Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nỗi lo mang tên "mở cửa thị trường"
30 | 12 | 2008
Việt Nam tiếp tục mở cửa thị trường dịch vụ phân phối từ 1.1.2009, nỗi lo này nặng hơn đối với DN (đặc biệt là DN nhỏ và vừa) trong bối cảnh hiện nay. Tâm lý thu hẹp sản xuất để nghe ngóng thị trường đang khá phổ biến.

Tại sao lại là DN nhỏ và vừa?

Vì loại hình DN này quy mô rất nhỏ (vốn dưới 10 tỉ đồng, sử dụng lao động dưới 300 người), thị trường đầu ra chủ yếu là tiêu dùng dân cư. Đây là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, khi VN tiếp tục mở cửa thị trường bán lẻ.

Năm 2008, do những khó khăn nội tại, cộng thêm tác động khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu đã khiến đa số DN nhỏ và vừa (DNNVV) hết sức khó khăn. Khi nỗi lo về lãi suất, tỉ giá đã bớt đi thì từ quý III/2008 đến nay, sức tiêu thụ hàng hoá và dịch vụ toàn xã hội giảm hẳn, khiến hầu hết các DN - đặc biệt là các DN sản xuất hàng tiêu dùng và cung cấp dịch vụ cho khu vực dân cư - buộc phải thu hẹp sản xuất, tạm ngừng triển khai các dự án mở rộng sản xuất, sa thải bớt người lao động....

Nhiều lãnh đạo DN cho biết, năm nay nhu cầu đối với các sản phẩm của họ giảm đi từ 30%-40%. Phó TGĐ một Cty sản xuất VLXD nói : "Những năm trước, tình hình thị trường khả quan, LS ổn định, Cty hoạt động bình thường, trả nợ sòng phẳng. Năm 2008, đầu năm giá nguyên liệu tăng liên tục, nay đã giảm nhưng lại rất chậm. Giá đầu vào tăng, giá sản phẩm không tăng tương ứng được (vì phải cạnh tranh), có những lúc giá thành cao hơn giá bán, nhưng cứ phải làm để lấy khấu hao tài sản, không để dây chuyền hỏng và giữ công nhân lành nghề".

Tâm lý co cụm, nghe ngóng

"Mạnh vì gạo, bạo vì tiền" - câu này có vẻ đúng với tâm lý nhiều DNNVV hiện nay. Thiếu thị trường tiêu thụ, yếu năng lực tài chính, cộng thêm tâm lý bi quan trước việc VN tiếp tục mở cửa thị trường bán lẻ khiến nhiều DN chỉ giữ thế thủ. Thu hẹp sản xuất, hoạt động cầm chừng, mục tiêu kinh doanh chỉ tính ngắn hạn (tháng, quý), không dám mua nguyên - vật liệu dự trữ, chờ đợi xem diễn biến thị trường sắp tới... là chính sách của nhiều DN hiện nay.

GĐ một chi nhánh NHTMCP nói: "NH rất muốn đẩy mạnh cho vay, ký hạn mức tín dụng để DN yên tâm triển khai kế hoạch SX-KD cả năm 2009, nhưng DN lại chưa dám vay, hoặc nếu có vay từng lần, món nhỏ, nhu cầu đến đâu vay đến đó. Khác những năm trước, DN chỉ muốn NH dành cho hạn mức tín dụng".

Nhiều DN cố gắng tự xoay xở trong số vốn tự có, giảm tối đa vốn vay. GĐ một Cty SX dịch vụ TM sản phẩm da cho biết, giải pháp vốn của Cty là đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm bằng giảm giá (2 lần - lên đến 32%) và khuyến mãi (mua 1, tặng 1 sản phẩm khuyến mãi). Theo ông, quay vòng vốn nhanh còn hơn là đi vay NH. "Vừa làm vừa thăm dò" là phương châm hoạt động hiện nay của nhiều DNNVV. Với tâm lý chung thế này, có căn cứ để lo ngại hơn về năng lực cạnh tranh của DN nội địa, khi VN phải tiếp tục lộ trình mở cửa thị trường bán lẻ.

Rất cần công khai, minh bạch thông tin

Nếu như 2 quý đầu năm 2008, trong những khó khăn của DN có việc tiếp cận vốn, lãi suất, tỉ giá thì hiện nay hầu hết các DN cho rằng đây không còn là vấn đề khó nữa. Điều cần thiết là kích cầu thị trường tiêu thụ, sự ổn định, công khai, minh bạch về thông tin. Hiện nay còn ít DNNVV biết rõ ràng về lộ trình mở cửa thị trường dịch vụ phân phối. Chính vì vậy, mặc dù thời điểm 1.1.2009 chỉ là mốc thời gian nằm trong lộ trình tiếp theo của quá trình mở cửa, nhưng nhiều DN lại cho rằng đây là thời gian VN phải "mở toang" cửa cho các DN có vốn đầu tư nước ngoài, cũng như mọi loại hàng hoá, dịch vụ nước ngoài ồ ạt vào VN. Điều này đã khiến tâm lý nhiều DN, hộ sản xuất kinh doanh khá hoang mang, lo ngại không thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu.

Một số đại diện DN cho rằng, các NHTM cũng nên đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm tín dụng, vì hiện một phần không nhỏ các DNNVV chưa tiếp cận với dịch vụ NH vì không biết, hoặc còn tâm lý e ngại khi đến giao dịch với NH.

Về gói kích cầu, khi nhận được thông tin Chính phủ sẽ hỗ trợ 4% LS vay NH cho các DN, ưu tiên DNNVV, các DN rất hoan nghênh chủ trương đó, nhưng nhiều người còn tỏ ra băn khoăn về việc liệu sự hỗ trợ LS đó có kịp thời, nhanh chóng, công khai, minh bạch về đối tượng được hỗ trợ, thủ tục và thời gian giải ngân hay không?

Còn các NHTM kiến nghị Nhà nước tạo điều kiện cho việc thành lập và phát huy hiệu quả của các quỹ bảo lãnh cho các DNNVV vay vốn NH; tăng cường kiểm tra việc chấp hành Luật Kế toán của DN; đẩy nhanh tiến độ thủ tục cấp phép, đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở..., nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động và tiếp cận vốn của DN.



Nguồn: www.laodong.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường