Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nhà cung cấp “làm giá”, siêu thị đau đầu
09 | 04 | 2008
Mặt hàng có mức tăng giá mạnh là thực phẩm công nghệ 10%-15%, nước mắm 10%-20%, rượu 10%-30%.
Trong khi người tiêu dùng đang chuẩn bị tâm lý để đón nhận thêm đợt tăng giá mới trong tháng Tư này thì các siêu thị cũng đang loay hoay tìm cách đối phó việc tăng giá theo kiểu “té nước theo mưa” của một số nhà cung cấp. Ai ép được siêu thị? Thực tế không phải nhà cung cấp nào cũng có được “đặc quyền” ép các siêu thị tăng giá. Bà Nguyễn Thị Hải - Giám đốc hệ thống Siêu thị Hà Nội cho biết thật ra chỉ những thương hiệu mạnh hoặc những nhà phân phối độc quyền mới “bắt chẹt” được siêu thị mà thôi. Vì đó là những mặt hàng thiết yếu hoặc những nhãn hiệu được người tiêu dùng ưa chuộng. Bà Hải giải thích chẳng hạn với những nhãn hiệu có sức hút mạnh như Vinamilk, Vissan, Tường An, Chocopie... thì dù mức tăng giá có hơi quá thì siêu thị cũng phải chịu. Vì nếu không lấy hàng thì khách hàng đến mua không thấy sẽ bỏ sang siêu thị khác. Thông thường, khi muốn điều chỉnh giá, nhà cung cấp sẽ phải gửi đơn giá đến trước 15-30 ngày để siêu thị xem xét và chuẩn bị nguồn hàng dự trữ. Nếu thấy mức giá điều chỉnh không phù hợp thì siêu thị sẽ thương lượng lại với nhà cung cấp. Tuy nhiên, theo ông Ngô Văn Hải - Phó Giám đốc kinh doanh hệ thống Siêu thị Citimart, mặc dù hợp đồng trước như vậy nhưng thực tế chỉ những nhà cung cấp nhỏ lẻ mới làm chứ những nhà cung cấp lớn thì rất ít khi. Thậm chí khi có thông báo tăng giá, siêu thị đề nghị đặt hàng để dự trữ thì họ cũng chỉ giao hạn chế và lấy lý do là hết hàng. Bà Nguyễn Thị Hải cho biết một số nhà cung cấp đã đồng ý hạ mức tăng sau khi siêu thị thương lượng lại. Nếu không thương lượng được, siêu thị sẽ tìm nhà cung cấp khác. Thế nhưng với những nhà cung cấp lớn thì việc đàm phán này rất khó. Phần lớn siêu thị chỉ có thể đàm phán để giãn thời gian tăng giá. Nếu không được thì phải tìm cách thanh toán hết bằng tiền mặt để được chiết khấu phần trăm hoặc lấy hàng với số lượng lớn nhằm giảm giá thành cho người tiêu dùng. Siêu thị không thể tẩy chay hết Những mặt hàng sẽ tăng giá trong đợt này tập trung chủ yếu vào nhóm hàng thực phẩm như thịt, sữa, thủy sản, bánh kẹo, dầu ăn... với mức tăng bình quân từ 5% đến 10%. Riêng một số mặt hàng có mức tăng giá mạnh là thực phẩm công nghệ 10%-15%, nước mắm 10%-20%, rượu 10%-30%. Riêng nhóm hàng dầu ăn, thịt là bị phản ánh nhiều nhất về chuyện tăng giá không hợp lý. Trước tình trạng trên, ông Ngô Văn Hải cho rằng đồng ý là nguyên phụ liệu tăng, chi phí vận chuyển tăng nhưng mức tăng của nhóm hàng này quá “chóng mặt”. Như dầu ăn một năm tăng đến 4-5 lần, năm nay đã tăng gần 10%-15%. Còn thịt heo thì hầu như không thể kiểm soát được. Sắp tới có thể sẽ tăng nữa do dịch heo tai xanh lại bùng phát. Bà Nguyễn Thị Hạnh - Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết để tránh tình trạng “té nước theo mưa”, Saigon Co.op phải luôn kiểm tra, khảo sát mặt bằng giá thị trường và đánh giá kỹ mức cân bằng giá của mặt hàng với sức tiêu thụ của người tiêu dùng. Đối với những nhà cung cấp yêu cầu tăng giá bất hợp lý, Saigon Co.op sẽ ngưng lấy hàng và thay vào nhà cung cấp khác có mức giá hợp lý hơn. Dù nói là “tẩy chay” những nhà cung cấp tăng giá bất hợp lý, thế nhưng trên thực tế chỉ có thể làm đối với những mặt hàng không chủ lực, thiết yếu hoặc không thuộc thương hiệu mạnh mà thôi. “Nếu tẩy chay hết thì lấy hàng đâu mà bán!” - ông Ngô Văn Hải, Phó Giám đốc kinh doanh hệ thống Siêu thị Citimart nhìn nhận. Mặt khác, đã là nhãn hàng có thương hiệu thì chắc chắn kênh đại lý, phân phối sẽ rất mạnh, do đó họ sẽ không ngại chuyện có vào được siêu thị hay không.
Cần có một hiệp hội siêu thị để chống “làm giá” Ông Ngô Văn Hải - Phó Giám đốc kinh doanh hệ thống Siêu thị Citimart cho rằng các siêu thị nên hợp tác lại với nhau để lập một hiệp hội, có tiếng nói chung và hành động thống nhất. Như vậy mới tạo được áp lực đối với các nhà cung cấp mỗi khi đòi tăng giá vô lý. Sở Thương mại TP.HCM hoặc các hệ thống siêu thị lớn nên đứng ra chủ trì thực hiện. Chứ chỉ một vài siêu thị lên tiếng riêng lẻ như hiện nay thì cũng không có tác dụng gì! Bà Nguyễn Thị Hải cho biết bà hoàn toàn ủng hộ việc các siêu thị liên kết với nhau để chống lại kiểu tăng giá “té nước theo mưa”. Vì đó là cách để bảo vệ quyền lợi của siêu thị, đồng thời cũng là của người tiêu dùng.



Nguồn: Pháp Luật TPHCM Online
Báo cáo phân tích thị trường