Chuyên gia kinh tế của FAO, Abdolreza Abbassian, cho rằng, cuộc khủng hoảng giá lương thực năm 2008 là do sự kết hợp của những điều kiện bất thường, bao gồm số tồn kho thấp, thời tiết xấu, sự cạnh tranh của nhiên liệu sinh học, cũng như giá năng lượng cao, trong khi nhiều chính phủ áp đặt các biện pháp hạn chế xuất khẩu cũng như việc các nhà đầu cơ đổ xô vào thị trường lương thực khiến cho tình hình vốn đã tồi tệ lại càng trở nên nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, trữ lượng ngũ cốc thế giới hiện vẫn dồi dào hơn so với thời điểm trước khi giá cả tăng vọt vào năm 2008. Điều này sẽ giúp hạn chế sự tăng giá như năm 2008.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế Pháp, yếu tố đầu tiên đẩy giá lương thực thế giới tăng trở lại trong năm 2009 mang tính cơ học. Bởi diện tích và sản lượng đều giảm trong khi nhu cầu tăng. Yếu tố thứ hai khiến giá sẽ tăng lại là do thị trường không ổn định. Một yếu tố nữa không kém phần quan trọng là do tác động của suy thoái kinh tế thế giới. Theo cảnh báo của Ngân hàng thế giới (WB), điều này có thể tạo nên sự tăng giá mạnh trong vụ mùa 2009-2010 tới do thiếu hụt lương thực.
Sản lượng gạo toàn cầu trong niên vụ 2009-2010 dự kiến giảm lần đầu tiên trong 5 năm trở lại đây do mùa màng ở Ấn Độ bị ảnh hưởng bởi lượng mưa thấp nhất trong 4 thập kỷ qua, trong khi hàng loạt trận bão phá hủy mùa màng tại Philippines và hiện tượng El Nino gây ra hạn hán triền miên tại một số nơi khác. Một số nhà giao dịch và hoạch định chính sách thế giới cho rằng, cung và cầu đang mất cân đối tại thời điểm này.
Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp Mỹ, tổng sản lượng gạo toàn cầu sẽ giảm xuống 432 triệu tấn niên vụ năm 2009-2010, trong khi cầu sẽ ở mức 437 triệu tấn. Do đó, các kho dự trữ sẽ giảm hơn nữa. Điều này lý giải vì sao nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới là Philippin ngày 8-12 vừa qua đã chấp nhận mua loại gạo chất lượng thấp với giá khoảng 630 USD/tấn, tăng 30% so với tháng trước và tăng gấp đôi so với mức 320 USD/tấn hồi đầu năm nay.
Nhiều chuyên gia nông nghiệp quốc tế lo ngại giá lương thực, thực phẩm trên thị trường thế giới sẽ duy trì ở mức cao trong trung hạn do nguồn cung khan hiếm, có thể sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng lương thực mới tương tự năm 2007-2008. Còn FAO lại cảnh báo về một vấn đề xa hơn, đó là số người nghèo đói trên trái đất ngày một tăng - những người khó có thể lo đủ bữa ăn cho gia đình bởi giá quá cao.
Trong một báo cáo gần đây, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và FAO dự báo giá nông sản trung bình trong giai đoạn 2009-2018 sẽ cao hơn 10 đến 20% so với những năm 1997-2006. Giá thịt và sữa sẽ tăng ít hơn so với những loại nông sản khác trong giai đoạn 2009-2018 bởi cung những hàng hóa này có thể điều chỉnh dễ dàng trong ngắn hạn và cầu thì rất nhạy cảm với mức thu nhập của người tiêu dùng.
Các nhà lãnh đạo trong cuộc chiến chống nạn đói toàn cầu vừa kêu gọi thế giới sẵn sàng đối phó với cuộc khủng hoảng lương thực mới và cần hành động ngay để bảo đảm an ninh lương thực ở các nước đang phát triển. FAO thì đề nghị nên có sự gắn kết giữa viện trợ phát triển chính thức (ODA) và việc tài trợ chống biến đổi khí hậu, bởi những hoạt động canh tác giúp hấp thu và giữ khí cácbon trong đất nông nghiệp cũng là giải pháp hiệu quả để đối phó với biến đổi khí hậu ở các nước đang phát triển.