Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Kim ngạch đồ gỗ xuất khẩu: Tăng cao mà vẫn bị động ?
23 | 10 | 2007
Hiện sản phẩm đồ gỗ Việt Nam đã có mặt tại 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó ba thị trường trọng điểm là Mỹ (trên 20%), EU (khoảng 28%) và Nhật Bản (24%). Mặc dù sản phẩm gỗ xuất khẩu mang về hơn 2 tỷ USD mỗi năm nhưng chi phí nhập khẩu gỗ nguyên liệu đã chiếm hơn 30% giá trị.

Trong khi “máu rừng” vẫn chảy hằng ngày, ở nhiều nơi, nhiều đường dây buôn lậu gỗ vẫn làm ăn phát đạt thì rất oái oăm, tới 80% nguyên liệu sản xuất, chế biến gỗ phải dựa vào nguồn nhập khẩu.

“Ngoại” thịnh...

Theo Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, kim ngạch gỗ thành phẩm xuất khẩu chín tháng đạt trên 1,6 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Đồ gỗ tiếp tục đứng trong danh sách nhóm mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu vượt 1 tỷ USD. Cũng Hiệp hội dự báo, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ là 2,5 tỷ USD năm 2007 hoàn toàn có thể thực hiện được.

Liên tục đạt tốc độ tăng trường kim ngạch xuất khẩu gỗ ở mức cao trong sáu năm qua, với giá trị vượt mười lần, Việt Nam hiện đứng thứ tư trong số các quốc gia Đông Nam á, sau Thái Lan, In-đô-nê-xi-a và Ma-lai-xi-a. Thị phần đồ gỗ xuất khẩu của Việt Nam trên thế giới đã đạt 0,78%, mặc dù không là gì so với Trung Quốc, nhà xuất khẩu đồ gỗ hàng đầu thế giới (11,9% thị phần). Hiện đồ gỗ thành phẩm Việt Nam đã có mặt tại 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó ba thị trường trọng điểm là Mỹ (chiếm trên 20%), EU (khoảng 28%) và Nhật Bản (chiếm 24%). Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nội thất sang Canađa, Nga và một số nước Đông Âu, Trung Đông.

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã trở thành mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 5 sau dầu thô, dệt may, giầy dép và thủy sản. Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam dự báo xuất khẩu đồ gỗ sẽ tiếp tục tăng cao trong những năm tới, do các thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Pháp, Đức và Hoa Kỳ đang ưa chuộng các mặt hàng đồ gỗ nội thất của Việt Nam.

“Nội”... suy

Con số tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu gỗ rất ấn tượng, tuy nhiên nếu để ý thì tại thị trường nội địa, sản phẩm Trung Quốc lại áp đảo. Phổ biến nhất là các mặt hàng đồ gỗ gia dụng, nội thất của Đài Loan. Hiện mạng lưới này đã liên tục mở rộng bằng nhiều siêu thị, đại lí lớn tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh... và đang “cơi nới” rất nhanh sang các vùng phụ cận. Kém cao cấp hơn đồ gỗ gia dụng, nội thất Đài Loan, các sản phẩm nhái Đài Loan từ Trung Quốc hoặc “Trung Quốc chính hiệu” cũng ồ ạt xuất hiện trên thị trường. Ngay lập tức, các mặt hàng này được một bộ phận lớn người tiêu dùng lựa chọn. Vì ưu điểm của nó là giá rẻ - rất cạnh tranh, mẫu mã đa dạng, phong phú. Ông Nguyễn Vũ Thành, chủ một doanh nghiệp xuất nhập khẩu, chế biến gỗ (đường Trường Chinh, Hà Nội) cho hay: - Rất khó để các cơ sở, doanh nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam có thể cạnh tranh nổi. Sản xuất nhỏ giọt, làm thủ công là chính, nếu có thì công nghệ cũng lạc hậu, doanh nghiệp trong nước thường chỉ thu về lãi ròng không lớn nên buộc phải “đẩy” giá thành phẩm lên.

Ngay tại các cơ sở chế biến gỗ nội địa, các mặt hàng “được chào” là made in Đài Loan, Trung Quốc cũng khá nhiều. Các cơ sở, doanh nghiệp chế biến gỗ trong nước rơi vào tình cảnh khá trớ trêu: Hoặc chỉ bán được hàng đắt hẳn cho một bộ phận nhỏ người tiêu dùng có thu nhập hoặc chỉ bán được loại hàng cấp thấp, phổ biến hơn, song vẫn không cạnh tranh nổi.

Doanh nghiệp chế biến gỗ đâu có ít: Khoảng 1.250 doanh nghiệp, trên 300 doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu. Cả nước có tới ba cụm công nghiệp chế biến gỗ là: Hà Nội - Bắc Ninh, TP. Hồ Chí Minh - Bình Dương, Bình Định - Tây Nguyên. Riêng tỉnh Bình Dương có 260 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, thành trung tâm sản xuất, xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất cả nước.

Vì sao lại như vậy?

Yếu, bị động...

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho hay, mục tiêu duy trì vị trí mặt hàng có tốc độ tăng trưởng trên 30% những năm tới của ngành sản xuất, chế biến gỗ quả là khó khăn. Khó khăn thứ nhất là các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu gỗ đang phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu gỗ mang về hơn 2 tỷ USD nhưng chi phí nhập khẩu gỗ đã chiếm hơn 30%. 80% nguyên liệu sản xuất, chế biến gỗ được nhập khẩu từ Ma-lai-xi-a. Lào, Trung Quốc... Tuy nhiên, việc nhập khẩu cũng đang nảy sinh “vấn đề” khi hầu hết doanh nghiệp nội địa nhỏ bé, thiếu vốn. Chỉ một số ít Cty lớn, Cty liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài mới đủ khả năng tài chính. Mặt khác, các nguồn cung chính như Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a cấm xuất khẩu gỗ tròn từ lâu, mới đây lại tuyên bố cấm xuất khẩu gỗ xẻ. Lào cũng chỉ cho xuất khẩu một lượng nhỏ gỗ nguyên liệu. Thứ hai, tuy công nghiệp sản xuất, chế biến gỗ tạo ra chừng 180 nghìn việc làm song cả nước chỉ có duy nhất trường nghề ở Hà Nam đào tạo công nhân chế biến gỗ. Thiếu nhân lực nên giá nhân công ngành này tăng nhanh. Thứ ba, khả năng đầu tư công nghệ của các doanh nghiệp rất thấp. Hầu hết sử dụng công nghệ, thiết bị lạc hậu, cũ kĩ nên vừa tốn “công” vừa khó đáp ứng yêu cầu của khách hàng, đặc biệt tại các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản.

Đầu tư cho công nghiệp sản xuất, chế biến gỗ từ nay đến 2020 cần khoảng 7 tỷ USD song song với trồng mới rừng cần 0,8 - 1 tỷ USD - một con số quá lớn. Ngay từ năm 2004, Bộ Thương mại, nay là Bộ Công thương, đã đưa ra năm nhóm giải pháp lớn nhằm thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm gỗ, từ giải quyết vấn đề nguyên liệu, nhân lực, sắp xếp đổi mới công nghệ đến xúc tiến thương mại... Nhưng phần lớn chưa được thực hiện.



Nguồn: chebien
Báo cáo phân tích thị trường