Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản Có những tác động tích cực về lâu dài
31 | 12 | 2008
Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA) không gây ra những xáo trộn tiêu cực trong ngắn hạn, về lâu dài sẽ tác động đến sự chuyển dịch tích cực về cơ cấu kinh tế của của hai nước trong mối tương quan với các nền kinh tế khu vực và thế giới – nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại Phan Thế Ruệ, Trưởng đoàn đàm phán VJEPA (ảnh) nhấn mạnh như vậy trong buổi lễ công bố hiệp định tại Hà Nội, ngày 30-12.
PV: Thưa ông, trong Hiệp định đối tác kinh tế với Nhật Bản, thỏa thuận nào được xem là có ý nghĩa nhất đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam?

° Ông PHAN THẾ RUỆ: Với cơ cấu kinh tế mang tính bổ sung mạnh mẽ, hiệp định này tạo điều kiện để doanh nghiệp, người tiêu dùng hai nước tiếp cận các nguồn vốn, công nghệ, nguyên nhiên liệu và hàng hóa một cách hiệu quả nhất. Theo thỏa thuận, trong thời gian 10 năm, Việt Nam và Nhật Bản sẽ cơ bản hoàn tất lộ trình giảm thuế để xây dựng một khu vực thương mại tự do song phương hoàn chỉnh.

Cụ thể, gần 95% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Nhật và 87,66% kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản sang Việt Nam sẽ được miễn thuế. Các mặt hàng thủy sản, nông sản, dệt may, sắt thép, hóa chất, linh kiện điện tử sẽ có mức cam kết tự do hóa mạnh mẽ nhất.

Về ngắn hạn, VJEPA không gây ra những xáo trộn tiêu cực, nhưng về lâu dài sẽ tác động đến sự chuyển dịch tích cực về cơ cấu kinh tế của của hai nước trong mối tương quan với các nền kinh tế khu vực và thế giới. Đáng lưu ý là lần đầu tiên, Chính phủ Nhật Bản khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ để sớm công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường đầy đủ.

* Tuy rất lạc quan về mức thuế suất xuất khẩu sang Nhật Bản đã được cắt giảm mạnh mẽ nhưng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn rất “ngại” những rào cản về vệ sinh an toàn thực phẩm, các tiêu chuẩn sản xuất hàng dệt may… Theo ông, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải chuẩn bị những gì để bước vào thị trường Nhật Bản?

° Trước tiên, các doanh nghiệp phải tìm hiểu rất kỹ hiệp định và những tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với hàng nông, thủy sản; đối với hàng dệt may là quy định về hai công đoạn… Doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ phải cạnh tranh với các nước khác tại thị trường Nhật. Nhưng có một vấn đề là các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu ở khâu tiếp cận thị trường, nên thời gian tới, cần phải thiết lập hệ thống bán sản phẩm tại chính thị trường Nhật Bản.

* Sau khi hiệp định được thực thi, dự báo cán cân xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nhật Bản sẽ như thế nào? Với ưu thế xuất khẩu hàng công nghệ cao, điện tử…, liệu có xảy ra tình trạng nhập siêu từ Nhật Bản không, thưa ông?

° Trước đây, tôi đã có nhiều năm theo dõi và chỉ đạo thị trường Nhật Bản, rất may là cán cân xuất nhập khẩu giữa hai nước luôn cân bằng, riêng năm 2008, Việt Nam có xu hướng xuất siêu sang thị trường này với kim ngạch xuất khẩu khoảng 8 tỷ USD, tăng 30% so với năm trước và chiếm 13% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Sau khi hiệp định được thực thi, cán cân xuất nhập khẩu sẽ phụ thuộc vào các doanh nghiệp: nếu không muốn nhập siêu thì buộc phải đẩy mạnh xuất khẩu.

* Vậy người dân sẽ được hưởng lợi gì từ hiệp định này, thưa ông?

° Do thuế suất nhiều mặt hàng được được miễn, giảm nên người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi do giá bán hàng hóa giảm. Với nhiều mặt hàng nông thủy sản được miễn thuế, hy vọng sẽ xuất khẩu được nhiều hơn thì việc thu mua cũng như giá bán trong nước cũng sẽ thuận lợi hơn, đời sống người nông dân sẽ được cải thiện.

* Trong hiệp định có nhắc đến vấn đề tiếp nhận lao động, liệu “cánh cửa” xuất khẩu lao động sang thị trường Nhật Bản đã mở rộng hơn?

° Nhật Bản có cam kết dành cho Việt Nam một khoản vay ODA lãi suất thấp để mỗi năm đào tạo khoảng 200-300 y tá tại Nhật và chương trình này sẽ kéo dài khoảng 3 năm. Sau khi tốt nghiệp và được cấp chứng chỉ, các y tá sẽ được làm việc lâu dài (khoảng 7 năm) tại Nhật Bản. Phía bạn cũng cam kết hỗ trợ xây dựng hệ thống kiểm định tay nghề và hệ thống cấp chứng chỉ cho y tá và hộ lý Việt Nam. Trong vòng 1 năm kể từ khi ký hiệp định đối tác, hai bên sẽ nối lại việc đàm phán về di chuyển lao động nhằm tiếp tục cải thiện điều kiện tiếp cận thị trường cho y tá, hộ lý và các ngành nghề khác của Việt Nam.

Ngoài ra, ngay sau khi hiệp định được ký kết, phía Nhật Bản cũng đã cam kết hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Đây là thỏa thuận dài hạn nhằm giúp Việt Nam định hướng quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, khuyến khích doanh nghiệp sản xuất linh kiện của Nhật đầu tư tại Việt Nam.

* Xin cảm ơn ông.



Nguồn: www.sggp.org.vn
Báo cáo phân tích thị trường