Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Dồn dập mở siêu thị
18 | 03 | 2008
Các doanh nghiệp kinh doanh siêu thị đang chạy đua tìm mặt bằng mở siêu thị khi thời hạn cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia hệ thống bán lẻ từ đầu năm sau đang đến gần.
Theo các doanh nghiệp bán lẻ trong nước, thời gian không còn nhiều để họ có thể thong thả vì đây là năm nước rút trước khi chính thức bước vào cuộc chiến khốc liệt với nhà đầu tư nước ngoài: giành giật người tiêu dùng về "phần sân" của mình.

Siêu thị có mặt trên từng cây số

Trong tháng đầu tiên của năm 2008, Liên hiệp hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co-op) đã đưa vào hoạt động mới hai siêu thị tại Bình Tân và Vũng Tàu. Nếu tính cả năm 2007, Saigon Co-op đã đưa vào hoạt động chín siêu thị mới với tổng vốn đầu tư lên đến 500 tỉ đồng. Chuỗi hệ thống siêu thị của Tập đoàn Dệt may VN (Vinatex) là Vinatexmart cũng không kém cạnh khi chỉ trong tháng 12-2007 và tháng 1-2008 đã đưa vào hoạt động bốn siêu thị mới tại TP.HCM, Cần Thơ và Kontum.

Tại thị trường phía Bắc, các siêu thị như Intimex, Fivimart đều tăng cung, mở rộng các hệ thống phân phối của mình. Nhưng "làm mưa làm gió” nhất trong năm ngoái phải kể đến chuỗi siêu thị và cửa hàng tiện ích mang thương hiệu Hapro của Tổng công ty Thương mại Hà Nội. Trong năm 2007, doanh nghiệp này đã mở thêm gần 20 siêu thị và cửa hàng tiện ích. Không chỉ chú trọng thị trường Hà Nội, Hapro đang xuất hiện và mở rộng mạng lưới ở các tỉnh Thái Bình, Hà Tây, Hưng Yên, thậm chí cả các tỉnh miền núi phía Bắc như Thái Nguyên, Bắc Cạn.

"Không ngán" nhà bán lẻ nước ngoài

"Dù phải mở cửa cho nước ngoài tham gia hệ thống phân phối từ năm 2009 nhưng các doanh nghiệp phân phối VN vẫn có thể cạnh tranh được" - ông Đoàn khẳng định. Theo ông Đoàn, các doanh nghiệp bán lẻ lớn của VN hiện tại như Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), Liên hiệp hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co-op) đều đã có trên dưới 20 năm kinh nghiệm, đang có tiềm lực, khách hàng và tiếp tục củng cố, mở rộng thị trường hiệu quả...

Danh sách siêu thị tiếp tục chờ mở cửa trong năm nay còn khá dài. Saigon Co-op sẽ khai trương thêm 10 siêu thị mới. Vinatexmart, sau khi đã mở 50 siêu thị, hiện đang có đến... 25 siêu thị chờ triển khai ở khắp 17 tỉnh thành trong năm nay. Hapro còn chuẩn bị đầu tư mạnh hơn nữa với năm trung tâm thương mại và hơn 200 cửa hàng tiện ích tại hơn 10 tỉnh thành phía Bắc. Công ty cổ phần An Phong, chủ đầu tư chuỗi hệ thống siêu thị Maximark, cũng tung ra đến gần 300 tỉ đồng cho kế hoạch đầu tư mới ba siêu thị từ đây cuối năm 2008 vì "đã kinh doanh là phải bắt buộc mở rộng, phát triển" - bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, giám đốc điều hành, khẳng định.

Kế hoạch trấn giữ sân nhà

Saigon Co-op đẩy mạnh khuếch trương chuỗi hệ thống siêu thị của mình trong thời gian vừa qua để tiếp tục phát triển thương hiệu Saigon Co-op. Với Hapro, bà Lê Thiên Nga, trưởng ban đối ngoại và tiếp thị, cho rằng do thời điểm năm 2009 đang đến rất gần, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước sẽ không thể cạnh tranh trực diện với các đại siêu thị của Metro, hay sắp tới là Wal Mart nên chủ trương phát triển các cửa hàng qui mô vừa và nhỏ, có mặt ở những địa điểm thuận lợi, dễ tiếp cận để phục vụ yêu cầu "tiện" của người dân là mục tiêu hàng đầu.

Còn bà Nguyễn Thị Hồng Hương, giám đốc chuỗi hệ thống siêu thị Vinatexmart, khẳng định: "Không phải bây giờ mới khuếch trương chuỗi hệ thống siêu thị, mà định hướng lẫn mục tiêu đến năm 2010 Vinatexmart sẽ có

80-85 siêu thị khắp cả nước đã được đặt ra cách đây năm năm. Bây giờ phải cố gắng làm cho xong kế hoạch đã đặt ra, trước khi nhà đầu tư nước ngoài được tham gia thị trường này".

Khó khăn nhất hiện nay của các doanh nghiệp bán lẻ chính là tìm kiếm mặt bằng. Theo bà Nguyễn Thị Tranh - phó tổng giám đốc Saigon Co-op, do có nhiều đơn vị cùng muốn mở rộng mạng lưới nên việc tìm kiếm mặt bằng đẹp gặp nhiều khó khăn và càng khó hơn khi giá đất tăng mạnh. Mặt bằng có diện tích đủ lớn, có vị trí tốt rất hiếm, nhất là tại TP.HCM. "Các dự án bất động sản thường có thể bán nhà để thu hồi vốn ngay, còn các dự án thương mại phải thu hồi vốn dần dần trong nhiều năm thông qua khấu hao nên ai cũng ngán" - bà Tranh nói.

Người bán hàng, kiếm đâu dễ

Một khó khăn nữa là nguồn nhân lực. Theo bà Tranh, "mỗi siêu thị mới ra đời cần hơn 100 người, đa số là ở những vị trí cần chuyên môn và kinh nghiệm. Việc tuyển dụng và đào tạo đòi hỏi thời gian nhất định, do đó đòi hỏi tính kế hoạch cao".

Saigon Co-op đã thực thi chiến lược nguồn nhân lực từ nhiều năm nay, bao gồm việc đào tạo đội ngũ, cải tiến chính sách tiền lương, thưởng và chế độ đãi ngộ. Đặc biệt, trong năm 2008, Trung tâm huấn luyện nghiệp vụ Saigon Co-op - một trung tâm đào tạo huấn luyện chuyên môn sâu trong ngành bán lẻ - sẽ được khai trương nhằm đáp ứng nhu cầu nâng cao trình độ và nghiên cứu chuyên ngành của cán bộ nhân viên Saigon Co-op.

Còn theo ông Phạm Đình Đoàn - tổng giám đốc Phú Thái Group, chiến lược phát triển nguồn nhân lực, áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến đã được tập đoàn chú trọng từ rất sớm. Thậm chí khả năng sử dụng đội ngũ chuyên gia nước ngoài cũng đã được tính đến. Để đưa tham vọng "tới năm 2010, tập đoàn sẽ có trên 3.000 nhân viên với doanh số gần 10.000 tỉ đồng/năm", hàng loạt giải pháp và chiến lược phát triển đã được tập đoàn đặt lên bàn triển khai.



Nguồn: Tuổi Trẻ Online
Báo cáo phân tích thị trường