"Nhiệt độ" lên cao nhất là vào chiều ngày 16.1, giá USD trên thị trường tự do cao hơn tỉ giá do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố 5,89%, cao hơn giá của NH Thương mại (NHTM) niêm yết 1,72%.
Không có sự bất thường nào trên thị trường ngoại tệ chính thức. Tỉ giá niêm yết bán VND/USD của các NHTM trong cả tuần tương đối ổn định, phổ biến quanh mức 17.475đ-17.484đ/USD. Nhưng trên thị trường tự do, giá USD liên tục tăng.
Ngày 13.1, giá 1USD bán ra trên thị trường tự do lên mức 17.700 đồng. Ngày 16.1 mức mua-bán buổi sáng là 17.680đ-17.700đ/USD, chiều lên 17.700đ-17.780đ. Ngay chủ một số cửa hàng vàng cũng tiếc nuối vì không dự đoán được mức tăng của giá USD để găm hàng. Những tổ chức có giao dịch tài chính liên quan đến ngoại tệ thì lo lắng theo dõi và có những biện pháp phòng ngừa sự biến động của tỉ giá.
Sợ USD lên giá?
Có ba yếu tố được dư luận cho là nguyên nhân của việc USD lên giá trong tuần qua. Thứ nhất, nhiều người tin là chỉ ngay trong tuần trước Tết Nguyên đán, NHNN sẽ tiếp tục hạ lãi suất (LS) cơ bản về mức 7% và theo đó LS kinh doanh, đặc biệt là LS tiết kiệm VND sẽ giảm rất mạnh có thể chỉ còn 5-6%/năm. Trong tuần qua, LS huy động VND kỳ hạn theo tháng của các NH ở mức 6,99-7,78%/năm. LS huy động USD đang ở mức từ 2,35-3,55%/năm.
Nếu chỉ với tương quan LS của 2 đồng tiền ở thời điểm này cộng với mức mất giá của VND (tính theo tỉ giá trên thị trường tự do) trong mấy ngày qua thì một số người cho rằng chuyển từ VND sang USD thì có lợi và đảm bảo an toàn vốn hơn.
Thứ hai, theo dự đoán từ cuối năm 2008 của một tổ chức nghiên cứu tài chính thì trong quý I/2009, tỉ giá VND/USD có thể lên 18.000 đồng, vì vậy có kỳ vọng NHNN sẽ điều chỉnh tăng tỉ giá giao dịch liên NH ngoại tệ hoặc nới rộng thêm biên độ được phép niêm yết tỉ giá của các NHTM.
Thứ ba, thông tin có hiện tượng DN vay USD tuy chưa đến kỳ trả nợ nhưng đã mua sẵn USD để giữ vì sợ tỉ giá sẽ tăng. Chính lượng đặt mua nhiều của DN khiến cầu ngoại tệ tăng... Nhưng dù nguyên nhân nào đi nữa, rõ ràng là đang tồn tại tâm lý lo ngại VND sẽ mất giá so với USD. Chính tâm lý này đã khiến tỉ giá trên thị trường tự do tăng khá mạnh trong tuần qua cho dù tỉ giá trên thị trường chính thức vẫn tương đối ổn định. Cũng vì yếu tố tâm lý nên đến sáng ngày 17.1, giá USD bắt đầu giảm nhẹ, đến hôm qua (Chủ nhật) giá mua vào-bán ra 1USD xuống còn 17.590 đồng- 17.690 đồng.
Ai bị ảnh hưởng bởi chính sách tỉ giá?
7 tháng đầu năm 2008, tỉ giá có những biến động (nguồn cung ngoại tệ từ NH lúc rất thiếu, lúc thừa, lúc DN cần bán nhiều NH không mua, lúc DN cần mua NH lại bán rất ít, tỉ giá trên thị trường tự do biến động quá mạnh...). DN XK khi vay vốn phải vay VND, nhưng nguồn trả nợ là tiền hàng thu được từ nước ngoài lại là USD. DN khi cần NK phải mua USD với giá cao, nhưng khi ngoại tệ về tài khoản lại phải bán cho NH với giá thấp hơn... Vì vậy, nhiều DN XNK trong năm 2008 do mức chênh lệch tỉ giá giữa mua và bán ngoại tệ đã bị ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả sản xuất, kinh doanh.
Nếu tỉ giá lại biến động mạnh nữa trong thời gian này sẽ lại thêm một nỗi lo cho DN trong bối cảnh năm 2009 vốn đã khó dự báo về thị trường và ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính.
Trong thông báo cuối tuần qua, NHNN cho biết, đang tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, điều hành tỉ giá linh hoạt, bảo đảm góp phần kiểm soát nhập siêu, ổn định kinh tế vĩ mô.
Với nội dung tuyên bố như vậy, dư luận khó có thể đoán định được ý đồ của NHNN về chính sách tỉ giá thời gian tới. Chắc chắn NHNN cũng cùng chung mong muốn với các DN và tổ chức tài chính là có một chính sách tỉ giá ổn định giúp nền kinh tế có thể dự kiến được kế hoạch tài chính, nhưng vấn đề không thể dễ dàng như thế khi phải xử lý cân đối chung của kinh tế vĩ mô.
Nếu chính sách tỉ giá nhằm tăng XK thì lại có thể ảnh hưởng đến các DN nhập khẩu (mà VN vẫn là nước chịu áp lực lớn từ nhập khẩu, nhiều DN xuất khẩu nguyên vật liệu phải nhập khẩu), gây ra tăng giảm giá trong nước...
Một vấn đề nữa cũng rất phức tạp là xử lý tình trạng USD hoá nền kinh tế. Số dư tiền gửi ngoại tệ trong hệ thống NH đang có tốc độ tăng khá mạnh (riêng HN tăng gần gấp 6 lần, tính đến cuối tháng 12.2008, tốc độ tăng tiền gửi ngoại tệ so cuối năm 2007 là 30,3%, trong khi tốc độ tăng tiền gửi VND chỉ 5,2%). Nếu các NHTM không giảm tiếp LS huy động ngoại tệ thì khi LSCB giảm, LS huy động VND giảm thì người gửi tiền cộng với USD lên giá sẽ có xu hướng dịch chuyển từ VND sang USD.
Với bối cảnh như hiện nay, chính sách tỉ giá có vẻ như đang được quan tâm nhất từ nhiều phía. Linh hoạt nhưng không gây sốc, đó là điều mà DN và các tổ chức tài chính mong muốn ở chính sách tỉ giá của NHNN.