Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cổ phiếu ngành thủy sản: Vừa tiềm năng, vừa rủi ro
15 | 09 | 2007
Thêm hai doanh nghiệp nữa của ngành thủy sản sẽ niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM trong quí 3 là Công ty Cổ phần Nam Việt (Navico) và Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (Vinh Hoan Corp).


Với các doanh nghiệp ngành này đã niêm yết trước đó, cổ phiếu đang bị chia thành hai tốp với giá giao dịch ở mức trên và dưới 100.000 đồng/cổ phiếu. Các nhà đầu tư đánh giá cao tiềm năng của các doanh nghiệp thủy sản nhưng cũng khá dè dặt với những rủi ro của ngành...

Ăn nên làm ra nhờ con cá

Hai doanh nghiệp sắp niêm yết hiện là hai doanh nghiệp mạnh trong lĩnh vực chế biến cá tra và cá ba sa xuất khẩu. Trong đó, Navico được xem là doanh nghiệp đứng đầu trong cả nước về mức vốn điều lệ, doanh thu lợi nhuận, công suất chế biến.

Theo thống kê của Trung tâm Thương mại Bộ Thủy sản, trong tốp 10 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, cá ba sa năm ngoái, Navico xếp thứ nhất với doanh số hơn 111 triệu đô la Mỹ; Vinh Hoan Corp. xếp thứ ba với doanh số hơn 53 triệu đô la Mỹ. Hiện Navico chiếm tỷ lệ khoảng 20,7% giá trị kim ngạch xuất khẩu cá tra, ba sa cả nước; Vinh Hoan Corp. chiếm khoảng 5,4%.

Tiền thân của Navico là một công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập năm 1993 với vốn điều lệ ban đầu 27 tỉ đồng và chức năng kinh doanh chính lại là một lĩnh vực hoàn toàn khác: xây dựng dân dụng và công nghiệp.

Mãi đến năm 2000, công ty mới mở rộng phạm vi kinh doanh sang lĩnh vực chế biến thủy sản và dần dần trở thành lĩnh vực chính, trong đó chủ yếu chế biến xuất khẩu cá tra, cá ba sa đông lạnh.

Cũng trong thời gian này, sự chuyển mình của Navico khá rõ bằng việc đầu tư lớn cho hai nhà máy sản xuất thủy sản đông lạnh là Nam Việt và Thái Bình Dương với tổng công suất chế biến trung bình 500 tấn cá/ngày.

Chính sự đầu tư này đã đem lại kết quả tăng trưởng đột biến về doanh thu và lợi nhuận cho Navico trong năm 2006; đặc biệt do nhà máy Thái Bình Dương khi chính thức hoạt động đã đạt được 100% công suất thiết kế, làm gia tăng mạnh sản lượng, đồng thời lại vào lúc giá bán sản phẩm trên thị trường tăng.

Doanh thu thuần của Navico năm 2006 đạt 2.707 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 266,3 tỉ đồng, tăng tương ứng lần lượt 123,34% và 267,81% so với năm 2005.

Một thế mạnh khác là hệ thống phân phối, trong đó ở mảng xuất khẩu, Navico có các đại lý độc quyền về phân phối sản phẩm tại các nước EU - thị trường tiêu thụ chính của công ty.

Cũng trong năm 2006, Navico chính thức chuyển thành công ty cổ phần với vốn điều lệ 600 tỉ đồng. Tháng 6-2007, công ty bán đấu giá thành công 6 triệu cổ phần, tăng vốn điều lệ lên 660 tỉ đồng; giá đấu thành công bình quân là 113.234 đồng/cổ phần. Cổ phiếu của công ty này có lúc giá lên đến 142.000 đồng/cổ phần (tháng 3-2007).

Hiện cổ đông nước ngoài sở hữu khoảng 18%, trong đó có các cổ đông pháp nhân lớn như: Prudential Việt Nam, Deutsche Bank AG, Dragon Capital, KITMC, Vietnam Partner, PXP...

Đối với Vinh Hoan Corp., tiền thân cũng là công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập năm 1997 với số vốn điều lệ ban đầu chỉ có 300 triệu đồng. Tuy nhiên, mức tăng trưởng quy mô của công ty này khá nhanh với vốn điều lệ đã tăng lên đến 300 tỉ đồng, gấp 1.000 lần sau gần 10 năm hoạt động.

Vốn của Vinh Hoan Corp. tăng mạnh kể từ khi công ty chính thức chuyển sang hình thức công ty cổ phần vào tháng 4 vừa qua, và đặc biệt sở hữu cổ phần lớn nhất là một cá nhân với tỷ lệ chiếm 60%.Hoạt động kinh doanh chính của Vinh Hoan Corp. là chế biến, xuất khẩu cá tra, cá ba sa đông lạnh.

Cũng như Navico, Vinh Hoan Corp. đã đầu tư mạnh cho hai xí nghiệp sản xuất thủy sản trong hai năm gần đây, nâng tổng công suất chế biến hiện tại đạt hơn 200 tấn cá nguyên liệu/ngày, nằm trong số các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, ba sa lớn nhất Việt Nam. Doanh thu và lợi nhuận của công ty cũng tăng đột biến vào năm 2006, đạt 1.516 tỉ đồng doanh thu và 78,6 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế.
Nhưng khác với Navico có thế mạnh ở thị trường EU, Vinh Hoan Corp. chiếm ưu thế cạnh tranh ở thị trường Mỹ do được áp dụng mức thuế nhập khẩu thấp nhất 6,84%; trong khi các doanh nghiệp khác phải chịu mức thuế bình quân từ 30-40%.

Công ty đã triển khai chi nhánh tại Mỹ để mở rộng mạng lưới phân phối của mình và dự kiến sẽ thành lập công ty con tại nước này với chức năng làm đầu mối chính trong giao dịch mua bán sản phẩm của Vinh Hoan Corp. vào thị trường Mỹ và các thị trường lân cận.

Hiện trong nước, Vinh Hoan Corp. có một công ty con lo về sản xuất thức ăn thủy sản, có quy mô vốn 50 tỉ đồng (trong đó Vinh Hoan Corp. góp 70%), dự kiến hoạt động vào cuối năm 2007.

Vào tháng 6-2007, công ty đã thực hiện bán bớt 6 triệu cổ phần (20% vốn điều lệ) cho các nhà đầu tư lớn theo phương thức phát hành riêng lẻ với giá khởi điểm 51.000 đồng/cổ phần. Giá thị trường cổ phiếu của Vinh Hoan Corp. thời điểm tháng 6-2007 có lúc đạt 58.000 đồng.

Tiềm năng lớn, rủi ro cũng nhiều

Trên sàn giao dịch chứng khoán Tp.HCM, hai công ty có thế mạnh về chế biến xuất khẩu cá tra, cá ba sa là Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản Bến Tre (mã ABT) và Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (mã AGF) dường như cũng được nhà đầu tư đánh giá cao hơn so với các doanh nghiệp khác cùng ngành.

Theo số liệu của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), giá cao nhất trong 52 tuần của ABT là 157.000 đồng (27-2-2007), thấp nhất là 90.000 đồng (25-12-2006), giá hiện tại là 104.000 đồng (phiên 14-8-2007); của AGF cao nhất là 155.000 đồng (27-2-2007), thấp nhất 66.500 đồng (22-8-2006) và hiện tại là 98.000 đồng (14-8-2007). Trong khi đó, một vài công ty thủy sản khác từ lúc niêm yết đến nay, giá giao dịch bình quân ở mức 50.000-60.000 đồng.

Ngoài thế mạnh của từng doanh nghiệp, các yếu tố khác về mức tăng trưởng cùng những rủi ro của ngành thủy sản được xem là cơ sở để các nhà đầu tư có sự nhìn nhận giá trị cổ phiếu của các doanh nghiệp trong ngành này như trên.

Theo tổ chức tư vấn niêm yết là Công ty Chứng khoán Bảo Việt, ngành chế biến thủy sản đông lạnh xuất khẩu hiện đang có triển vọng phát triển tốt. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu thủy sản bình quân trong năm năm qua là trên 18%/năm.

Riêng các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, cá ba sa (với cổ phiếu đang được đánh giá cao - so sánh tương đối trong ngành), hiện đang hưởng được lợi thế chung của ngành do Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới xuất khẩu cá tra, ba sa.

Kim ngạch xuất khẩu cá tra và ba sa năm 2007 đang được kỳ vọng đạt trên một tỉ đô la Mỹ, sản lượng trên một triệu tấn (năm 2006 là trên 700 triệu đô la Mỹ về giá trị và 286.000 tấn về sản lượng đã chế biến).

Tuy nhiên, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra, cá ba sa cũng thường xuyên đối mặt với những khó khăn trong nuôi trồng, chế biến cũng như những biến động về mặt thị trường.

Theo tổ chức tư vấn niêm yết cho hai doanh nghiệp Navico và Vinh Hoan Corp., một trong những hạn chế lớn của ngành có ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp là biến động nguồn nguyên liệu. Nhà nước vẫn chưa có chiến lược quy hoạch tổng thể nghề nuôi và chế biến cá tra, ba sa ở đồng bằng sông Cửu Long.

Nguồn nguyên liệu là cá tra, cá ba sa hiện được các hộ dân nuôi thả trong ao, bè trên sông Tiền và sông Hậu. Rủi ro ô nhiễm nguồn nước sông do số lượng hộ nuôi tăng lên nhanh chóng trong khi môi trường nước không được bảo vệ là có thể xảy ra. Mặt khác, những yếu tố khách quan về thiên tai bão lụt cũng ảnh hưởng đến sản lượng nguyên liệu.

Thách thức khác về mặt thị trường là tranh chấp thương mại và các rào cản kỹ thuật từ các nước nhập khẩu. Vừa qua, việc Mỹ đánh thuế chống bán phá giá đã phần nào làm thị trường xuất khẩu các sản phẩm này bị thu hẹp.

Bên cạnh đó, các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm do các nước nhập khẩu cá tra, cá ba sa đưa ra ngày càng nghiêm ngặt. Việc các nước này thường xuyên bổ sung danh mục những hóa chất cấm sử dụng và dư lượng kháng sinh tối thiểu trong sản phẩm làm cho các doanh nghiệp xuất khẩu gặp khá nhiều khó khăn.



Nguồn: TBKTSG
Báo cáo phân tích thị trường