Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Làng nghề mây tre đan Phú Nghĩa áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất
04 | 10 | 2007
Một sản phẩm làng nghề truyền thống trong giai đoạn hiện nay để cạnh tranh được cần dựa vào các yếu tố vốn, con người, giá thành và chất lượng sản phẩm. Việc chuyển giao công nghệ từ lý thuyết vào thực tiễn do đó càng đóng một vai trò quan trọng bởi điều này góp phần vào việc xây dựng, khẳng định và củng cố thương hiệu các sản phẩm truyền thống “made in Vietnam” vừa bền, vừa đẹp mà giá cả phải chăng…
Mặc dầu mới đang trong giai đoạn thử nghiệm bước đầu mô hình công nghệ “Bảo quản xử lý nguyên liệu mây tre cho làng nghề” - nhằm thay đổi phương pháp tẩy trắng mây tre đan theo lối truyền thống sang mô hình tẩy trắng theo phương pháp sinh học, không độc hại cho con người và môi trường sống - của Dự án chế biến lâm sản ngoài gỗ trồng rừng được trường Đại học Lâm nghiệp triển khai do Chính phủ Hà Lan hỗ trợ nhưng những kết quả thu được của làng nghề mây tre đan Phú Nghĩa, Chương Mỹ, Hà Tây thật đáng khích lệ.

Tìm đến nhà ông Nguyễn Trọng Đức, Bí thư chi bộ xóm Thượng, thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa và cũng là gia đình đầu tiên mạnh dạn thử nghiệm, triển khai mô hình trong khâu tẩy trắng các sản phẩm mây tre đan, chúng tôi được biết công nghệ này có nhiều tác dụng. Theo ông Đức, hệ thống tẩy trắng sản phẩm này vừa làm trắng được cùng lúc nhiều sản phẩm, chất lượng đồng đều mà vẫn đảm bảo màu sắc nguyên bản của mây tre. Không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ sức khoẻ cho người lao động mà còn góp phần đảm bảo vệ sinh an toàn môi trường. Trước kia, theo phương pháp thủ công, người dân làng nghề phải chịu đựng mùi hoá chất độc hại và khó chịu do chất tẩy chủ yếu là ôxy và sút nhưng áp dụng công nghệ của Đại học Lâm nghiệp vừa không gây mùi khó chịu mà hệ thống nước thải được lọc ra trong vắt đảm bảo vệ sinh môi trường làng nghề.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Đô, Trưởng thôn Phú Vinh đồng thời cũng là một trong nhiều hộ gia đình làng nghề làm ăn phát triển và ổn định nơi đây khẳng định: Mô hình công nghệ do Đại học Lâm nghiệp chuyển giao cho người dân làng nghề chúng tôi rất hay, từng bước được triển khai áp dụng vào làng nghề. Công nghệ này đảm bảo được 3 yếu tố: Thứ nhất, giá thành đầu vào hạ thấp hơn do chủ yếu là dùng các hoá chất công nghệ sinh học của Viện Khoa học Lâm nghiệp sản xuất; thứ hai, công nghệ đảm bảo cho công tác bảo vệ môi trường do hệ thống lọc và thoát nước đảm bảo, tất cả nhằm phục vụ cho sự nghiệp phát triển bền vững mà Đảng và Nhà nước ta đặt ra; thứ ba, công nghệ này phù hợp với sự phát triển của làng nghề với công đoạn sản xuất chủ yếu là nhỏ lẻ, tập trung theo từng hộ gia đình thì điều này có nghĩa là mấy hộ gia đình cùng tập trung đầu tư công nghệ, từ đó tận dụng ưu thế của loại công nghệ này góp phần làm ra những sản phẩm đẹp hơn, chất lượng tốt và cung ứng được nhiều đơn hàng đều đặn và thường xuyên hơn.

Một sản phẩm làng nghề truyền thống trong giai đoạn hiện nay để cạnh tranh được cần dựa vào các yếu tố vốn, con người, giá thành và chất lượng sản phẩm. Việc chuyển giao công nghệ từ lý thuyết vào thực tiễn do đó càng đóng một vai trò quan trọng bởi điều này góp phần vào việc xây dựng, khẳng định và củng cố thương hiệu các sản phẩm truyền thống “made in Vietnam” vừa bền, vừa đẹp mà giá cả phải chăng…

Với những thành công bước đầu của Dự án trên, tin tưởng rằng trong một tương lai không xa, mô hình này sẽ được nhân rộng ra toàn làng nghề Phú Nghĩa nói riêng và làng nghề mây tre đan nói chung trên khắp cả nước để cùng nhau chung sức làm nên thương hiệu hàng hoá, sản phẩm mây tre đan truyền thống của Việt Nam; đưa các sản phẩm mang vẻ đẹp và sự độc đáo của nền văn hoá Việt đến với bạn bè khu vực và quốc tế.



Nguồn: chebien
Báo cáo phân tích thị trường