Chi phí thực phẩm sẽ ổn định ở mức cao hơn một chút so với giai đoạn trước thời kỳ giá cao kỷ lục 2007 – 2008, theo OECD FAO dự đoán trong báo cáo hợp tác mới đây. Tăng trưởng dân số, động lực chính của giá thực phẩm, sẽ giảm xuống còn 1%/năm đến năm 2020.
Chi phí thực phẩm toàn cầu đã tăng gấp đôi kể từ năm 2000 do dân số tăng và thu nhập tăng đã đẩy nhu cầu thịt tăng lên. Thịt thường đắt hơn các loại ngũ cốc và hạt có dầu, theo dữ liệu của FAO. Giá thực phẩm đã tăng lên mức giá cao kỷ lục trong năm 2011, đã khiến Cargill, một trong những nhà giao dịch hàng hóa nông sản lớn nhất thế giới, gọi đó là sự kết thúc của kỷ nguyên giá hàng hóa nông sản giảm.
Theo báo cáo của OECD FAO, tăng trưởng dân số, động lực chính của tăng nhu cầu thực phẩm, đang giảm, trong khi tăng trưởng thu nhập tại các nền kinh tế mới nổi được dự báo giảm. Đồng thời, người tiêu dùng, đặc biệt là tại các nền kinh tế mới nổi đông dân, cho thấy mức giảm chi tiêu vào hàng hóa thực phẩm cơ bản trong phần tăng thu nhập.
Giá hàng hóa nông nghiệp đã giảm trong suốt 3 năm qua, đợt giảm giá dài nhất suốt từ năm 2001. Chỉ số giá hàng hóa nông sản của Bloomberg bật tăng 12% trong năm nay do lo ngại thời tiết bất lợi làm giảm sản lượng đậu tương tại Nam Mỹ và sản xuất mía tại châu Á, đẩy giá đường toàn cầu liên tục tăng.
Với nguồn cung thực phẩm toàn cầu được dự đoán sẽ đáp ứng được nhu cầu trong 10 năm tới đến năm 2025, giá thực phẩm sẽ ổn định một khi lạm phát được loại trừ. Sản xuất ngũ cốc toàn cầu được dự đoán tăng 12% đến năm 2025, chủ yếu nhờ tăng năng suất, trong khi nhu cầu được dự đoán tăng 14%. Về giá trị danh nghĩa, giá hàng hóa nông sản sẽ tăng do giá dầu được dự đoán tăng lên mức 83,2 USD/thùng vào năm 2025 từ mức 39,3 USD/thùng hiện nay.
Theo báo cáo, tăng trưởng nhu cầu toàn cầu giữa các hàng hóa có sự khác biệt nhưng tăng trưởng chung được dự đoán thấp hơn so với thập kỷ liền trước. Với tăng trưởng thị trường chung được dự đoán chậm lại, thương mại nông sản được dự đoán chỉ tăng bằng một nửa so với tốc độ của thập kỷ trước.
Tuy nhiên, tăng trưởng nhu cầu đối với thịt, cá và các sản phẩm từ sữa sẽ tiếp tục tăng trưởng tương đối mạnh, thúc đẩy nhu cầu các loại ngũ cốc thô như ngô và bột đậu tương làm TACN. Đậu tương là hàng hóa có mức tăng giá mạnh nhất trong năm nay. Giá năng lượng giảm và chính sách mang tính chất bảo thủ hơn tại nhiều nước sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng nông sản làm nguyên liệu đầu vào sản xuất năng lượng sinh học.
Nhu cầu thực phẩm toàn cầu sẽ chủ yếu được đáp ứng nhờ tăng năng suất. Tăng năng suất được cho là sẽ đóng góp khoảng 80% trong tăng sản lượng. OCDE và FAO dự đoán diện tích trồng trọt và đầu con trong ngành chăn nuôi chỉ tăng nhẹ.
Dư địa tăng diện tích nông nghiệp bền vững chủ yếu tập trung tại Nam Mỹ và cận Sahara. Phần lớn diện tích trồng trọt mới tại châu Phi sẽ dùng để trồng ngũ cốc, trong khi diện tích trồng trọt mới tại Nam Mỹ sẽ tập trung vào đậu tương.
Theo Bloomberg