Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tạo dựng thành công từ ... dừa
12 | 04 | 2008
Nhắc đến Bình SVC - doanh nghiệp đầu tiên sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ ở Nam Trung Bộ, người ta không thể không nhắc đến Giám đốc doanh nghiệp Phạm Hồng Bình


Phạm Hồng Bình được biết đến là một con người năng động, dám nghĩ, dám làm, không chỉ biết làm giàu cho bản thân mình mà còn tạo việc làm cho không ít thanh niên nông thôn trong tỉnh Phú Yên. Sau 6 năm hoạt động, không phải là một thời gian dài nhưng cũng không phải ngắn để Phạm Hồng Bình đưa Bình SVC lên hàng ngũ những thương hiệu có tiếng. Sản phẩm của Bình SVC hiện giờ đã có mặt trên thị trường các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước và còn xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới như Italia, Đức, Nhật,…

Biến dừa thành hàng mỹ nghệ...

Là 1 nghệ nhân sinh vật cảnh với nhiều năm say mê "lên rừng xuống biển" để tìm kiếm những cây cảnh quý, chẳng ai có thể ngờ rằng ở độ tuổi 50, Ông Phạm Hồng Bình lại xây dựng nên một doanh nghiệp kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ có uy tín lớn.

Trong một lần về huyện Sông Cầu – Phú Yên thăm người bạn, ông Bình xót xa khi thấy bà con trồng dừa làm cơ cực nhưng chỉ bán được với giá 700đ – 1.000đ/trái, còn những phụ phẩm từ dừa như thân, cọng, trái, cuống dừa thì bỏ đi, nếu có sử dụng cũng chỉ để làm chất đốt. Khi về nhà, cây dừa luôn ám ảnh ông cả trong giấc ngủ. "Tại sao lại không sử dụng những vật liệu đó để làm hàng mỹ nghệ", là câu hỏi mà ông đặt . Sau nhiều đêm đắn đo, suy nghĩ, Ông đã tìm ra câu trả lời cho mình: đó là mở xưởng sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa.

Tháng 2/2003, ông quyết định thành lập doanh nghiệp sản xuất hàng mỹ nghệ - trang trí nội thất – ngoại thất. Những ngày đầu thành lập do chưa có nhiều vốn nên từ xưởng sản xuất đến cửa hàng trưng bày chỉ gói gọn trong hai tầng nhà chưa đầy 50 mét vuông, nguồn lao động chủ yếu cũng chỉ là người nhà. Chính vì vậy mục tiêu của Ông là sản xuất dừa thành hàng mỹ nghệ là chính. Sau nhiều năm vừa học hỏi, vừa vật lộn với thương trường, cũng do kinh nghiệm còn hạn chế nên có những lúc thất bại nhưng cuối cùng thì ông cũng đã kí được những hợp đồng đầy tiềm năng và từ đó mở đường cho sự phát triển đi lên của doanh nghiệp.

Sau hơn 6 năm khởi nghiệp, từ một cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ nhỏ chỉ với những sản phẩm đơn giản, đến nay doanh nghiệp Bình SVC đã có trên 400 mặt hàng mỹ nghệ như: tranh trang trí, mành thư pháp, đèn bàn, đèn tường, giá cắm bút, bình cắm hoa,… và hiện doanh nghiệp đang chuẩn bị khai trương làng nghề mỹ nghệ tại thôn Long Thủy, xã An Phú, TP. Tuy Hòa – một trong những điểm du lịch "hút khách" nhất ở Phú Yên.

Ông Bình cho biết: “Việc xây dựng cơ sở mới ở thôn Long Thủy sẽ tạo cơ hội việc làm cho lực lượng lao động nhàn cư tại địa phương và những người khuyết tật, nâng cao mức thu nhập cho người trồng dừa (vì hiện tại doanh nghiệp mua với giá 1.500đ – 2.000đ/trái), đồng thời cũng nâng cao doanh thu cho doanh nghiệp”.

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo từ dừa của Bình SVC hiện nay không chỉ có mặt trên thị trường cả nước mà còn xuất khẩu sang cả trời Tây. Tuy nhiên, hiện tại doanh nghiệp không đủ nguồn hàng để xuất khẩu vì để làm ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ đẹp và độc đáo không hề đơn giản, đòi hỏi sự sáng tạo và bàn tay khéo lép của người nghệ nhân. Chính vì vậy mục tiêu của ông Bình là sẽ đào tạo một đội ngũ công nhân lành nghề để có thể tạo ra những sản phẩm độc đáo và đẹp mắt, có giá trị thẩm mỹ và kinh tế cao.

Một trái tim nghệ sỹ

Nói về mục tiêu phát triển của doanh nghiệp, ông Bình cho biết: “Hướng phát triển doanh nghiệp không chỉ mang giá trị thương mại bằng việc cung cấp sản phẩm làm từ dừa ấn tượng hơn để phục vụ khách du lịch mà nó còn mang một ý nghĩa nhân văn sâu sắc”.

Với niềm đam mê nghệ thuật, ông Bình đã quyết định thực hiện những tác phẩm kỷ lục, để đời. Đó là chiếc bình lớn nhất Việt Nam làm bằng gáo dừa mang tên “Huyền sử đời Hùng”. Chiếc bình này có đường kính rộng 2m55, cao 3m62 và nặng 600kg được ghép thành từ hơn 200.000 mảnh gáo dừa do ông và 20 nghệ nhân làm liên tục trong hơn 3 tháng với chi phí khoảng hơn 100 triệu đồng. Nối tiếp đó là kỷ lục chiếc đèn bàn lớn nhất Việt Nam mang tên “Nguồn sáng Việt”, rồi tác phẩm con chim yến làm bằng gáo dừa mang tên “Biển gọi“.... Những tác phẩm này đều đã được đưa vào sách kỷ lục Việt Nam và vinh dự được nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đến thăm, ký tặng lưu niệm.

Trong năm 2008, ông Bình và các cộng sự của mình doanh nghiệp cũng sẽ cho ra mắt một kỷ lục khác, đó là tập sách được làm bằng sọ dừa. Sách có chiều dài 5m, ngang 2,5m và tổng cộng có 5 trang, trên sách sẽ trích đăng những bài thơ văn về đất và người Phú Yên.



Nguồn: doanhnhan24h.vn
Báo cáo phân tích thị trường