Khách hàng tự trả giá cho thực phẩm trong siêu thị đặc biệt này và mô hình này đã giúp đỡ nhiều gia đình khó khăn, đang vật lộn để kiếm thực phẩm cho những đứa trẻ. Theo Kirsty Rhodes, nhà kho này thực sự là cứu cánh của cô trong suốt cả tháng qua.
Kirsty gần đây bị đau mãn tính, khiến chồng cô không còn lựa chọn nào khác là ở bỏ việc để dành phần lớn thời gian chăm sóc cho 3 đứa con của họ. Thu nhập của cặp vợ chồng chỉ trong một đêm giảm xuống gần như bằng 0. Cho đến nay, gia đình này đã mua mỳ tươi, nước ép trái cây, sốt pasta, các món tráng miệng, rau quả và rất nhiều salad từ siêu thị này. “Chúng tôi thậm chí đã có cả sữa cho trẻ em trong một dịp hiếm hoi và đứa bé nhất của chúng tôi mới chỉ 7 tháng tuổi. Thật tuyệt vời!” Kirsty có kế hoạch mở một workshop để dạy mọi người cách làm mứt sau khi cô dùng trái cây từ siêu thị để làm mứt.
Theo Adam Smith, nhà sáng lập Real Junk Food Project, tổ chức đứng sau siêu thị thực phẩm thừa này, họ có kế hoạch mở siêu thị bán đồ ăn thừa tại tất cả các thành phố của Anh. Sáng kiến này khởi đầu với những gian bán thực phẩm thừa tại các cửa hàng cà phê của Real Junk Food Project.
“Chúng tôi đang khởi động tại Sheffield và Bradford,” ông nói. “Tất cả các thành phố sẽ có một nhà kho trung tâm và có một siêu thị cho cộng đồng cũng như Fuel for School”. Fuel for School là hoạt động của một nhóm các nhà hoạt động xã hội về thực phẩm từ Real Junk Food Project, chuyên về giao bánh mỳ, rau quả và các sản phẩm sữa từ các siêu thị tới các trường học để cung cấp thực phẩm cho những học sinh đói bụng.
Nếu không được cung cấp cho những người cần theo cách này, số thực phẩm này sẽ bị tống ra bãi rác, trong khi có thể cung cấp thực phẩm cho 12.000 trẻ em mỗi tuần.
Real Junk Food Project cũng đang hoạt động để mở ra các quán cà phê để khách hàng trả số tiền mà họ muốn. Có hàng trăm quán cà phê trên cả nước Anh đang cung cấp thực phẩm bị bỏ đi. Cùng với tất cả các sáng kiến này, khách hàng được phép trả tiền bữa ăn bằng tiền, thời gian hoặc các kỹ năng của họ.
Ông Adam cho biết: “Chúng tôi cần những tình nguyện viên. Lái xe, cân, phân loại, xếp hàng lên kệ, vệ sinh và nhiều công việc khác. Rất nhiều cơ hội cho mọi người tham gia và thanh toán cho thực phẩm họ mua từ siêu thị.”
Theo một khảo sát do Evening Standard thực hiện, các siêu thị đang vứt đi khoảng 230 triệu Bảng thực phẩm vẫn ăn được.
Theo The Independent