Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Siêu thị biến thành chợ
11 | 04 | 2008
Siêu thị: không gian kín. Chợ: không gian mở. Một khi siêu thị chạy đua với chợ bằng cách làm cá, bán cá chưa qua sơ chế thì chúng không còn thân thiện
Biến siêu thị thành chợ

Lần đầu tiên đến siêu thị Vinatexmart ở quận 4, ông Lê Thành Vân đã tự nhủ sẽ không bao giờ quay lại đây mua sắm nữa. Ông kể: “Tôi suýt bị nôn ngay khi bước chân qua biển báo chỉ dẫn lối vào bởi mùi hôi và rất tanh từ quầy cá đặt tại đó. Tôi không hiểu sao nhà kinh doanh lại đặt quầy thực phẩm tươi sống ngay tại cửa vào, chẳng tiện cho người mua tí nào”.

Tương tự như vậy, mỗi lần đến siêu thị Co.opmart Nguyễn Đình Chiểu, bà Nguyễn Thị Xuân, ngụ ở Q.10 rất sợ phải đi sâu vào phía trong gởi xe, bởi lẽ ngay sát cửa ra vào thẳng quầy cá tươi là bãi rác được che chắn bằng các vách tạm có vẻ kín, nhưng không giấu nổi mùi hôi nồng nặc và dòng nước đen ngòm rỉ từ bên dưới len qua các kẽ nền xi măng. Bà Xuân cho biết: “Tôi sợ nhất là khi nhìn thấy vảy cá, đầu cá, máu và nước cứ ngợp khu quầy cá vào giờ đông khách mua sắm. Đặc biệt khó chịu khi mùi này lại lẩn quẩn ở trong khu vực máy lạnh”.

Thêm vào đó, do thiếu mặt bằng lớn, nhà kinh doanh đã tìm cách khai thác diện tích tối đa, hàng được bày từ dưới đất lên tận nóc kệ, tất cả các ụ, các đầu quầy, các ngả rẽ đều không còn chỗ nào trống. Bà Đặng Thị Huyền Trang, ngụ ở đường Trường Chinh, P.12, Q. Tân Bình nói: “Bây giờ nhiều siêu thị không còn chỗ chen chân là đúng. Như siêu thị Sài Gòn ở lầu 1 thương xá Tax, hàng bày bán để trong giỏ nhựa sắp dọc suốt lối đi, chẳng khác gì mấy bà tiểu thương tận dụng diện tích ở chợ Bến Thành, An Đông…”

Những thứ từng được coi là tiện nghi mua sắm như vừa chọn hàng vừa được thưởng thức bản nhạc yêu thích, không gian thoáng với máy lạnh mát rượi, khoảng trống để chọn lựa và so sánh giữa các mặt hàng với nhau… gần như không còn nữa. Gần như tất cả các siêu thị hiện nay đều không có khoảng trống nào để khách mua xong có thể dừng chân để “thở”. Vào ngày lễ, tết thì càng tệ hơn nữa, tìm một chỗ trống để giỏ hàng cũng khó. Tình trạng khách mua hàng phải nhích từng bước tìm lối vào gởi xe đã khổ, mà họ phải tự xoay trở để không bị ngã vào các thùng hàng để ngổn ngang của nhà cung cấp (vì diện tích siêu thị hẹp không có lối vào riêng cho hàng hoá).

Tự kéo đẳng cấp xuống

Sự có mặt của các quầy cá – thịt – rau củ quả tươi sống được các nhà kinh doanh siêu thị đưa ra nhằm phục vụ các bà nội trợ nhu cầu mua sắm hàng ngày. Tất cả các hệ thống Co.opmart, Maximark, Big C, Wellcome, Vinatexmart, Citimart… đều bán các mặt hàng này theo kiểu “chợ”, tức là khi có khách mua mới bắt đầu sơ chế, cụ thể là làm cá tại chỗ. Mặt trái của dịch vụ tiện ích này là sự ô nhiễm của mùi hôi, nước rửa…

Số lượng các mặt hàng trong siêu thị đã tăng khá nhanh trong ba năm qua, bình quân khoảng 30%. Cụ thể những siêu thị có 20.000 mặt hàng đã tăng đến 25.000 – 30.000 mặt hàng. Có nơi đạt đến gần 50.000 mặt hàng. Nhờ vậy doanh thu các siêu thị tăng lên trên diện tích bán hàng không hề thay đổi. Điều này cũng dẫn đến tiện nghi mua sắm và cơ sở vật chất hạ tầng mà lẽ ra người tiêu dùng được hưởng đã giảm đáng kể. Khách hàng không còn nhiều khoảng trống. Các lối đi, hành lang... nơi nào cũng tràn ngập các quầy quảng cáo, khuyến mãi của siêu thị và các nhà cung cấp…

Hình ảnh cả gia đình đi siêu thị ung dung đẩy xe, đứa con vắt vẻo ngồi trên xe đẩy, vợ chồng vui vẻ chọn hàng gần như khó thực hiện được vì các loại xe đẩy hiện nay đã bị làm nhỏ lại theo diện tích thu hẹp của các lối đi giữa quầy hàng. Ngay cả ở các lề đường bên ngoài siêu thị, khách cũng không có khoảng trống để dừng vì tất cả diện tích đều được trưng dụng để cho các nhân viên tiếp thị hoạt động. Sự nhếch nhác của siêu thị còn đang được tăng thêm bởi các vỉa hè đầy rác của brochure, bao nylon, ly uống nước, những mảng gạch bong tróc, các poster quảng cáo cũ chưa hạ xuống…

Đi mua sắm ở siêu thị, người tiêu dùng chấp nhận mức giá có thể cao hơn 3 – 10% so với chợ và cửa hàng bên ngoài đồng nghĩa với họ chấp nhận trả cho các khoản đầu tư về cơ sở hạ tầng và không gian mua sắm để được hưởng thụ một môi trường mua sắm hiện đại. Vậy nên, việc nhà kinh doanh siêu thị lấy mất đi các tiện nghi này là không sòng phẳng với người tiêu dùng.



Nguồn: Sài Gòn Tiếp Thị
Báo cáo phân tích thị trường