Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Từ chối nhà cung cấp "té nước theo mưa"
02 | 04 | 2008
Các siêu thị tiếp tục nhận được đề nghị tăng giá hàng hóa từ các nhà cung cấp. Tuy nhiên, do có nhiều đề nghị tăng giá bất thường, một số siêu thị cho biết sẽ từ chối những nhà cung cấp đang "té nước theo mưa" để tăng giá.
Bước vào tháng tư, đại diện của nhiều hệ thống siêu thị cho biết tiếp tục đón nhận một đợt tăng giá mới.

Tràn ngập đề nghị tăng giá

Người phụ trách nhóm hàng thực phẩm của hệ thống siêu thị Fivimart cho biết "đề nghị thông báo tăng giá nhiều lắm". Thực phẩm vẫn là nhóm hàng tăng "nóng" nhất, trong đó nhóm bánh kẹo tăng 5-10%, cà phê, nước giải khát 5-10%, đường 5%, nhóm hàng thực phẩm công nghệ 10-15%... Riêng mặt hàng dầu ăn, tính từ tháng ba đến nay đã tăng 10-15% so với trước. Hiện một số siêu thị đã có bảng giá mới của mặt hàng này, trong đó Neptune loại 1 lít từ 30.200 đồng lên 33.600 đồng/chai, Neptune 5 lít từ 151.000 đồng lên 160.000 đồng/chai. Ở nhóm hàng thực phẩm tươi sống, đặc biệt là mặt hàng thịt heo thì không thể kiểm soát được khi "giá gần như điều chỉnh hằng ngày" - người phụ trách cho biết.

Bà Nguyễn Thị Hạnh, phó tổng giám đốc hệ thống Saigon Co.op, cũng xác nhận hệ thống siêu thị đã nhận được thông báo tăng giá của nhà cung cấp áp dụng cho khoảng thời gian giữa tháng tư, đầu tháng năm, chủ yếu rơi vào các nhóm hàng như nước mắm với mức tăng 10-20%, thủy, hải sản đông lạnh 5-10%, đồ hộp 7%, rượu dao động 10-30%...

Sẽ tẩy chay nhà cung cấp tăng giá vô lý

Phòng kinh doanh của Fivimart cho biết theo qui định của hệ thống, bảng thông báo tăng giá bắt đầu có hiệu lực sau 15-17 ngày kể từ ngày nhà cung cấp gửi bảng giá mới. Khoảng thời gian này đủ cho siêu thị điều chỉnh giá nhập và giá bán. Hơn nữa, qui định này nhằm tránh tình trạng biến động giá quá nhiều trong một thời gian ngắn.

Tuy nhiên, qui định này bị các nhà cung cấp lớn "xé rào". "Có hãng sữa chỉ gọi điện thoại thông báo miệng với chúng tôi ba ngày sau sẽ tăng giá, nếu muốn thì đăng ký mua hàng mới, không thì ba ngày sau giá tăng... ráng chịu" - ông Ngô Văn Hải, phó giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Đông Hưng - chủ đầu tư chuỗi siêu thị Citimart, bức xúc nói.

Bà Quỳnh Trang, phụ trách đối ngoại chuỗi hệ thống siêu thị Big C, cũng xác nhận "có nhiều mặt hàng nhà cung cấp tăng giá quá mạnh tay". Theo bà Trang, dù các siêu thị ít nhiều phải lệ thuộc vào nguồn hàng của nhà cung cấp nhưng không thể chấp nhận chuyện "ấn giá trên trời" xuống như một số nơi đang làm hiện nay. "Chúng tôi đã từ chối rất nhiều thông báo giá mới không hợp lý. Bản thân phòng thu mua cũng phải tự thu thập thông tin rất nhiều yếu tố liên quan đến các nguyên nhân có thể làm giá cả một nhóm hàng nào đó tăng, mức tăng thế nào là phù hợp, để từ chối thẳng các nhà cung ứng cứ đòi tăng giá vô tội vạ” - bà Trang nói.

Chống bắt tay tăng giá

Thống kê của phòng kinh doanh siêu thị Maximark cũng cho hay chỉ trong một tháng qua, nhóm hàng thủy hải sản đông lạnh tăng 3-4 lần, mỗi lần nhích từ 3-4%. "Siêu thị cũng chỉ là người bán lẻ nên rất bị động trước các đợt tăng giá.

Với những mặt hàng tăng cao quá, chúng tôi đành chọn giải pháp tích trữ hàng hoặc giãn thời gian nhập hàng, chứ rất khó từ chối nhà cung cấp" - bà Nguyễn Ánh Hồng, giám đốc hệ thống Maximark, thừa nhận.

Bà Nguyễn Thị Hạnh cho biết "sẽ kiên quyết từ chối đối với những yêu cầu tăng giá bất hợp lý”. Theo bà Hạnh, Saigon Co.op luôn có nhiều hơn một nhà cung cấp cho mỗi nhóm hàng, nên có điều kiện để chọn nguồn hàng có giá hợp lý hơn mà vẫn đảm bảo chất lượng theo yêu cầu chính sách chất lượng của siêu thị.

"Đã đến lúc giới kinh doanh siêu thị phải ngồi lại với nhau để chống lại sự bắt tay của các nhà cung ứng, thậm chí của cả nhà sản xuất đối với nguồn hàng rót cho siêu thị” - ông Ngô Văn Hải nhấn mạnh. Theo ông Hải, không thể để mãi các nhà cung ứng, phân phối sử dụng mỹ từ "biến động thị trường" để tha hồ điều chỉnh giá tăng. Ông Hải cho rằng nếu tăng các công ty phải có thông báo lý do thật rõ ràng. Ví như sản phẩm nước giải khát của một công ty, khi điều chỉnh từ 121.000 đồng/thùng lên 122.000 đồng/thùng, họ ghi rất rõ tăng 1.000 đồng/thùng là do phí vận chuyển tăng.

Ông Hải cũng đề nghị đã đến lúc Nhà nước nên thành lập các đoàn thanh tra khảo sát chi phí đầu vào của một loạt các sản phẩm thiết yếu phục vụ đời sống trong thời gian qua. "Không thể cứ lấy mãi lý do nguyên liệu nhập khẩu tăng vọt, chi phí vận chuyển tăng cao để "ca" mãi bài ca tăng giá được" - ông Hải nói.



Nguồn: Tuổi Trẻ
Báo cáo phân tích thị trường