Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường bán lẻ và xu hướng cạnh tranh toàn cầu hóa
08 | 05 | 2008
Chưa bao giờ thị trường bán lẻ Việt Nam sôi động như hiện nay. Hàng loạt siêu thị bán lẻ mọc lên, rất nhiều đại gia bán lẻ trên thế giới đã có mặt tại Việt Nam: Metro, Bourbon, Diary Farm, Parkson…

Vào năm 2009 thị trường bán lẻ sẽ mở cửa hoàn toàn theo lộ trình WTO, và cuộc cạnh tranh sẽ càng khốc liệt hơn. Như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải nhanh chóng thay đổi phương thức kinh doanh để thích ứng với tình hình mới, nếu không sẽ phải chịu thua ngay trên sân nhà.

Kết quả điều tra của hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) vào tháng 10/2007 cho thấy hơn 70% người tiêu dùng Việt Nam chưa hài lòng về dịch vụ hậu mãi. Kết quả điều tra của Vinastas cũng cho biết thêm, hầu hết người tiêu dùng không hài lòng với thái độ của người bán hàng. Khi khách hàng khiếu nại với doanh nghiệp về việc mua phải hàng giả thì có 31% không được giải quyết, 49% được doanh nghiệp cho đổi lại hàng, 20% không được giải quyết dứt khoát để dây dưa kéo dài.

Chuyện bảo hành “hành” khách hàng cũng là chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi!”. Cuộc điều tra xã hội của Vinastas vào tháng 8/2007 cho biết, với 94% khách hàng yêu cầu bảo hành, chỉ có 8% doanh nghiệp chu đáo với khách hàng, 36% doanh nghiệp không chịu trách nhiệm bảo hành. Về thái độ giải quyết của nhân viên, chỉ có 24% vui vẻ, 42% khó chịu và 34% không tỏ thái độ. Ngoài ra nhiều nhân viên bán hàng còn tỏ thái độ thách thức, gây ức chế khiến người tiêu dùng nản lòng và bỏ cuộc không muốn kiện cáo.

Bà Vũ Thị Nga - Trưởng ban Bảo vệ người tiêu dùng cho hay: “Nhiều doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc hoặc không có bộ phận bảo hành nên không thực hiện tốt nghĩa vụ bảo hành. Một số doanh nghiệp lại thực hiện nghĩa vụ bảo hành không đầy đủ như, vi phạm thời gian sửa chữa, bắt ngườI tiêu dùng phải chịu chi phí sửa chữa, vận chuyển…”

Vừa qua, siêu thị điện máy Best Carings (siêu thị nhượng quyền của tập đoàn bán lẻ điện máy Nhật Bản Best Denki) đã tung ra những chính sách hậu mãi và một phương thức phục vụ đẳng cấp quốc tế gây ấn tượng mạnh trong giới kinh doanh bán lẻ, và chiếm được cảm tình của đông đảo khách hàng. Một trong những chính sách hậu mãi gây sốc của Best Caring đó là cho đổi và trả hàng trong vòng 72 giờ chưa qua sử dụng.

Với quan niệm “mua đứt bán đoạn” của người Việt, việc trả lại hàng sau khi đã mua với bất cứ lý do gì quả thật không tưởng. Tuy nhiên theo ông Lê Hồng Xuân - Tổng giám đốc Công ty Tiếp thị Bến Thành, chủ sở hữu chuỗi siêu thị điện máy Best Carings thì nhấn mạnh: “Chúng tôi cung cấp những sản phẩm chất lượng, giá cả cạnh tranh, nhân viên bán hàng tư vấn nhiệt tình, chu đáo… và như vậy, chắc chắn khách hàng sẽ lựa chọn được những món hàng ưng ý nhất".

Do đó, không nhất thiết khách hàng phải mang trả một sản phẩm ưng ý để mua lại ở nơi khác. Thực tế cho thấy, từ khi tung ra chính sách 72 giờ đến nay, số lượng khách hàng đổi trả lại sản phẩm là không đáng kể, trái với lo lắng của nhiều người về việc “thất thu” khi Carings dám tung ra chương trình này.” Vào ngày 25/4 chuỗi siêu thị điện máy Carings chính thức đổi tên thành Best Carings và trở thành một thành viên của tập đoàn Best Denki Nhật Bản. Sau sự kiện này, Best Carings sẽ được nâng cấp cao hơn nữa về phương pháp trưng bày, các chính sách hậu mãi, phong cách phục vụ… theo đúng tiêu chuẩn của Best Denki Nhật Bản, đẳng cấp quốc tế. Dự kiến, từ nay đến 2010 Best Carings sẽ có mặt trên tất cả các thành phố lớn trên toàn quốc với tham vọng trở thành nhà bán lẻ điện tử, điện máy chuyên nghiệp hàng đầu Việt Nam.

Có một xu hướng cạnh tranh mới đang hình thành trên thị trường bán lẻ Việt Nam đó là cạnh tranh về dịch vụ. Đã qua thời “ăn no mặc ấm”, người dân mua hàng chỉ quan tâm đến giá cả, cứ rẻ là mua. Ngày nay, người dân chuyển sang xu hướng “ăn ngon mặc đẹp”, người tiêu dùng đã bắt đầu chuyển sang quan tâm đến chất lượng và mẫu mã đầu tiên. Khi có tiền người ta muốn làm “thượng đế” và vấn đề dịch vụ trở nên rất quan trọng trong việc thu hút, giữ chân khách hàng. Các đại gia bán lẻ nước ngoài không chỉ mạnh về vốn, trình độ quản lý mà còn rất chuyên nghiệp chu đáo trong cung cách phục vụ và dịch vụ hậu mãi. Các chiêu thức khuyến mãi, giảm giá ồ ạt với các mặt hàng kém chất lượng đã không còn là phương thức cạnh tranh hiệu quả trong thời toàn cầu hóa, nhất là khi trình độ và túi tiền của người tiêu dùng đã tăng hơn thời bao cấp rất nhiều. Những tập đoàn nước ngoài đã mang phương thức cạnh tranh về dịch vụ đến Việt Nam, đem lạI lợi ích cho người tiêu dùng và được người tiêu dùng ủng hộ. Các doanh nghiệp Việt Nam muốn tồn tại và phát triển thì không thể ở bên ngoài quy luật cạnh tranh này.



Nguồn: thongtinthuongmaivietnam.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường