Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nghề thủ công mỹ nghệ: “hai không”!
18 | 12 | 2008
Giá giảm, nhu cầu mua hàng tại nhiều thị trường xuất khẩu cũng giảm, nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ (TCMN), mây tre... buộc phải tạm ngưng sản xuất. Không có việc làm, những người thợ vốn chỉ sống bằng đôi tay đan lát đang bị đẩy vào cảnh khốn khó.

“Trẻ tuổi, đi xin việc làm mới còn dễ. Tôi già rồi, ai nhận vào làm nữa. Giờ đành mượn tiền xài tạm” - bà Trần Thị Năm, một thợ thủ công đã nhiều năm gắn bó với nghề mây tre đan tại Dĩ An, Bình Dương, than thở. Hơn 60 tuổi, sống với một con trai chưa lập gia đình, cũng làm nghề này, hai mẹ con bà Năm đang trong tình trạng “hai không”: không việc làm, không thu nhập.

“Tôi không ăn tết”

Bà Năm cho biết cuộc sống gia đình bà hoàn toàn dựa vào công việc đan lát các mặt hàng mây tre, do các đầu mối đặt hàng theo mẫu có sẵn để xuất khẩu. Thu nhập trung bình mỗi ngày chỉ 50.000 - 60.000 đồng. Nhưng từ cuối tháng 9-2008, công việc đã ít dần. Không có việc làm thường xuyên nên hai mẹ con bà làm chỉ đủ tiêu xài. Và từ giữa tháng 11 đến nay, các đầu mối đặt hàng, thuê thợ làm công để sản xuất hàng xuất khẩu sang châu Âu đã ngưng hẳn. “Cuối năm không có việc làm thế này, chắc tôi không ăn tết” - bà Năm buồn rầu.

Trong hoàn cảnh tương tự, bà Lê Thị Khánh, thợ đan giỏ tre, trúc tại trại giỏ Bảy Ô (Củ Chi, TP.HCM), cho biết trước đây làm công mỗi ngày kiếm khoảng 50.000 đồng. Nhưng cách nay một tháng, trại giỏ này đã ngưng làm. Nhà không có ruộng nên bà mua nguyên liệu về nhà tự đan, chờ bán cho các cơ sở thu mua giỏ xuất khẩu khác. Thế nhưng làm cả tháng nay, đi chào cũng không có người mua. “Có vài người đồng ý mua lại không bán được vì họ đòi hạ giá gần 2.000 đồng/chiếc, mỗi chiếc giỏ chỉ còn 2.500 đồng. Giá như vậy không đủ tiền mua nguyên liệu chứ chưa tính công làm” - bà Khánh than thở.

Bà Nguyễn Thị Lương, giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu mỹ nghệ Hiền Lương, Hà Tây (đơn vị chuyên sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu các mặt hàng làm từ mây, tre, cói, bèo tây sang Đông Âu) thừa nhận khi xuất khẩu chậm lại, thợ thủ công là những người bị thiệt thòi nhiều nhất. Bởi đa số DN xuất khẩu mặt hàng này hiện đều làm theo cách đặt hàng, thu mua trong dân, chứ không “nuôi” công nhân sản xuất trực tiếp. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, nhiều “đôi tay” trẻ sẽ bỏ nghề.

Từ 30 còn 2

Xuất khẩu TCMN khó đạt chỉ tiêu

Theo ông Đặng Quốc Hùng, phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ TCMN và chế biến gỗ TP.HCM, năm 2007 kim ngạch xuất khẩu hàng TCMN đạt khoảng 750 triệu USD. Năm 2008, mục tiêu của ngành là có tên trong danh sách các mặt hàng xuất khẩu đạt 1 tỉ USD. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, các chỉ tiêu trên rất khó có thể hoàn thành.

Lý giải về việc phải cho nhiều lao động nghỉ việc, anh Lê Đình Trọng Nghĩa, quản lý trại giỏ Bảy Ô, cho biết thông thường mỗi tháng cơ sở này xuất đi Đài Loan khoảng 13-14 container, nay khách hàng không ký hợp đồng mới nào cho năm 2009. Toàn trại có hơn 30 công nhân thì nay chỉ còn hai người làm. “Họ làm một hai ngày nữa, hết số nguyên liệu còn lại rồi cũng nghỉ chứ không được làm đến tết. Tình hình này còn khó khăn lắm” - anh Nghĩa lo lắng.

Trong khi đó, nhiều hợp tác xã (HTX) xuất khẩu hàng TCMN cho biết họ đã bắt đầu gặp khó khăn ngay từ đầu năm 2008 do giá nguyên liệu, nhân công tăng, lãi suất ngân hàng cao, vốn sản xuất eo hẹp... Chỉ riêng giá nguyên phụ liệu đầu vào năm nay đã tăng 40-50%... Cụ thể, giá lá buông từ 6.000 đồng lên 10.000 đồng/kg; các loại nguyên liệu cói, lục bình, tre tăng trung bình từ 2.500 đồng/kg lên 3.000 đồng/kg... Bà Lương Thị Thúy, chủ nhiệm HTX Hiệp Lực (Biên Hòa, Đồng Nai), cho biết tính đến hết tháng mười năm nay HTX chật vật cũng chỉ xuất khẩu được 7 tỉ đồng trong khi năm ngoái là 12 tỉ đồng.

Theo bà Nguyễn Thị Lương, hiện nay lượng hàng xuất khẩu của công ty đã giảm hơn 50%. Trước đây mỗi tháng công ty xuất được 2-3 container thì nay chỉ xuất được một container. Năm 2009, tình hình sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Nhiều Việt kiều tại khu vực Liên Xô cũ thường xuyên mua các mặt hàng TCMN cho biết họ sẽ không mua nữa. Một DN xuất khẩu hàng TCMN sang EU cũng cho biết các nhà nhập khẩu đã giảm tới 70% lượng hàng. Không những vậy, họ còn ép giảm giá hơn 30% và nhiều khả năng ít nhất nửa năm sau, họ vẫn tiếp tục cắt giảm hàng hóa.

Trở lại sân nhà

Khi thị trường xuất khẩu vẫn tiếp tục khó khăn, nhiều DN đã “trú bão” bằng cách quay lại “sân nhà”, khai thác thị trường nội địa. Ông Phan Văn Minh - chủ một tiệm bán các mặt hàng TCMN như lẵng hoa, ghế, giỏ đựng trái cây... làm bằng chất liệu mây, tre, trúc tại TP.HCM - cho biết gần đây rất nhiều DN đến chào bán sản phẩm. Họ đưa ra những mẫu mã khá đẹp, giá cả tương đối “mềm” nên thay vì phải đi “săn” nguồn hàng đẹp như trước đây, nay tiệm có nhiều sự lựa chọn.

Mặc dù sức mua năm nay yếu hơn năm ngoái nhưng vẫn bán được do nhu cầu mua sắm các mặt hàng TCMN vào thời điểm này thường lớn nhất trong năm. Vì thế, nếu nỗ lực tìm mẫu mã đẹp, giá bán hợp lý hơn, hàng TCMN trong nước có thể “lấn sân” tại thị trường nội địa, cạnh tranh với hàng TCMN Trung Quốc và hướng đến nhóm khách hàng có thu nhập ổn định, du khách quốc tế.

Nhiều DN cho rằng để vượt qua khó khăn, bên cạnh nỗ lực “tự bơi” của họ, Chính phủ nên hỗ trợ DN qua việc cho vay vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi. Bớt gánh nặng về lãi suất, DN sẽ không bị áp lực phải bù đắp phần đội giá sản phẩm do lãi suất bằng việc giảm giá thu mua trong dân như hiện nay.



Nguồn: Tuổi Trẻ Online
Báo cáo phân tích thị trường