Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nghiên cứu hệ thống phân phối một số nông sản chính ở Hà Nội và TP.HCM
16 | 04 | 2010
AGROINFO - Ngày 16.4.2010, AGROINFO đã có cuộc trao đổi với Chuyên gia Phạm Văn Hanh, chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu hệ thống phân phối một số nông sản chính ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh” về kênh phân phối nông sản chính ở nước ta hiện nay.
Ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của việc nghiên cứu hệ thống phân phối nông sản ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hiện nay?

Mặc dù thời điểm Việt Nam phải thực hiện cam kết WTO về mở cửa thị trường bán lẻ đã qua nhưng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp phân phối trong nước nói chung và hệ thống phân phối thực phẩm nói riêng còn nhiều hạn chế. Vì vậy, trong thời điểm này rất cần một nghiên cứu đánh giá thực trạng, nhu cầu, năng lực tiêu thụ nông sản của các nhà phân phối bán lẻ trong hệ thống phân phối và thị hiếu, thói quen của người tiêu dùng trong việc lựa chọn các loại hình phân phối bán lẻ; đánh giá của người tiêu dùng về hệ thống phân phối bán lẻ nông, sản thực hiện nay. Từ đó làm cơ sở đề xuất các giải pháp nhằm phát triển hệ thống phân phối đối với nhóm hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam trong thời gian tới.

Theo ông, việc phát triển hệ thống phân phối hàng nông sản có ý nghĩa như thế nào đối với nền kinh tế nước ta?

Lợi ích thì rất nhiều, nhưng theo tôi điều đầu tiên nên kể đến đó là việc các hệ thống phân phối hàng lương thực và thực phẩm được thừa nhận như là loại hình thích hợp nhất để thay thế các chợ nông sản truyền thống trong quá trình hiện đại hoá thị trường nội địa, do các hệ thống này đạt tiêu chuẩn cao về vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là trong các ngành hàng: cá, thịt, rau quả và các sản phẩm từ sữa. Hơn nữa, các hệ thống này có cơ cấu bán buôn và bán lẻ hiệu quả nhờ giảm bớt được các khâu trung gian. Hoạt động của hệ thống phân phối đảm bảo tính minh bạch bởi hàng hóa bán ra đều có thể thực hiện hóa đơn. Giá bán được niêm yết rõ ràng tạo sự minh bạch trong việc hình thành giá cả trên thị trường….Ngoài ra còn nhiều lợi ích khác nữa, nói chung đó là một phần tất yếu của việc phát triển kinh tế.

Với các doanh nghiệp, khi họ tham gia vào hệ thống phân phối này họ sẽ được hưởng quyền lợi gì?

Đầu tiên, khi doanh nghiệp tham gia vào chuỗi hệ thống phân phối thì doanh nghiệp sẽ được giảm chi phí của chuỗi cung ứng và nhu cầu về vốn lưu động của khách hàng kinh doanh. Với các khách hàng kinh doanh thì có thể sử dụng hiệu quả hơn các quầy kệ và kho chứa hàng của họ, có thể mua được một lúc nhiều loại thực phẩm ở cùng một địa điểm, với thời gian thuận tiện và giá cả tốt nhất và với số lượng họ có thể mua, dự trữ hay bán. Thêm nữa, với quy trình công nghệ hiện đại về quản lý chất lượng và vệ sinh, các doanh nghiệp bán buôn hiện đại giúp giảm tỷ lệ hao hụt hàng hóa và do đó năng cao hiệu quả kinh doanh cho khách hàng. Các doanh nghiệp khi là thành viên của hệ thống phân phối thì thường xuyên có sẵn hàng chất lượng tốt, vào thời gian thuận tiện nhất và có thể mua với số lượng tùy ý…..

Ở Việt Nam, các kênh phân phối nông sản chính là gì, thưa ông?

Phân loại hệ thống phân phối theo loại hình có thể chia hệ thống phân phối thành các loại hình như cửa hàng bán lẻ, cửa hàng chuyên doanh và tiện lợi, chợ, trung tâm thương mại và các siêu thị. Cả nước hiện có khoảng trên 9.000 chợ, trong đó chợ ở nông thôn chiếm 76%; có khoảng 2 triệu hộ kinh doanh thường xuyên tại chợ chiếm 40% số người hoạt động thương mại dịch vụ trong cả nước, trong đó người buôn bán cố định tại chợ chiếm khoảng 51%; doanh số bán lẻ của chợ ước đạt khoảng 40% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội. Hiện cả nước có khoảng 170 siêu thị, trung tâm thương mại và hơn 600 của hàng tự chọn. Siêu thị tập trung phần lớn tại các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ…

Từ quan điểm cá nhân, ông đánh giá như thế nào về đặc trưng của hệ thống phân phối nông sản ở nước ta thời điểm hiện tại?

Dựa vào các đặc điểm, hệ thống phân phối bán lẻ tại Việt Nam hiện nay chia thành hai kiểu: hệ thống phân phân phối theo kiểu truyền thống và hệ thống phân phối liên kết dọc. Trong đó, hệ thống phân phối truyền thống thường mang một số đặc điểm như hình thành tự phát, có nhiều cấp trung gian, quan hệ mua bán phần lớn theo thỏa thuận trực tiếp, cùng một mặt hàng nhưng có thể có nhiều nhà bán buôn, bán lẻ ở cùng một địa điểm, nhất là chợ, làm tăng chi phí cho hoạt động phân phối, liên kết trong nội bộ hệ thống yếu.

Cảm ơn ông vì buổi trao đổi thú vị!


AGROINFO
Báo cáo phân tích thị trường