Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Doanh nghiệp VN sau một năm gia nhập WTO: Nhiều phản ứng tích cực
03 | 01 | 2008
Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, những lo ngại về nguy cơ mất thị phần, giảm tính cạnh tranh khi bước vào sân chơi lớn đã trở thành động lực để có những thay đổi khá tích cực.


Tại hội thảo Doanh nghiệp Việt Nam sau một năm gia nhập WTO do Viện Kinh tế TP.HCM phối hợp với báo Doanh nhân Sài Gòn tổ chức mới đây, nhiều nhà quản lý nhà nước, chuyên gia kinh tế, các luật gia, các doanh nghiệp hàng đầu trong các lĩnh vực sản xuất, thương mại – bán lẻ đã đưa ra những đánh giá, phân tích và dự báo tác động của WTO đối với doanh nghiệp.


Tiến sĩ Lê Đăng Doanh - Chuyên gia kinh tế cao cấp cho biết, năm 2007 đã bắt đầu một giai đoạn mới của Việt Nam với những dấu hiệu cho thấy sự chuyển biến như đầu tư trực tiếp nước ngoài ồ ạt đổ vào Việt Nam (dự kiến cả năm có thể đạt 17 tỷ USD), vốn đầu tư tài chính chảy vào các quỹ quản lý tài sản để mua cổ phần, đầu tư trên thị trường chứng khoán tăng lên nhanh chóng, xuất khẩu tăng trưởng mạnh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên… Tuy khó tách bạch đâu là tác động thuần túy và đích thực của WTO, đâu là tác động của hiệp định thương mại song phương Việt Nam-Hoa Kỳ, hay AFTA và C-AFTA… song không thể phủ nhận tác động trực tiếp hay gián tiếp của tư cách thành viên WTO. Các nhà đầu tư nước ngoài đã chuẩn bị từ lâu, và chỉ đợi khi Việt Nam trở thành thành viên WTO, hàng hóa Việt Nam được giảm thuế, đối xử bình đẳng hơn trên trường thế giới là họ nhanh chóng triển khai các dự án, kế hoạch đầu tư.


Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, những lo ngại về nguy cơ mất thị phần, giảm tính cạnh tranh khi bước vào sân chơi lớn đã trở thành động lực để có những thay đổi khá tích cực. Khu vực kinh tế dân doanh đã gia tăng mạnh mẽ với 38.550 doanh nghiệp mới được thành lập với vốn đăng ký 303 tỷ đồng, tăng 320% so với cùng kỳ năm trước (số liệu 09 tháng). Đầu tư tư khu vực kinh tế này cũng tăng 28%, đạt 17% GDP và trở thành động lực tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế quốc dân. Đầu tư từ khu vực này lớn hơn đầu tư nước ngoài và gần bằng đầu tư nhà nước (bao gồm cả ODA và trái phiếu chính phủ cho thấy tiềm năng còn rất lớn. Hơn nữa, việc tạo ra trên 90% việc làm mới và hiện diện ở khắp các địa bàn, kể cả vùng sâu vùng xa cũng góp phần quan trọng trong việc xóa đói giảm nghèo.


Nhìn chung, các doanh nghiệp đã có những phản ứng tích cực đối với xu thế hội nhập để tận dụng cơ hội, thể hệ qua sự gia tăng mạnh mẽ vốn đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu và cải thiện đáng kể tính chuyên nghiệp trong kinh doanh. Kiến thức về cạnh tranh và hội nhập đã được nâng lên một bước. Các doanh nghiệp xuất khẩu cũng như các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp của sự mở cửa đã có sự chuyển biến rõ nét. Chẳng hạn như các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, thay vì đối đầu đã bắt tay hợp tác với các ngân hàng thương mại nước ngoài trở thành nhà đầu tư chiến lược, tham gia Hội đồng quản trị, qua đó không chỉ hấp thu vốn mà còn cả công nghệ, kinh nghiệm quản lý, nhanh chóng hiện đại hóa và mở rộng quy mô kinh doanh. Hoặc việc xuất hiện khoảng 200 doanh nghiệp phần mềm tuy còn non trẻ nhưng năng động, tham gia vào quá trình outsourcing và offshoring cũng tạo ra những bước khởi đầu đầy hứa hẹn. Nhiều doanh nghiệp thuộc lĩnh vực viễn thông, nhà hàng, khách sạn cạnh cạnh tranh một cách hiện đại và văn minh hơn, thay vì giảm giá họ đã tăng thêm tiện ích cho người tiêu dùng. Khách sạn, nhà hàng, quán cà phê có internet wifi miễn phí; các trạm dừng chân đường liên tỉnh đã được đầu tư nâng cấp với nhiều dịch vụ shop hàng hóa, ăn uống, vệ sinh… trở thành một điểm dừng chân văn minh, lịch sự, thoải mái cho hành khách. Các khóa đào tạo về quản lý, bán hàng, marketing được nhiều học viên quan tâm theo học.

Doanh nghiệp đã chủ động hơn trong hội nhập

Sự chuyển biến của các doanh nghiệp có phần tác động không nhỏ từ những thay đổi tạo ra môi trường kinh doanh mới lành mạnh hơn. Ông Lương Văn Tự – nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại – trưởng đoàn đàm phán Việt Nam gia nhập WTO cho rằng, sau một năm, hệ thống pháp luật thực hiện cam kết WTO đã được hoàn thiện: 30 luật và pháp lệnh sẽ được sửa đổi và bổ sung cho phù hợp các nguyên tắc và quy định của WTO đến nay đã cơ bản được sửa xong. Nghị định hướng dẫn Luật đầu tư đang được hoàn thiện và sẽ ban hành trong nay mai; các văn bản dưới luật bị chồng chéo và không đồng bộ từ Trung ương đến địa phương đang được rà soát sửa chữa. Song song với việc hoàn thiện luật, công tác tuyên truyền phổ biến cam kết đã được phủ sóng từ Trung ương đến địa phương qua các lớp đào tạo phổ cập thông tin; các địa phương cũng xây dựng lộ trình hội nhập của mình… Với những tác động đó, doanh nghiệp đã chủ động hơn trong việc nghiên cứu nắm vững quy định của WTO, xây dựng chiến lược kinh doanh trước mắt, liên kết với nhau tạo sức mạnh. Tuy nhiên, ông Tự nhấn mạnh, các doanh nghiệp cần quan tâm đến công tác đào tạo nguồn nhân lực cả về nghiệp vụ ngoại ngữ, kiến thức về luật pháp quốc tế và có chính sách thu hút, giữ chân nhân tài hợp lý; đầu tư mới vào các lĩnh vực có tương lai như dịch vụ, bất động sản, sản xuất hàng xuất khẩu, chế biến nông lâm sản, đóng tàu, công nghiệp khai thác mỏ, phát triển những sản phẩm thân thiện với môi trường…; chú trọng khai thác thông tin và thị trường; phát triển hạ tầng kỹ thuật cho thương mại điện tử…


Phân tích kỹ hơn về phản ứng của doanh nghiệp, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên - Viện phó Viện kinh tế Việt Nam cho biết, giữa 2 nhóm doanh nghiệp trong nước và nước ngoài có định hướng lựa chọn hành động nhằm tận dụng cơ hội hội nhập khác nhau. Dòng FDI tăng mạnh cho thấy doanh nghiệp nước ngoài tìm kiếm cơ hội đầu tư và lợi ích kinh doanh dài hạn ở Việt Nam. Trong khi đó, một bộ phận lớn doanh nghiệp Việt Nam bị hút vào kinh doanh chứng khoán để chớp thời cơ thắng nhanh, thắng dễ và thắng lớn. Hai sự khôn ngoan khác nhau phản ánh hai tầm nhìn chiến lược khác nhau. Trong khối doanh nghiệp nhà nước cũng có những chuyển động đáng quan tâm như xu hướng phát triển có tính liên kết bành trướng của các tập đoàn kinh tế và các công ty lớn để hình thành các nhóm lợi ích có thế lực thị trường lớn. Đây là xu hướng mới. Xu hướng thứ hai là mở rộng địa bàn đầu tư, dựa vào thế lực mạnh, vào liên minh sức mạnh để đầu tư “ăn xổi” ở cả những lĩnh vực không chuyên môn. Xu hướng này là điều đáng kiêng kỵ trong kinh doanh, càng đáng kiêng kỵ đối với các doanh nghiệp tiềm lực tài chính yếu và tiềm lực khoa học công nghệ yếu cũng như đối với các doanh nghiệp nhà nước. Thế nhưng xu hướng này đang nở rộ, các tập đoàn kinh tế có xu hướng muốn thành lập ngân hàng riêng, lập công ty chứng khoán rồi lên sàn thổi giá, lao vào kinh doanh địa ốc, hợp doanh trong những lĩnh vực mới…


Dù sao đi nữa, những động thái của các doanh nghiệp cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang hết sức sôi động, phát triển đa dạng, đa thái cực. Thông qua sự sôi động, nền kinh tế Việt Nam đã bộc lộ những thế mạnh, điểm yếu và cả những khuyết tật. Những tín hiệu này cần được đánh giá nghiêm túc và cho thấy tầm quan trọng của việc chuẩn bị các điều kiện cho hội nhập thật sự hiệu quả, tận dụng được các cơ hội và khả năng vượt qua thách thức. Các ngành sản xuất, dịch vụ hay bán lẻ của Việt Nam được dự báo sẽ bị cạnh tranh gay gắt, nhưng với những phản ứng tích cực, nhiều doanh nghiệp đã và đang tạo được thế đứng vững chắc, không bị áp lực cạnh tranh đè bẹp như nhiều dự báo bi quan. Và đó là những bước chuẩn bị cho tiến trình hội nhập sâu hơn trong năm 2008 và những năm sau này.


Báo cáo phân tích thị trường