Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Quên hệ thống phân phối, VN giam mình trong đáy giá trị
31 | 12 | 2008
Tập trung lo cho sản xuất tức là Việt Nam mới chỉ lo cho cái đáy của chuỗi giá trị. Bao lâu nay, chúng ta cứ tự giam mình trong cái đáy đó, không tạo cơ hội cho mình cất cánh, không bằng thiết kế thì cũng bằng phân phối - Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ nỗi lo mở cửa thị trường bán lẻ 1/1/2009.
Bị lãng quên?

Nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển đã phát biểu với báo giới: "Thất bại lớn nhất trong suốt 2 nhiệm kỳ tôi làm bộ trưởng là không xây dựng và phát triển được hệ thống phân phối nội địa". Người trực tiếp đàm phán về việc Việt Nam gia nhập WTO cũng như đàm phán nhiều Hiệp định thương mại khác của Việt Nam, từng nắm giữ vị trí cao trong bộ máy chính quyền, cũng như ý thức sâu sắc về tác động của việc mở cửa thị trường với trong nước đã nói như vậy thì đủ cho thấy chúng ta chưa hề sẵn sàng.

Trong bối cảnh các DN đang gặp khó với thị trường thế giới do khủng hoảng, nguy cơ thua trong cuộc đua giành thị trường trong nước càng gây áp lực nặng nề hơn lên các DN.

Một số DN làm việc trong lĩnh vực phân phối đã cảm nhận được sức ép cạnh tranh tăng dần thời gian qua cùng với quá trình hội nhập của Việt Nam. Để chuẩn bị cho ngày mở cửa thị trường 1/1/2009, các DN đã có nhiều cố gắng, củng cố, phát triển hệ thống phân phối trong nước, tạo liên kết giữa họ với nhau, chuẩn bị cho bản thân cả về năng lực và khuyến nghị chính sách của nhà nước.

Bao giờ các nhà phân phối trong nước được dành những ưu đãi như Metro? Ảnh VNN.

Tuy nhiên, đến lúc này, có vẻ như khâu chuẩn bị cho bản thân, các DN làm được phần nào trong khi những chính sách và hỗ trợ của nhà nước chưa được bao nhiêu.

Trách nhiệm trong việc này không chỉ là của Bộ Thương mại mà còn của các ngành liên quan khác như đất đai. Không dành ưu tiên đất đai cho các DN thương mại, phân phối, thì làm sao các DN có thể phát triển hệ thống phân phối như mong muốn.

Hiện nay, ưu tiên đất đai của Việt Nam trước hết dành cho các tập đoàn, DNNN, các DN đầu tư nước ngoài, các DN sản xuất, nhất là các công trình bất động sản khổng lồ, trị giá tỷ đô, mà ít coi trọng các cửa hàng, siêu thị vừa phải phục vụ cho người tiêu dùng và nhà cung ứng của các DN vừa và nhỏ. Các đối tượng này bị lãng quên hoàn toàn.

Nhiều DN xây dựng chung cư, tầng trệt dành cho dịch vụ khác, nhưng chính nhà đầu tư mở cửa hàng tự kinh doanh không cho người làm thương mại chuyên nghiệp có cơ hội. Hoặc với giá thuê mặt bằng trên trời như vậy, ít nhà phân phối với tới được.

Hà Nội có thể dành cho Metro hai khu đất vị trí đẹp và rộng như vậy, liệu DN Việt Nam bao giờ mới có được cơ hội tương tự?

Hay sự lệch lạc về tư duy trọng sản xuất?

Không chỉ hệ thống bán lẻ, ngay hệ thống bán buôn cũng một thời gian dài bị Việt Nam lãng quên, ít quan tâm phát triển.

Việt Nam duy trì tư duy cũ, coi trọng sản xuất, xem thương mại là không tạo ra giá trị tăng thêm. Khi mở cửa, chúng ta khuyến khích người sản xuất đi thẳng ra thị trường hơn là khuyến khích hệ thống thương mại chuyên nghiệp phát triển.

Việc đi ra thị trường sẽ giúp nhà sản xuất hiểu thị trường, gần thị trường hơn, nhưng nếu quá đà, bỏ qua phát triển thương mại thì sẽ lệch lạc, méo mó. Hệ thống thương mại không chuyên nghiệp hóa được.

Trong khi ở các nước, để phục vụ yêu cầu phát triển, họ cần những người làm thương mại giỏi để nghiên cứu, tính toán thị trường, tổ chức hệ thống phân phối, tổ chức quan hệ giữa người sản xuất và người tiêu dùng, tiếp nhận phản ứng của thị trường với người sản xuất.

Những chuỗi siêu thị của DN trong nước như Hapro Mart không nhiều. Ảnh VNN.

Nhìn sang Nhật Bản, các công ty thương mại tích hợp phát triển các tập đoàn. Các trung tâm phân phối trở thành cánh tay thương mại của nhà sản xuất. Nhà sản xuất không thị trường hóa mà dựa vào hệ thống phân phối.

Cách làm của Việt Nam tạo nền sai lầm không thể khắc phục nổi: thiếu khâu phân phối chuyên nghiệp.

Nguy cơ kích cầu cho hàng Trung Quốc

Trong điều kiện như vậy, quan ngại của một số chuyên gia kinh tế về việc thay vì kích cầu cho hàng hóa Việt Nam, chúng ta sẽ kích cầu cho Trung Quốc không phải không có cơ sở. Hệ thống phân phối của Việt Nam không đủ mạnh cả về lực vật chất và tính chuyên nghiệp của cả hệ thống với tất cả các khâu kết nối: từ sản xuất, thu mua đến bán buôn - bán lẻ, việc xây dựng kho hàng, hệ thống marketing. Các khâu hiện nay không tương ứng và tính chuyên nghiệp không cao.

Trong khi đó, Trung Quốc có bản năng kinh doanh thương mại giỏi. Người Hoa thành công trên thế giới với tài kinh doanh của họ; tính hệ thống và hỗ trợ của họ cao, bổ trợ cho nhau được. Khi có cơ hội, họ ào vào rất nhanh, chiếm thị trường. Như đợt lụt tại Hà Nội, nhiều sản phẩm của Trung Quốc ào vào trong khi các tỉnh khác của Việt Nam không tận dụng được cơ hội.

Trung Quốc không có gì sai khi chiếm thị trường Việt Nam, mà vấn đề là số phận của các DN Việt Nam. Mình không chống chọi nổi là do mình.

Công việc không của riêng Bộ Thương mại

Việt Nam cần tư duy lại về xây dựng hệ thống phân phối. Lâu nay, chúng ta mới chỉ quan tâm đến vấn đề cho các nhà phân phối, những người làm bán lẻ, người làm thương mại mà không thấy, chuyện phân phối gắn với hàng triệu người cung cấp.

Cái lo đó không phải chỉ cho riêng người phân phối mà cho hàng triệu DN vừa và nhỏ, hàng triệu nông dân trồng rau, nuôi cá... Thất bại trong hệ thống phân phối gắn với mất thị trường trong nước.

Mất thị trường phân phối, DN và người sản xuất nhỏ Việt Nam sẽ mất thị trường.
Ảnh minh hoạ: Vietnambranding.


Hệ thống phân phối không đứng nổi sẽ là nguy cơ cho người sản xuất trong nước không kém gì với nhà phân phối, bởi họ mất đi kênh bán hàng. Các DN sẽ giảm sút năng lực tiêu thụ ngay lập tức. Người sản xuất đối diện trực tiếp với cạnh tranh hàng hóa từ Trung Quốc.

Tiếc là lâu nay chúng ta chưa biết lo nhiều cho những người sản xuất nhỏ này, xem việc lo cho hệ thống phân phối của của riêng Bộ Thương mại.

Chưa làm được gì nhiều, nhà nước có thể hỗ trợ họ bằng cách cung cấp thông tin đầy đủ, cập nhật, cảnh báo để người sản xuất thấy cạnh tranh đang tới.

Bản thân người sản xuất phải tự nỗ lực, không trông chờ vào người bán hàng, mà phải đầu tư cải thiện chất lượng hàng hóa đạt chuẩn. Không còn những ruộng rau mà luống trồng cho nhà mình ăn, luống dành để bán.

Người sản xuất cần làm việc với người phân phối, gắn kết và tôn trọng nhau hơn, không để trường hợp người phân phối bỏ vốn đầu tư cho anh sản xuất nhưng vì vài đồng chênh giá, người sản xuất lại đem bán cho người mua cao hơn, phá bỏ cam kết.

Chúng ta nói mãi việc liên kết 4 nhà nhưng bao lâu rồi vẫn không làm được, nhất là mối quan hệ giữa nhà sản xuất và nhà tiêu thụ chưa xây dựng được. Mối quan hệ đó cần được tạo dựng trên cơ sở hợp đồng và nhà nước là trọng tài ở giữa phân xử, theo luật và theo hợp đồng, không phải vì nghèo hơn, khó hơn mà được dễ dãi hơn.

Cần tạo ý thức cho người nông dân, những người sản xuất nhỏ lẻ của Việt Nam tư duy thị trường sòng phẳng.

Trong nhiều năm, VN nằm trong danh sách các nước có tốc độ phát triển thị trường nhanh nhất thế giới.

Hơn nữa, nhà nước nên tận dụng tối đa những gì WTO cho phép để hỗ trợ cho nông nghiệp, nông dân. Ngưỡng 10% tổng giá trị sản xuất cho chúng ta khoảng trống đủ rộng để giúp người nông dân và nền sản xuất nông nghiệp nói chung. Nhân kích cầu, con số đầu tư 3-4% tổng giá trị sản xuất nên được nâng lên, để họ có sản phẩm tốt hơn, chất lượng cao.

Một nước nông nghiệp rộng lớn như Việt Nam, nơi hơn 70% dân số sống dựa vào nông nghiệp, đó là việc đáng để đầu tư trở lại, giúp cho sản phẩm Việt Nam đứng được trên thị trường, cả trong và ngoài nước.

Với riêng hệ thống phân phối, nhà nước cần có trợ giúp trực tiếp nhiều hơn, với ý thức rằng nhà nước đang giúp cho hàng triệu người sản xuất. Lối tư duy ưu tiên sản xuất đến méo mó cần phải được điều chỉnh.

Vấn đề của hiện tại chính là thị trường. Thiếu thị trường, hàng hóa sản xuất ra cũng không bán cho ai.

Vượt đáy giá trị?

Cần phải xem phân phối và sản xuất trong một chuỗi dây chuyền giá trị gia tăng chung: từ thiết kế, sản xuất linh kiện, đến sản xuất, lắp ráp và marketing, phân phối. Tập trung lo cho sản xuất tức là Việt Nam mới chỉ lo cho cái đáy của chuỗi giá trị.

Bao lâu nay, chúng ta cứ tự giam mình trong cái đáy đó, không tạo cơ hội cho mình cất cánh, không bằng thiết kế thì cũng bằng phân phối, hai khâu cần công nghệ và kỹ năng cao.

Khủng hoảng tài chính hiện nay có thể lại là cơ hội nhất định cho hệ thống phân phối trong nước. Các đại gia phân phối có thể khó khăn và tạm hoãn quyết định thâm nhập thị trường Việt Nam vốn có tốc độ tăng tiêu dùng nhanh nhưng về số lượng tuyệt đối không cao. Vì thế, Việt Nam cần chớp thời cơ để tranh thủ khắc phục điểm yếu của mình, xây dựng hệ thống phân phối đủ mạnh để đứng vững ở thị trường trong nước.



Nguồn: www.tuanvietnam.net
Báo cáo phân tích thị trường