Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hàng thủ công mỹ nghệ tìm đường ’xuất ngoại’
08 | 11 | 2007
Theo chiến lược phát triển hàng thủ công mỹ nghệ (TCMN) vừa được Chính phủ thông qua, kim ngạch xuất khẩu (XK) mặt hàng này sẽ đạt 1,5 tỷ USD vào năm 2010. Đồng thời, hàng công nghiệp và TCMN do có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất nhờ thu hút được nhiều dự án ĐTNN cũng sẽ được đẩy mạnh XK, thay cho nhóm hàng nguyên, nhiên liệu như hiện nay.

Mặc dù có tiềm năng lớn, đóng góp tích cực vào kim ngạch XK cũng như nhiều lợi ích KT-XH khác, nhưng các chuyên gia vẫn cho rằng hàng TCMN Việt Nam (VN) đang gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển và mở rộng thị trường…

Hiện cả nước có 2.017 làng nghề, chủ yếu ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, với nhiều loại hình sản xuất như hộ gia đình, tổ sản xuất, tổ hợp tác, HTX, DN tư nhân... thu hút hàng triệu lao động, lại cần cù khéo léo, có sự kế tục truyền dạy nghề từ các nghệ nhân. Với những lợi thế hơn hẳn các ngành nghề khác, chủ yếu sản xuất từ nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước, nên ngoại tệ thực thu trong XK hàng TCMN chiếm tỷ lệ cao tới 95-97%.

Như vậy, mặc dù kim ngạch XK hàng TCMN của VN không cao (đạt 630,4 triệu USD trong năm 2006), chiếm chưa đầy 3% tổng kim ngạch XK cả nước, song nếu nhìn giá trị thực thu thì sự đóng góp của ngành hàng này là không nhỏ so với nhiều mặt hàng công nghiệp khác (ngành dệt may, giày dép, tuy kim ngạch XK cao nhưng ngoại tệ thực thu chỉ chiếm 20% giá trị XK do nguyên phụ liệu chủ yếu phải nhập ngoại; hàng điện tử, linh phụ kiện máy tính có giá trị thực thu chỉ khoảng 5-10%).

Thống kê của Bộ Công thương cho thấy trong tháng 10, mặt hàng mây tre lá, thảm, sơn mài… là những sản phẩm TCMN chủ yếu, đạt kim ngạch XK 17 triệu USD, đưa tổng kim ngạch XK nhóm các mặt hàng này của VN từ đầu năm đến nay lên 180,2 triệu USD, tăng 19,9% so với cùng kỳ năm 2006. Nếu tốc độ tăng trưởng này được duy trì thì dự kiến năm nay, kim ngạch XK nhóm hàng này sẽ đạt 228 triệu USD, tăng 19%.

Đây là một thuận lợi rất lớn trong việc phát triển sản xuất hàng TCMN. Hiện sản phẩm TCMN VN đã có mặt hầu khắp các quốc gia trên thế giới, với tốc độ tăng trưởng 17,87%/năm. Với thị trường EU, XK mặt hàng chính là gỗ, trong đó, Đức, Pháp, Hà Lan đã chiếm 10% tổng hàng hóa NK.

Tại Nhật Bản, khách hàng rất ưa thích mặt hàng gỗ, hộp đan bằng mây, rổ mây, giỏ mây, giỏ tre, khay tre, rổ tre, kệ đan mây, nón lá, bàn ghế tre, bát đĩa tre, khay đan bằng mây… của VN. Còn tại thị trường lớn Hoa Kỳ, các sản phẩm sơn mài, bình tre, mành trúc, ghế mây tre, mành tre, bình phong tre, giỏ lục bình… của ta cũng rất được ưa chuộng. Ngoài ra, thị trường Nam Phi cũng tăng trưởng với nhiều triển vọng khi đang có nhiều DN VN tiến hành xúc tiến thương mại tại đây.

Mặc dù vậy, ông Lưu Duy Dần, Tổng thư ký Hiệp hội làng nghề VN nhận định: Để đạt được mục tiêu phát triển hàng TCMN đã đề ra, chúng ta phải thấy hết những khó khăn đang tồn tại. Đó là, tuy số lượng làng nghề rất lớn, nhưng thực tế chỉ còn 32% trong số này phát triển tốt, 42% làng nghề hoạt động cầm chừng, không phát triển được. Sở dĩ như vậy một phần là do trình độ dân trí ở một số địa phương có nghề không cao, nếp sống tuỳ tiện, tổ chức hoạt động kém, nhất là thiếu tính liên kết giữa khoa học và mỹ thuật học với việc chế tạo, sản xuất sản phẩm.

Trong khi đó, hầu hết các DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ thiếu thông tin về thị trường, không có khả năng tiếp cận nguồn vốn, quy mô sản xuất nhỏ, phân tán, lại thiếu khả năng cạnh tranh về chất lượng, mẫu mã đơn điệu nên sản phẩm không đồng nhất. Đội ngũ nghệ nhân lớp trước còn lại quá ít, lớp thợ trẻ thì vừa thiếu, vừa yếu tay nghề; tình trạng ô nhiễm môi trường, giao thông đi lại khó khăn.

Ngoài ra còn những vướng mắc về tài chính, dự án đầu tư. Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu thị trường chưa đồng bộ, chủ yếu là sản xuất theo đơn đặt hàng, phụ thuộc vào nhiều khâu trung gian, dẫn tới kế hoạch sản xuất không ổn định.

Điều đáng quan tâm nhất là thiết bị, nhà xưởng sản xuất thiếu thốn, nghèo nàn, nên nhiều bạn hàng khi đến tìm hiểu tình hình hoạt động của đơn vị thường không muốn quay lại. Khó khăn càng nhân lên khi chi phí cho thủ tục giao nhận mặt hàng này khá cao (30 USD/m3), chi phí vận chuyển tính theo đơn vị m3 cao dẫn đến bất lợi trong cạnh tranh khi XK hàng hóa sang EU và Mỹ.

Một trở ngại nữa là VN phải chịu áp lực cạnh tranh cao với hàng hóa Trung Quốc, Thái Lan cùng nhiều nước ASEAN cả về giá cả và mẫu mã, chưa kể áp lực từ hàng nhái, hàng giả... Thị trường nội địa có sức mua yếu, trong khi kinh nghiệm thị trường quốc tế của DN VN còn rất hạn chế.



Nguồn: thongtinthuongmaivietnam
Báo cáo phân tích thị trường