Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
“Ôm” Cổ phiếu ngành thuỷ sản: Thời điểm Vàng
21 | 09 | 2007
Ngành thủy sản VN đã có bước phát triển rất ấn tượng trong năm 2006 và trong 6 tháng đầu năm 2007. Theo dự báo của các chuyên gia, bắt đầu từ cuối tháng 8, đầu tháng 9, XK thủy sản chuyển động mạnh vì nhu cầu sản phẩm thủy sản đông lạnh trên thế giới tăng. Do vậy vào thời điểm hiện nay, một số Cty chứng khoán đã đề xuất mảng tự doanh là đầu tư vào cổ phiếu ngành này.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, sản lượng thuỷ sản 6 tháng đầu năm ước tính đạt 1.849,5 nghìn tấn, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Khai thác thuỷ sản đạt 1.076,9 nghìn tấn, trong đó khai thác biển đạt 989,4 nghìn tấn, tăng 3%. Thủy sản vẫn nằm trong số 4 ngành truyền thống có kim ngạch XK cuối năm trên 1 tỷ USD.

Thế mạnh và rủi ro

Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) đã xếp VN đứng thứ 5 thế giới về sản lượng nuôi trồng thủy sản. XK thủy sản của VN đứng thứ 7 trên thế giới về giá trị kim ngạch XK. Thuỷ sản VN là mặt hàng có sức cạnh tranh cao do chi phí nhân công và nguyên vật liệu thấp hơn.

Trong khi đó, xu hướng thị trường thế giới về nhu cầu thủy sản ngày càng tăng. Thị trường nội địa cũng vẫn là thị trường rất tiềm năng, nhu cầu sử dụng thủy hải sản của người VN đang ngày càng gia tăng. Ngành thủy sản luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao, bình quân 18,4%/năm. Đây cũng là ngành đang được Chính phủ khuyến khích đầu tư phát triển. Các hoạt động của ngành thủy sản nằm trong danh mục A những ngành được hưởng ưu đãi đầu tư. Kể từ khi gia nhập WTO, thủy sản VN càng có nhiều cơ hội để mở rộng thị trường, thu hút vốn, tiếp nhận công nghệ mới... Từ đây đến cuối năm 2007, XK thuỷ sản có nhiều khả năng đạt được mục tiêu kế hoạch 3,6 tỷ USD.

Tuy nhiên, rủi ro của ngành này là các DN thủy sản VN phải đối mặt với sức ép cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Hơn nữa, yêu cầu ngày càng cao về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm; các yêu cầu về bảo vệ môi trường; các vụ kiện chống bán phá giá và tranh chấp thương mại; cạnh tranh ngày càng khốc liệt...

Triển vọng cổ phiếu

Hiện có 6 DN trong ngành thuỷ sản niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM. Trên nền tảng những kết quả kinh doanh ấn tượng đã công bố năm 2006, các DN ngành thuỷ sản tiếp tục công bố kết quả kinh doanh khá tốt trong 6 tháng đầu năm 2007.

Ngoại trừ Cty cổ phần Thủy sản số 4, chỉ số P/E tính bình quân cho các DN nói trên là 14-15 lần trên sàn TP HCM. Mức P/E này được xem là ở mức trung bình so với thị trường và thấp so với tốc độ tăng trưởng của các DN thuỷ sản.

Ngoài ra, Cty cổ phần thủy sản Vĩnh Hoàn đang nộp đơn niêm yết trên HOSE, trên sàn giao dịch HASTC còn 2 Cty niêm yết là INCOMFISH và Thủy sản Minh Phú. Trên thị trường OTC cũng còn giao dịch cổ phiếu của một vài Cty thủy sản, trong đó đáng kể nhất là NAVIFICO.

Mới đây, Indochina Capital đã quyết định đầu tư vào Cty CP Thủy sản BIM ở Hạ Long - Quảng Ninh với mức sở hữu 20%. Indochina Capital sẽ đóng vai trò là cổ đông chiến lược, hỗ trợ BIM về tài chính, quản trị và phát triển thị trường. Theo đánh giá của Indochina Capital, vấn đề lớn nhất của thủy sản VN là yêu cầu đảm bảo chất lượng từ đầu vào đến đầu ra, dễ dàng truy xuất nguồn gốc, và đảm bảo chất lượng qua khâu chế biến. Những DN nào đáp ứng được yêu cầu sẽ nhận được sự chú ý của các quỹ đầu tư. Do vậy, sau BIM sẽ còn nhiều Cty trong ngành thủy sản VN thu hút được nguồn vốn từ các quỹ này.



Theo dddn.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường