Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đối phó với lạm phát 2008
14 | 02 | 2008
Năm qua lạm phát của Việt Nam đã lên đến 12,6% (năm ngoái là 6,6%), mức tăng kỷ lục trong một thập kỷ qua. Về cơ bản, lạm phát luôn được xem là một “hiện tượng tiền tệ”, nghĩa là lượng tiền tăng quá mức so với khối lượng hàng hóa trao đổi trong nền kinh tế. Ở Việt Nam, nhằm hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế luôn ở tốc độ cao, lượng tiền được mở rộng liên tục trong nhiều năm trở lại đây và nhiều người nghi ngờ rằng đó là lý do của lạm phát.

Tuy vậy, cũng trong năm qua, nhiều yếu tố khách quan đã tác động đến giá cả, chẳng hạn như lũ lụt, bệnh dịch trên gia cầm - những yếu tố tác động đẩy giá lương thực thực phẩm tăng cao, giá một số nguyên vật liệu hàng công nghiệp tăng do nhu cầu của Trung Quốc tăng mạnh, và đặc biệt là giá xăng dầu tăng vọt. Song, cho đến thời điểm cuối năm, khi tất cả các yếu tố trên được tổng hợp và phân tích bằng các công cụ khác nhau thì vai trò chính của chính sách tiền tệ và tín dụng không thể bỏ qua.

Trong năm 2007, giá hàng lương thực thực phẩm (chiếm gần 43% trọng số trong chỉ số giá tiêu dùng) được xem là một nhân tố chính làm tăng chỉ số giá chung. Trong khi đó, giá cả của các nhóm hàng hóa khác, đặc biệt là nguyên vật liệu của ngành xây dựng (như sắt thép, xi măng...) cũng tăng vọt bởi sự gia tăng của giá dầu nhập khẩu. Nhưng so với những nước láng giềng, được xem là có cùng nhóm nhân tố ảnh hưởng, thì lạm phát của họ gần như được kiểm soát hoàn toàn. Điều này có nghĩa là nguyên nhân chính của lạm phát ở Việt Nam phải được lý giải ở một nguyên nhân khác.

Gần đây, một lượng lớn vốn nước ngoài đổ vào Việt Nam, dưới dạng đầu tư trực tiếp (FDI) lẫn đầu tư gián tiếp (FPI). Trong tình huống này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có sự lựa chọn giữa hai chính sách:

- Nới lỏng tỷ giá để tiền đồng Việt Nam (ĐVN) tăng giá nhằm hạn chế sức ép lên lạm phát; điều này có thể dẫn đến làm tổn thương xuất khẩu và khuyến khích nhập khẩu.

- Hoặc là mua vào lượng lớn ngoại tệ dẫn đến tăng dự trữ và giữ cho tỷ giá ổn định (hoặc là phá giá đôi chút cho đến giữa năm 2007) để hỗ trợ xuất khẩu và thúc đẩy tăng trưởng GDP.

Và NHNN đã lựa chọn chính sách thứ hai bằng cách để cho cung tiền tăng và cũng không sử dụng chính sách vô hiệu hóa (sterilizing) thông qua các công cụ như phát hành trái phiếu lãi suất cao để thu hút bớt lượng tiền dư thừa. Chính sách trên của NHNN đã làm tổng cầu tăng mạnh và tạo ra sức ép lên tổng cung như một tình trạng “thắt cổ chai” trong toàn bộ các khu vực của nền kinh tế. Sẽ không đúng nếu cho rằng nguyên nhân của lạm phát là đến từ một khu vực này hoặc một khu vực khác, chẳng hạn bắt nguồn từ những yếu tố bên ngoài như giá dầu.

Đồ thị bên dưới chỉ ra mối liên hệ giữa giá, khối tiền rộng (M2) và giá dầu thế giới trong giai đoạn 1995-2007.

Đề xuất một số biện pháp

Chính phủ có lẽ phải rà soát lại toàn bộ chính sách vĩ mô và quyết định những chính sách dựa trên trọng số tác động của chúng.

1. Rà soát lại mục tiêu tăng trưởng GDP hàng năm theo hướng thấp và ổn định hơn cho đến khi nào lạm phát trở lại mức 5-6%. Đây là hướng hữu hiệu và trực tiếp nhất để kiểm soát lạm phát đang ở mức báo động. Mục tiêu hàng đầu là nên giảm tổng cầu của nền kinh tế. Chính phủ phải cân nhắc lại những chính sách hiện tại của mình, nhất là việc khuyến khích một tỷ lệ đầu tư cao trong GDP như là một phương cách để đạt được tăng trưởng cao. Kết quả là chỉ số ICOR của Việt Nam hiện nay rất cao và điều này thể hiện sự kém hiệu quả của lượng vốn đầu tư. Đây cũng là thời điểm mà Chính phủ nên khuyến khích những dự án đầu tư, trong khu vực công lẫn tư nhân, sử dụng ít nguồn lực nhưng đem lại năng suất cao hơn nhằm thúc đẩy hiệu quả của lượng vốn chi tiêu. Đây cũng là cách làm giảm sức ép lên tình trạng thắt cổ chai của phía cung trong tất cả các khu vực trong nền kinh tế nhằm giảm sức ép lên lạm phát.

2. Để đạt được những mục tiêu trên, Chính phủ cần tạo cho NHNN một cơ chế độc lập hơn trong những quyết định chính sách sau:

- Hạn chế mở rộng tiền tệ và tín dụng, đặc biệt là hạn chế tín dụng ngân hàng cho các cá nhân vay để mua chứng khoán và bất động sản; doanh nghiệp nhà nước; các chương trình cho vay xã hội.

- Tăng lãi suất cho vay trong hệ thống ngân hàng, một phần sẽ tác động lên lãi suất cho vay liên ngân hàng và các hoạt động cho vay cầm cố các giấy tờ có giá (repo operations).

- Tăng thêm tỷ lệ dự trữ bắt buộc.

3. Cho phép tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn nhằm giảm lạm phát, mặc dù điều này có thể làm giảm xuất khẩu: đồng Việt Nam sẽ tăng giá trong vài tháng tới, nhất là khi thông báo gần đây của NHNN (25-12-2007) cho phép nới rộng 50% biên độ tỷ giá giao dịch của tiền đồng, từ +/- 0,5% lên +/-0,75%. Ngân hàng đã cho phép tỷ giá được linh hoạt hơn thông qua những biến động nhỏ hàng ngày.

4. NHNN phát hành trái phiếu có lãi suất cao nhằm giảm tính thanh khoản đang vượt mức trong nền kinh tế.

5. Nếu cần thiết, nên kiểm soát các dòng vốn đi vào nhằm giảm tác động tạo ra sức ép lên lạm phát. Điều này phải được xử lý một cách khéo léo nhằm tránh những tác động bất lợi lên thị trường chứng khoán còn non trẻ.

Chính phủ phải cân nhắc lại những chính sách hiện tại của mình, nhất là việc khuyến khích một tỷ lệ đầu tư cao trong GDP như là một phương cách để đạt được tăng trưởng cao. Kết quả là chỉ số ICOR của Việt Nam hiện nay rất cao và điều này thể hiện sự kém hiệu quả của lượng vốn đầu tư.



TS Chí Đỗ Phạm, Saigontimes
Báo cáo phân tích thị trường