Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cạnh tranh cận thời điểm mở cửa thị trường bán lẻ: Ứng phó quá chậm
19 | 12 | 2008
Lotte Mart khai trương khiến nhiều doanh nghiệp bán lẻ nội địa lo ngại. Sắp tới sẽ còn nhiều tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới đổ bộ vào VN, sức ép cạnh tranh còn nặng nề hơn...

“Chúng ta đã ứng phó quá chậm” là nhận định của phần lớn các doanh nghiệp (DN) phân phối, bán lẻ nội địa trước thời điểm mở cửa thị trường bán lẻ vào ngày 1-1-2009 tại hội thảo “Thị trường bán lẻ trước giờ G và giải pháp của DN” do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ DN tổ chức ngày 18-12 tại TPHCM. Với doanh số bán lẻ tăng trưởng 20,5%/năm, từ 45,2 tỉ USD (năm 2007) lên 54,3 tỉ USD (năm 2008), thị trường bán lẻ được đánh giá rất hấp dẫn của VN sẽ không còn là sân chơi độc tôn của các DN nội địa.

Cuộc chiến không cân sức

Bên cạnh hàng loạt tên tuổi của các đại gia nước ngoài có mặt tại VN như Metro (Đức), Casino (Pháp), Parkson (Malaysia), Circle K (Canada), Dairy Farm (Hồng Kông), Best Carings (Nhật)... thì Lotte Mart vừa khai trương vào ngày 18-12 cũng quyết định nâng chỉ tiêu mở rộng mạng lưới từ 15 lên 30 siêu thị trong vòng 10 năm với tổng vốn đầu tư lên đến 5 tỉ USD. Song, điều đáng lo ngại nhất là trong 10 nhà bán lẻ hàng đầu thế giới mới chỉ có Metro (đứng thứ 5) xâm nhập vào VN.

DN nội địa: Thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm

Thế mạnh của các nhà bán lẻ nước ngoài là tiềm lực về vốn và kinh nghiệm quản lý. Trong kế hoạch chinh phục thị trường bán lẻ mới, họ sẵn sàng chấp nhận lỗ trong một thời gian dài; trong khi đây lại là hạn chế của DN nội địa. Bên cạnh đó, một hình thức “lách luật” trong kế hoạch mở rộng mạng lưới đã được một số DN nước ngoài sử dụng là cùng thương hiệu hệ thống bán lẻ nhưng lại đặt dưới sự quản lý của nhiều pháp nhân khác nhau dưới hình thức nhượng quyền thương mại.

Ngay cả Lotte Mart của Hàn Quốc với những chiến dịch quảng bá rầm rộ thì vẫn chỉ là nhà bán lẻ đứng thứ 79 thế giới và thứ 14 châu Á nhưng cũng khiến nhiều DN nội địa “hoảng hốt” huống chi sắp tới, dự báo sẽ còn hàng loạt tên tuổi trong top 10 nhà bán lẻ thế giới đổ bộ vào VN. Theo thông tin mới nhất, tập đoàn Tesco của Anh (đứng thứ 4) đã có sẵn 2 địa điểm để mở đại siêu thị ở Hà Nội và TPHCM. Phương thức tiếp cận của tập đoàn này là mua một thương hiệu bán lẻ nội địa hoặc liên doanh với một đơn vị trong nước để mở hệ thống phân phối, bán lẻ. Sắp tới sẽ là Tập đoàn Carrefour của Pháp (đứng thứ 2), Seven-Eleven của Nhật...

Để chuẩn bị cho thời điểm mở cửa thị trường bán lẻ, hoạt động mua bán cổ phần của các DN phân phối, bán lẻ trong nước cũng gia tăng nhanh chóng với 151 vụ, tổng trị giá 2,05 tỉ USD. Điển hình là vụ Sojitz mua 25% cổ phần của nhà phân phối sỉ Hương Thủy, Lotte Confectionary mua 30% của Bibica... Thách thức không chỉ đến với các siêu thị mà nhiều công ty đa quốc gia tăng cường mở rộng chuỗi cửa hàng riêng như Unilever, Procter & Gamble, Johnson & Johnson, Coca-Cola, L’Oreal, Philip Morris... đặt các DN sản xuất trong nước trước bài toán phát triển hệ thống cửa hàng tự doanh.

Dài cổ chờ quy định thực thi ENT

Trong khi DN nội địa phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, thì Bộ Công Thương lại chậm chân, chưa có quy định điều kiện áp dụng biện pháp ENT (kiểm tra nhu cầu kinh tế) trong lĩnh vực cấp phép cơ sở bán lẻ thứ hai trở đi. “Trước thời điểm mở cửa thị trường bán lẻ 10 ngày, cơ sở thực thi ENT vẫn còn rất mơ hồ” - ông Trần Quốc Khánh, Vụ trưởng Vụ Thương mại đa biên, Bộ Công Thương, nhìn nhận.

Sự lúng túng trong việc đưa ra quy định thực thi ENT diễn ra cả một thời gian dài. ENT được hiểu là điều kiện để các cơ quan quản lý kiểm tra, xem xét nhu cầu và khả năng của thị trường trong nước trước khi quyết định cấp hay không cấp giấy phép thành lập nhiều hơn một cơ sở bán lẻ của DN nước ngoài. Theo cam kết, tiêu chí ENT phải có vào ngày đầu tiên trở thành thành viên của WTO, thế nhưng đến nay vẫn chưa có gì biến chuyển.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc Saigon Co.op: “Tất cả DN nội địa rất mong mỏi sớm có quy định thực thi ENT càng cụ thể càng tốt, giúp các DN nội địa yên tâm hơn trong quá trình cạnh tranh. Bộ Công Thương cũng nên tham khảo ý kiến một số DN để việc thực thi ENT thật sự có hiệu quả”. Đa số các DN nội địa đều thừa nhận: 10 ngày trước thời điểm mở cửa thị trường bán lẻ, các DN trong nước vẫn phải đối mặt với nhiều nỗi lo.



Nguồn: www.nld.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường