Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tiềm năng và lợi thế phát triển của ngành chế biến gỗ Việt Nam
24 | 12 | 2009
Ngành gỗ Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 4 trong khối các nước Đông Nam Á (sau Malaysia, Indonesia và Thái Lan) trong cuộc đua chiếm thị phần xuất khẩu đồ gỗ. Sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam đã xuất khẩu sang 120 nước, trong đó EU, Mỹ, Nhật Bản là những thị trường tiêu thụ sản phẩm lớn nhất, chiếm hơn 70% tổng sản phẩm gỗ xuất khẩu của cả nước.

Theo Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, nhu cầu sử dụng đồ gỗ trên thế giới hiện vẫn tăng khá cao, trong khi đó thị phần đồ gỗ của Việt Nam chưa đạt tới con số 1% thị phần đồ gỗ thế giới. Còn theo nguồn tin từ Bộ Công Thương, sau khi Việt Nam gia nhập WTO, ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam được giảm thuế nhập khẩu gỗ nguyên liệu cũng như giảm thuế xuất khẩu sản phẩm hàng hóa vào thị trường các nước. Đây là những yếu tố tạo ra lợi thế kinh doanh trên thị trường. Bên cạnh đó, việc Mỹ đánh thuế chống bán phá giá khá cao đối với Trung Quốc cũng là một trong những lợi thế để các doanh nghiệp tăng cường xuất khẩu vào thị trường này.

Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. HCM (HAWA) cho biết, ngoài những lợi thế nêu trên, Việt Nam còn nhiều thế mạnh khác mà chúng ta chưa tận dụng hết. Đó là Việt Nam có nguồn nhân công dồi dào, có các cảng biển trải dài trên địa bàn cả nước, rất phù hợp cho việc vận chuyển những container cồng kềnh, chiếm nhiều chỗ như đồ gỗ. Kim ngạch tăng trưởng xuất khẩu của ngành gỗ cũng đang dẫn đầu trong các mặt hàng xuất khẩu. Nếu tính chung giai đoạn từ năm 2001-2005, kim ngạch tăng trưởng xuất khẩu của ngành gỗ đạt hơn 38%/năm. Cả nước hiện có khoảng 2.600 doanh nghiệp, trong đó có 200 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, sử dụng 170.000 lao động.

Liên tục trong những năm qua, nhóm hàng đồ gỗ xuất khẩu (XK) của Việt Nam luôn đứng trong nhóm hàng XK có tốc độ tăng trưởng cao nhất, với mức tăng trưởng trung bình trên 30%. Năm 2006, kim ngạch XK của đồ gỗ Việt Nam đã xấp xỉ 2 tỷ USD, năm 2007 xuất khẩu được 2,4 tỷ USD, đến năm 2008 xuất khẩu 2,8 tỷ USD, dự kiến năm 2009 là 3,2 tỷ USD.

Dẫn nguồn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam được biết, tháng 10/2009, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của cả nước đạt 255,4 triệu USD, tăng 19,8% so với tháng 9, và tăng 1,2% so với tháng 10/2008, mặc dù mức tăng này không cao, nhưng đây là tháng duy nhất trong 10 tháng đầu năm 2009 kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam tăng so với cùng kỳ năm 2008. Tính chung 10 tháng năm 2009, tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 2,02 tỷ USD, giảm 12,2% sovới cùng kỳ năm 2008. Trong tháng 10/2009, Mỹ là thị trường xuất khẩu chính sản phẩm gỗ của Việt Nam, với kim ngạch đạt 111,6 triệu USD, tăng 11,7 triệu USD (tăng 11,7%) so với tháng trước và chiếm 43,6% kim ngạch. Như vậy, đây là tháng thứ 2 liên tiếp, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam vào thị trường Mỹ tăng, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam vào thị trường này trong 10 tháng năm 2009 đạt 874,2 triệu USD, giảm nhẹ  so với cùng kỳ năm 2008.

Theo Bộ Công Thương, mặt hàng đồ gỗ XK đã có sự phát triển vượt bậc. Hiện đồ gỗ đã trở thành mặt hàng XK chủ lực đứng thứ 5 của Việt Nam sau dầu thô, dệt may, giày dép và thủy sản. Sự phát triển này đã đưa Việt Nam vượt Indonesia và Thái Lan trở thành một trong hai nước xuất khẩu đồ gỗ đứng đầu Đông Nam Á . Chất lượng sản phẩm đồ gỗ Việt Nam luôn được nâng cao, có khả năng cạnh tranh được với các nước trong khu vực và Trung Quốc.

Hiện nay sản phẩm gỗ của Việt Nam đã thâm nhập đến 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó 3 thị trường lớn và rất khó tính thì hàng của chúng ta đã có được những vị thế nhất định, trong tổng kim ngạch xuất khẩu thì Mỹ chiếm trên 20%, EU chiếm 28%, Nhật Bản chiếm 24%. Tuy nhiên, đồ gỗ Việt Nam hiện mới chiếm 0,78% tổng thị phần thế giới, trong khi nhu cầu sử dụng loại hàng này luôn tăng nhanh nên tiềm năng XK của Việt Nam là rất lớn.



(Vinanet)
Báo cáo phân tích thị trường