Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nâng cao sức cạnh tranh hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu
22 | 11 | 2007
Theo chiến lược phát triển hàng thủ công mỹ nghệ vừa được Chính phủ phê duyệt, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sẽ đạt 1,5 tỷ USD vào năm 2010. Đồng thời, hàng công nghiệp và thủ công công mỹ nghệ do có điều kiện mở rộng qui mô sản xuất nhờ thu hút được nhiều dự án đầu tư nước ngoài cũng sẽ được đẩy mạnh xuất khẩu thay cho nhóm hàng nguyên, nhiên liệu như hiện nay.

Mặc dù có tiềm năng lớn đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu cũng như nhiều lợi ích kinh tế xã hội khác nhưng các chuyên gia vẫn cho rằng hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển và mở rộng thị trường.

Hiện cả nước có 2.017 làng nghề, chủ yếu ở vùng đồng bằng Bắc bộ, Bắc Trung bộ với nhiều loại hình sản xuất như hộ gia đình, tổ sản xuất, tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp tư nhân… Với những lợi thế hơn hẳn các ngành nghề khác, chủ yếu sản xuất từ nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước nên ngoại tệ thực thu trong xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ chiếm tỷ lệ cao từ 95% đến 97%.

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam không cao (đạt 630,4 triệu USD trong năm 2006), chiếm chưa đầy 3% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước song nhìn giá trị thực thu thì đóng góp của ngành hàng này không nhỏ so với nhiều mặt hàng công nghiệp khác (ngành dệt may, giày dép tuy kim ngạch xuất khẩu cao nhưng ngoại tệ thực thu chỉ chiếm 20% giá trị xuất khẩu do nguyên phụ liệu chủ yếu phải nhập ngoại; hàng điện tử, linh phụ kiện máy tính có giá trị thực th chỉ khoảng 5-10%).

Theo Bộ Công Thương, tính đến đầu tháng 11, nhóm mặt hàng mây tre lá, thảm, sơn mài là những sản phẩm thủ công mỹ nghệ chủ yếu, dạt kim ngạch xuất khẩu 180,2 triệu USD, tăng 19,9% so với cùng kỳ năm 2006. Dự báo, nếu tốc độ tăng trưởng này được duy trì thì năm 2007, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này sẽ đạt 228 triệu USD, tăng 19%.

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ hiện đã có mặt hầu khắp các quốc gia trên thế giới với tốc độ tăng trưởng 17,87%/năm. Với thị trường EU, xuất khẩu chính là mặt hàng gỗ, trong đó, Đức, Pháp, Hà Lan đã chiếm 10% tổng hàng hoá nhập khẩu. Tại Nhật Bản, khách hàng rất ưa chuộng mặt hàng gỗ, hộp đan bằng mây, rổ mây, giỏ mây, bát đĩa tre, khay đan bằng mây… của Việt Nam. Riêng tại thị trường Hoa Kỳ, các sản phẩm sơn mài, bình tre, mành trúc, ghế mây tre, mành tre, bình phong tre, giỏ lục bình… của Việt Nam cũng rất được ưa chuộng. Ngooài ra, thị trường Nam Phi cũng tăng trưởng với nhiều triển vọng khi có nhiều doanh nghiệp Việt Nam tiến hành xúc tiến thương mại tại đây.

Để sản phẩm thủ công mỹ nghệ cạnh tranh được trên thị trường và kim ngạch xuất khẩu đạt giá trị cao tại các thị trường tiềm năng, thì các doanh nghiệp xuất khẩu cần tìm hiểu kỹ các quy định về nhập khẩu. Chẳng hạn như Nhật Bản hay Canada là thị trường có mức nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ cao, do vậy tính cạnh tranh cũng rất mạnh. Nhà xuất khẩu muốn thâm nhập vào các thị trường này cần cân nhắc các yếu tố về sản xuất nhanh hàng mẫu, trả lời thư yêu cầu ngay trong ngày, giao hàng đúng với đặc điểm kỹ thuật đã thoả thuận hay đúng hàng mẫu đã nhất trí từ trước; tính liên tục của nguồn cung; duy trì chất lượng cao ở mức giá cạnh tranh; bao bì thích hợp cho vận tải đường biển… Bên cạnh đó, giá hàng thủ công mỹ nghệ phụ thuộc vào yếu tố chất lượng sản phẩm được làm từ thợ thủ công và loại nguyên vật liệu sử dụng. Đặc biệt, hầu hết các thị trường này đều đòi hỏi hàng hoá phải có chất lượng cao, bền và khi đưa ra bán phải có điều kiện tốt. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu lưu tâm cụ thể đến yêu cầu về dán mác và bao gói chính xác. Hàng thủ công mỹ nghệ dùng bên ngoài nhà phải đủ khả năng chịu được nhiệt độ và độ ẩm, trong khi dành cho trẻ em phải thoả mãn yêu cầu về độ an toàn và tiêu chuẩn.



Nguồn: thongtinthuongmaivietnam.vn
Báo cáo phân tích thị trường