Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cạnh tranh khốc liệt ở thị trường bán lẻ
01 | 04 | 2008
Cần nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường các tỉnh đang còn bỏ trống trước khi tập đoàn nước ngoài nhảy vào.

Việt Nam đang trở thành thị trường phân phối, bán lẻ tiềm năng mà rất nhiều tập đoàn bán lẻ lớn trên thế giới muốn chiếm lĩnh. Doanh nghiệp phân phối trong nước sẽ chống đỡ như thế nào trước các tập đoàn nước ngoài khi mở cửa cho phép các công ty có 100% vốn nước ngoài tham gia vào lĩnh vực này? Đó là nội dung hội thảo quốc tế về thị trường bán lẻ do Bộ Xây dựng, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN cùng Hiệp hội Bán lẻ VN tổ chức diễn ra vào hôm qua (28-3) tại TP.HCM.

Nguy cơ ngoại “nuốt” nội!

Theo báo cáo của Tập đoàn Nghiên cứu thị trường AT Kearney, VN được xếp thứ tư trên thế giới về mức độ hấp dẫn tiềm năng phát triển thị trường bán lẻ. Đặc biệt từ đầu năm 2009, thị trường bán lẻ sẽ càng thêm sôi động khi các công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài được phép có mặt tại Việt Nam theo cam kết.

Tiến sĩ Đinh Thị Mỹ Loan - Tổng Thư ký Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết với mức tăng của tổng sản phẩm nội địa (GDP) trung bình 8%, doanh số bán lẻ đạt 37 tỷ USD/năm cùng dân số 83 triệu dân mà phần lớn là giới trẻ có nhu cầu mua sắm cao, Việt Nam đang là thị trường mà bất cứ tập đoàn bán lẻ nào cũng thèm muốn. Bên cạnh đó, sự gia nhập WTO bắt buộc Việt Nam có những chính sách thông thoáng cho nhà đầu tư nước ngoài. Đây là cơ hội, cũng là thử thách đối với các doanh nghiệp bán lẻ trong nước vốn yếu và thiếu kinh nghiệm.

Theo bà Loan, khi nền kinh tế phát triển, đời sống người dân được nâng cao thì thói quen mua sắm cũng dần thay đổi. Theo đó, thay vào việc mua sắm hàng ngày ở các chợ hẻm, chợ cóc thì người dân lại thích mua sắm tại các trung tâm, siêu thị, thậm chí cả Internet. Minh chứng cho điều này khi vào dịp cuối tuần, hầu như các siêu thị tại các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM đều chật kín khách hàng.

Bà Loan cho biết đã có một số ý kiến trong giới kinh doanh phân phối lo ngại khi các tập đoàn phân phối đa quốc gia với tiềm lực tài chính tràn vào, sẽ có khả năng sụp đổ kênh phân phối, bán lẻ truyền thống trong nước.

Có mặt tại hội thảo, đại diện của Bộ Thương mại Trung Quốc đã kể về những khó khăn của mình trong giai đoạn đầu gia nhập WTO. Có tới hơn 70% trong tổng số 50 nhà bán lẻ hàng đầu thế giới thi nhau chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc khiến các doanh nghiệp lúc nào cũng ở trong tình trạng “chết yểu” vì không thể cạnh tranh nổi.

Doanh nghiệp trong nước cần có sự liên kết

Bà Trần Mỹ Hòa - Phó Tổng Giám đốc CT Group cho rằng nước ta có rất nhiều lợi thế để ngành dịch vụ bán lẻ phát triển. Nếu so với các nước trong khu vực như Singapore, Hong Kong... thì lương nhân viên bán hàng trong nước chỉ bằng 1/10, tiền thuê mặt bằng chỉ bằng 1/3... “Với những điều kiện như vậy, nước ta cần phải có chính sách miễn thuế phần lớn hàng hiệu như Hong Kong, Malaysia đã làm để thu hút du khách nước ngoài đến đây mua sắm” - bà Hòa nói. Theo bà Hòa, để phát triển dịch vụ bán lẻ trong nước, ngoài việc các doanh nghiệp bán lẻ trong nước cần hợp tác nhau, cần có sự hỗ trợ của nhiều ngành khác. Chẳng hạn các công ty bất động sản trong nước cần chuẩn bị cho ngành bán lẻ những vị trí chiến lược tạo điều kiện cho thị trường bán lẻ cao cấp đến được với khách hàng.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Đực - Phó Tổng Giám đốc của Công ty Đất Lành nêu thực trạng rằng thị trường địa ốc trong nước có tới 95% doanh nghiệp vừa và nhỏ với vốn ít và phải dựa vào ngân hàng. Điều này thể hiện rất rõ trong thời gian qua, khi có những chính sách tiền tệ thay đổi, rất nhiều doanh nghiệp địa ốc đã chao đảo. Tại hai TP lớn là Hà Nội, TP.HCM, các trung tâm mua sắm hiện đại, có vị trí đắc địa đều có sự tham gia của công ty nước ngoài chứ không phải doanh nghiệp trong nước nắm giữ.

Ông Nguyễn Đức Tài - Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Thế Giới Di Động cho rằng việc cần làm của doanh nghiệp phân phối là xây dựng mạng lưới dịch vụ chuyên nghiệp. Trong năm qua, nhằm chuẩn bị lực lượng cho cuộc chiến “một mất một còn”, công ty của ông đã liên tục “phủ sóng” mạng lưới bán lẻ đi các tỉnh. “Dù rằng việc mở một lúc nhiều hệ thống bán lẻ khiến công ty phải hy sinh một vài thứ hay thay đổi kế hoạch kinh doanh nhưng nếu không làm sẽ chậm chân khi nước ngoài nhảy vào” - ông Tài nói.

Đại diện Bộ Thương mại Trung Quốc cũng góp ý rằng nhằm tránh tình trạng các doanh nghiệp bán lẻ trong nước bị nuốt chửng, cần phải có sự tham gia của nhà nước như tăng nguồn vốn hay lựa chọn mô hình kinh doanh, phân phối đúng đắn.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan kiến nghị: “Trong lúc này, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về nguồn vốn, cũng như có những chính sách ưu đãi về quyền sử dụng đất, tiếp cận nguồn vốn tín dụng đối với doanh nghiệp bán lẻ. Ngoài ra, nhà nước cần sớm có quy hoạch phát triển về hệ thống bán lẻ trong quy hoạch tổng thể về thương mại”.

Ông Lương Văn Tự, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại, Trưởng đoàn đàm phán WTO:

Cần nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường các tỉnh

Ngoài những thế mạnh về tài chính, kinh nghiệm thì doanh nghiệp nước ngoài cũng có những nhược điểm như không hiểu đầy đủ về văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam. Cho nên trong lúc này, doanh nghiệp trong nước cần tranh thủ cơ hội này như đẩy mạnh đầu tư vào các siêu thị, trung tâm thương mại, hệ thống bán lẻ. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần phải liên kết với nhau thành các chuỗi liên doanh từng mặt hàng là thế mạnh của chúng ta như thực phẩm, đồ uống, may mặc... Bên cạnh đó, doanh nghiệp phân phối trong nước nên nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường các tỉnh đang còn bỏ trống trước khi tập đoàn nước ngoài nhảy vào.



Nguồn: Pháp Luật TPHCM Online
Báo cáo phân tích thị trường