Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Việt Nam có thể trở thành nước sản xuất ca cao hàng đầu thế giới
15 | 10 | 2007
Ngoài chất lượng cao, ca cao Việt Nam còn có hương vị đặc biệt

Mới đây, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp - Tài nguyên và chất lượng thực phẩm Hà Lan đã tổ chức hội thảo hợp tác khu vực nhà nước và tư nhân giữa Việt Nam và Hà Lan về phát triển bền vững ngành ca cao Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Diệp Kỉnh Tần cho biết, ca cao là cây trồng đang phát triển tại Việt Nam. Tính đến tháng 5/2007, diện tích trồng ca cao trên cả nước đạt gần 9.000ha, tập trung chủ yếu ở các tỉnh: Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Bình Phước, Đắklắk... Chất lượng hạt ca cao Việt Nam đã được nhiều DN, tổ chức đánh giá cao so với ca cao của nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Theo ông Sharief Mohamed - chuyên viên cao cấp Bộ Nông nghiệp - Tài nguyên và chất lượng thực phẩm Hà Lan, Việt Nam rất có tiềm năng phát triển ca cao ở những vùng đất đai phù hợp, đặc biệt là các tỉnh Tây Nguyên và miền Nam. Nếu có chính sách phù hợp, Việt Nam có thể trở thành nước sản xuất ca cao hàng đầu trên thế giới bởi ngoài chất lượng cao, ca cao Việt Nam còn có hương vị đặc biệt.

Ông Peter Van Grinsven - Giám đốc nghiên cứu hiện trường phát triển bền vững ca cao của Masterfoods - tập đoàn sản xuất kinh doanh ca cao của Mỹ đã có những dự án phát triển ca cao ở Việt Nam cũng cho rằng, hương vị là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng ca cao. Với hương vị đặc biệt, ca cao Việt Nam có cơ hội để tạo nên một thương hiệu ca cao nổi tiếng trên toàn thế giới.

Chất lượng ca cao Việt Nam đã được nhiều đại biểu đại diện cho các công ty nước ngoài đang hoạt động thu mua, chế biến và xuất khẩu ca cao tại Việt Nam công nhận. Vấn đề Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm và Bộ Nông nghiệp - Tài nguyên và chất lượng thực phẩm Hà Lan chú trọng hỗ trợ ngành nông nghiệp Việt Nam là phát triển bền vững cây ca cao để đảm bảo các yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường. Rút kinh nghiệm từ phát triển cây cà phê, quan điểm phát triển cây ca cao của ngành nông nghiệp là phát triển theo hướng thâm canh, tăng năng suất, chất lượng, phát triển bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái. Cây ca cao được khuyến cáo phát triển xen canh, góp phần tăng thu nhập cho nông hộ, đồng thời khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia sản xuất ca cao từ khâu trồng trọt đến chế biến và phát triển thị trường.

Trên quan điểm đó, mới đây đề án "Phát triển cây ca cao đến năm 2015 và định hướng đến 2020" đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt với mục tiêu đến năm 2015 diện tích cây ca cao đạt 60.000ha, sản lượng hạt khô đạt 52.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 50-60 triệu USD; đến năm 2020, đạt 80.000ha, sản lượng hạt khô 108.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 100-120 triệu USD. Thực hiện đề án này, trước mắt ngành nông nghiệp tập trung vào các khâu: quy hoạch vùng trồng ca cao; chọn lọc giống; xây dựng quy trình trồng, chăm sóc và chế biến ca cao cho từng vùng; đào tạo, tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất ca cao và từng bước phát triển ngành chế biến ca cao theo hướng đa dạng hóa sản phẩm từ ca cao.

Tại hội thảo, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp - Tài nguyên và chất lượng thực phẩm Hà Lan đã ký thỏa thuận hợp tác phát triển ca cao tại Việt Nam. Theo đó, phía Hà Lan sẽ hỗ trợ ngành nông nghiệp trong các lĩnh vực: tiếp cận thị trường và thiết lập chuỗi giá trị hiệu quả cho ca cao Việt Nam; thông tin tuyên truyền cho ngành ca cao; đào tạo và tập huấn cho cán bộ và nông dân tham gia phát triển ca cao; bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển ca cao.



Nguồn: chebien
Báo cáo phân tích thị trường