đối ngoại được mở rộng và hội nhập kinh tế quốc tế thành công, trong đó Việt Nam đã trở thành thành viên thứ 150 của WTO và được bầu làm Ủy viên không trường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Ông kêu gọi các doanh nghiệp Đức, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đến Việt Nam tìm cơ hội đầu tư.

Anh là một trong những nước châu Âu đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam. Tân Đại sứ Anh tại Việt Nam Mác Ken (Mark Kent) khẳng định: Việt Nam là đối tác quan trọng của Anh trong khối ASEAN.

Trả lời phỏng vấn Đài BBC của Anh, tân Đại sứ Anh đã bầy tỏ mong muốn mở rộng hợp tác về giáo dục giữa Anh với Việt Nam, trong khi Anh có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Tân Đại sứ Anh cũng bày tỏ ấn tượng sâu sắc về sức sống của Việt Nam, tốc độ phát triển và tiến bộ trong cuộc sống của người dân tại đây. Ông cho biết, Việt Nam đang là thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, do vậy Anh muốn đối thoại thường xuyên và trực tiếp với Việt Nam về các vấn đề trong khuôn khổ Hội đồng Bảo an. Theo ông, Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình cải tổ Liên Hợp quốc.

Anh sẽ có các cuộc thảo luận với các nước ASEAN về thỏa thuận tự do thương mại giữa EU và các nước trong khối này và Việt Nam là một trong các đối tác đàm phán chính. Về quan hệ đầu tư và thương mại, Anh là một trong các nước châu Âu đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam. Theo Đại sứ Anh Mác-Ken, đầu tư của Anh vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng. Lòng tin mà các nhà đầu tư Anh đặt vào Việt Nam tốt cho cả hai phía, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Ông hy vọng quan hệ hai bên sẽ mở rộng thêm nữa nhất là sau chuyến thăm Anh của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong tương lai gần. Ngoài các lĩnh vực kể trên, ông cũng muốn tiếp tục thúc đẩy hợp tác trên phương diện văn hóa, đấu tranh chống tội phạm, di trú và Anh cũng đang hỗ trợ Việt Nam một dự án về nâng cao năng lực quản lý nhà nước.

Về lĩnh vực hỗ trợ phát triển, tân Đại sứ Mác Ken cho biết Anh đã và đang hợp tác rất tích cực với chính phủ Việt Nam và nỗ lực này được chính phủ Việt Nam đánh giá cao. Ông bày tỏ hy vọng quan hệ này sẽ tiếp tục được đẩy mạnh.

Các nước trong khối ASEAN cũng đánh giá cao tiềm lực của nền kinh tế Việt Nam. Bộ trưởng cấp cao Xinh-ga-po Lý Quang Diệu nhận định: Việt Nam tiếp tục là nền kinh tế sôi động nhất Đông Nam Á trong vòng 20 - 30 năm tới. Trong số các sinh viên Đông Nam Á, sinh viên Việt Nam được đánh giá là học tập nghiêm túc, chăm chỉ và đáng tin cậy nhất.

Theo ông Lý Quang Diệu, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh cùng với các nền kinh tế Đông Nam Á khác như In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a. Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục đà tăng trưởng và vì vậy, châu Á sẽ không rơi vào khủng hoảng kinh tế mặc dù nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ đang suy giảm.



Nguồn: www.thongtinthuongmaivietnam.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường