Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ba điểm yếu lớn của hệ thống bán lẻ Việt Nam
01 | 07 | 2008
Dù thị trường bán lẻ có diễn biến ra sao, trước mắt hệ thống bán lẻ của doanh nghiệp Việt Nam đã bộc lộ nhiều điểm yếu rất cơ bản mà nếu khắc phục được mới có thể tính đến chuyện cạnh tranh.
Những chuyển động

Cuối tháng 3/2006, tập đoàn Talad Simum Muang của Thái Lan do bà RatChasina, Tổng giám đốc hệ thống siêu thị Nall đã đến Bình Thuận để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Tesco-Anh, Carrefour-Pháp và Wal-Mart của Mỹ... cũng đang trong quá trình xin giấy phép đầu tư vào Việt Nam.

Gần đây, Công ty Đông Hưng đã tuyên bố chuyển giao một siêu thị Citimart cho tập đoàn bán lẻ Dairy Farm-Hồng Kông quản lý kinh doanh để công ty rảnh tay đầu tư vào những siêu thị Citimart khác. Hệ thống siêu thị Co.opMart trong tháng 5 vừa mới khai trương siêu thị Co.opMart BMC, nay chuẩn bị khai trương siêu thị Co.opMart An Đông, đồng thời có kế hoạch từ nay đến cuối năm 2006 sẽ mở thêm 50 cửa hàng Co.op và khai trương thêm 4-7 siêu thị nữa.

G7 Mart cũng có kế hoạch riêng của mình. Và mới đây nhất, 18 công ty lớn của Singapore về thực phẩm như Oldchangkee, Caravana, Ten&Han, Apex-pal, Bakezin... đã đến Việt Nam tìm kiếm khả năng cung cấp thực phẩm thông qua G7 Mart.

Nếu nhìn vào các động thái này có thể thấy thị trường bán lẻ đang chuyển động theo chiều hướng có nhiều người chơi mới tham dự vào chiếc bánh bán lẻ Việt Nam.

Ai tăng? Ai giảm?

Theo đánh giá của một công ty nghiên cứu thị trường, thị trường bán lẻ sẽ chịu chi phối bởi các kênh phân phối hiện đại theo chiều hướng ngày càng mở rộng hơn.

Chẳng hạn, nghiên cứu kênh phân phối hiện đại (siêu thị, các chuỗi cửa hàng tiện dụng...) ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM cho thấy kênh phân phối này đã tăng từ 18% trong năm 2004 lên 23% năm 2005 so với kênh phân phối truyền thống (chợ, cửa hàng thực phẩm, người bán dạo...) đang giảm từ 82% xuống còn 77%.

Xu hướng này cũng thể hiện rõ khi số lượng các cửa hàng ở TP.HCM và Hà Nội ở kênh phân phối truyền thống đang giảm từ 45.346 cửa hàng xuống còn 44.638 cửa hàng. Các chuyên gia dự báo rằng xu hướng này sẽ còn tiếp tục tăng mạnh trong nhiều năm tới khi càng có nhiều tập đoàn bán lẻ đến Việt Nam.

Trong tình hình như vậy, vẫn có một khoảng cách nhất định trong nhận thức cửa những người kinh doanh bán lẻ. Một cuộc thăm dò bỏ túi 20 tiểu thương kinh doanh ở chợ An Đông vào đầu tháng 6/2006 cho thấy, có đến 16/20 tiểu thương tự tin cho rằng việc kinh doanh siêu thị không ảnh hưởng đến kinh doanh của chợ. Chỉ có 4/20 tiểu thương cho rằng có ảnh hưởng đôi chút đến tình hình kinh doanh.

Chị Lê Thị Tâm, bán vải, áo quần may sẵn ở Chợ An Đông, cho biết: “Kinh doanh của chợ có thể ảnh hưởng bởi các siêu thị mới nhưng không nhiều. Tôi tin khách hàng vẫn sẽ chọn mua ở chợ vì mẫu mã ở chợ đa dạng, phong phú và rẻ hơn”. Tuy nhiên, khi được hỏi nếu không phải là siêu thị trong nước mở ra gần khu vực kinh doanh của chợ mà là những siêu thị nước ngoài thì phần đông các tiểu thương cho rằng họ sẽ là đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp nhiều nhất.

Ba điểm yếu

Dù thị trường bán lẻ có diễn biến ra sao, trước mắt hệ thống bán lẻ của doanh nghiệp Việt Nam đã bộc lộ nhiều điểm yếu rất cơ bản mà nếu khắc phục được mới có thể tính đến chuyện cạnh tranh trên thị trường.

Tài chính: Đây là yếu tố không cần bàn cãi nhiều.

Hậu cần (logistics): Kinh doanh siêu thị hiện đại đòi hỏi một hệ thống hậu cần chuyên nghiệp. Tổng giám đốc của Metro Cash&Carry cho biết Metro đã chi gần 20-25 triệu euro trang bị hệ thống cung ứng hàng (kho lạnh, xe chuyên dụng, thiết bị kiểm tra, bảo quản hàng hóa...) theo chuẩn của Metro toàn cầu và chi gần 800.000 euro cho công tác huấn luyện.

Trong khi đó, ở các siêu thị của Việt Nam, các giám đốc siêu thị vẫn còn tranh cãi với nhau về việc trung tâm phân phối hoặc nhà cung cấp không giao đủ hàng bán trong dịp lễ, Tết mà chưa có biện pháp nào để khắc phục tình trạng này. Việc điều phối các xe giao hàng đúng loại, đúng nơi, đúng thời điểm vẫn còn được điều hành, quản lý khá đơn giản. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh mà còn làm gia tăng chi phí lao động cũng như quản lý.

Tính chuyên nghiệp: Kinh doanh bán lẻ hiện đại đòi hỏi nhà quản lý có những công cụ hỗ trợ để đưa ra các quyết định. Đối với một hệ thống siêu thị, bộ phận mua hàng đóng vai trò khá quan trọng. Chuyên viên mua hàng chuyên nghiệp có thể điều đình với nhà cung cấp trên tất cả mọi phương diện từ giá cả, số lượng, thời gian giao nhận hàng, các chương trình tiếp thị, khuyến mãi, quy cách bao bì, đóng gói... Thậm chí họ có thể tư vấn lại cho nhà cung cấp nên sản xuất hàng như thế nào, tiếp thị, quảng bá ra sao... Tuy nhiên, ở khâu này, dường như các chuyên viên mua hàng của các nhà bán lẻ nước ngoài tỏ ra lấn lướt.

Giám đốc một doanh nghiệp dệt may kể rằng ông chào hàng ở Metro, bộ phận mua hàng ở đây trình bày cho ông xem tất cả những quy chuẩn của ngành hàng, mẫu mã, màu sắc, kích cỡ, phần trăm cho tiếp thị quảng cáo, những điều khoản hỗ trợ của bên mua và những yêu cầu với nhà cung cấp... Tất cả được vi tính hóa, cập nhật và trình bày rõ ràng, minh bạch cho nhà cung cấp tham khảo.

Trong khi đó, khi ông làm việc với các siêu thị Việt Nam, quá trình thương lượng diễn ra rất sơ sài. Cho nên khi bộ phận mua hàng từ chối bán hàng của doanh nghiệp, ông hoàn toàn cảm thấy không thể nào “tâm phục, khẩu phục”.

Ván bài “mất”, “được”?

Từ ba điểm yếu lớn nhất này của hệ thống bán lẻ Việt Nam, có thể thấy trong một tương lai không xa, việc doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam bị chi phối và mất dần thị phần về tay các nhà bán lẻ nước ngoài là điều khó tránh khỏi. Nhưng nhiều người cũng tự hỏi: “mất” với giá nào hoặc “được” với giá nào?

Nhiều người am hiểu đã nhận xét rằng những nhà đầu tư khôn ngoan với tiềm lực tài chính dồi dào không bao giờ nhìn thị trường ngắn hạn mà họ tính đến “hái quả” ở những năm sau. Cuộc đổ bộ của những nhà bán lẻ nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian tới cũng sẽ có quá trình mà trước mắt những nhà bán lẻ ở thế yếu có thể tính toán lại phương án liên kết, chuyển nhượng quyền kinh doanh, hoặc thuê các chuyên gia nước ngoài điều hành hoạt động kinh doanh...

Dù với phương án nào thì các nhà bán lẻ của Việt Nam cũng cần phải nhanh chóng khắc phục những điểm yếu của mình để “giữ giá”.

Tổng giám đốc Metro Việt Nam, ông Uwe Hoelzen, trong một cuộc trao đổi với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC) hồi đầu tháng 6/2006 đã nhận xét rằng các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam cũng không nên quá lo ngại. Nhà bán lẻ Việt Nam vẫn có những thuận lợi riêng như am hiểu về thị trường, am hiểu người tiêu dùng Việt Nam, văn hóa Việt Nam, cũng như có những cách kinh doanh thực tế mà phải mất một thời gian các nhà bán lẻ nước ngoài mới có thể “thấm” được.

Tuy vậy, ông cũng nhấn mạnh rằng để chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh sắp tới, các nhà bán lẻ Việt Nam cần phải nhanh chóng đầu tư sâu về kỹ thuật quản lý kinh doanh hiện đại và phải cải tiến vấn đề cung ứng hàng hóa.



Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Báo cáo phân tích thị trường