Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Để hàng thủ công mỹ nghệ là sản phẩm văn hóa - du lịch và xuất khẩu
12 | 12 | 2009
AGROINFO - Mỗi làng nghề dường như “độc lập tác chiến” thiếu thông tin kinh tế và sự chỉ đạo chung, lao vào sản xuất không tiêu thụ được hàng hoá, không ít làng nghề đẫ rơi vào tình trạng phá sản. Thực trạng đó đòi hỏi cần có sự quản lý vĩ mô của nhà nước, sự liên kết phối hợp giữa làng nghề với các bộ, ngành, các cơ quan chức năng của nhà nước được đối xử như một bộ phận không thể thiếu của nền kinh tế quốc dân...

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới, khi hàng hoá tiêu dùng công nghiệp hiện đại tràn ngập thị trường, sản phẩm thủ công đứng trước những thách thức hết sức gay gắt. Tình hình mới đòi hỏi các làng nghề Việt Nam phải mở rộng thị trường, tìm  “đầu ra” cho sản phẩm. Muốn vậy phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, thay đổi mẫu mã phù hợp với nhu cầu, thị hiếu khách hàng, xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm. Trong khi đó các làng nghề gặp vô vàn khó khăn như thiếu vốn, thiếu nguyên liệu, mặt bằng sản xuất phải giải quyết các vấn đề khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường … Mỗi làng nghề dường như “độc lập tác chiến” thiếu thông tin kinh tế và sự chỉ đạo chung, lao vào sản xuất không tiêu thụ được hàng hoá, không ít làng nghề đẫ rơi vào tình trạng phá sản. Thực trạng đó đòi hỏi cần có sự quản lý vĩ mô của nhà nước, sự liên kết phối hợp giữa làng nghề với các bộ, ngành, các cơ quan chức năng của nhà nước được đối xử như một bộ phận không thể thiếu của nền kinh tế quốc dân.

Trong lĩnh vực sản xuất hàng thủ công thì sản phẩm thủ công mỹ nghệ hàm chứa đậm đặc yếu tố văn hoá thể hiện rất rõ nét bản sắc văn hoá dân tộc. Cho nên sản phẩm thủ công ngoài giá trị là hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng còn có ý nghĩa văn hoá và thật sự là sản phẩm văn hoá khi nó đạt tới trình độ kỹ thuật và mỹ thuật cao. Cho nên trước hết, các làng nghề có liên quan mật thiết với các Bộ như: Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương ở lĩnh vực sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Khi ngành du lịch nước nhà phát triển trở thành “kinh tế mũi nhọn” thì sản phẩm thủ công mỹ nghệ cũng góp phần làm tăng sức hấp dẫn du khách và một số làng nghề đã trở thành những điểm đến thu hút đông khách trong nước và quốc tế. Ẩm thực với các món ngon kết hợp chương trình biểu diễn văn hoá dân gian sẽ gây ấn tượng mạnh mẽ với du khách. Như vậy trong thực tế hàng thủ công mỹ nghệ đã và đang dần hình thành là sản phẩm văn hoá-du lịch phục vụ các công trình văn hoá quà tặng và hàng lưu niệm cho nhu cầu xã hội, xác định làng nghề và Bộ ngành có mối quan hệ tương hỗ, làng nghề cần sự giúp đỡ của các Bộ ngành để tăng hàm lượng văn hoá cho sản phẩm, tìm hướng xuất khẩu còn ngành cũng cần nhiều sản phẩm văn hoá du lịch để phát triển cho mình. Nếu như được đánh giá và nhìn nhận như vậy các Bộ ngành liên quan sẽ có sự quan tâm thích đáng có cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi để có nhiều sản phẩm văn hoá-du lịch là hàng thủ công mỹ nghệ chất lượng cao cho xã hội, mở hướng phát triển mới cho các làng nghề đi vào các sản phẩm có hàm lượng văn hoá cao thể hiện bản sắc dân tộc. Muốn vậy các làng nghề truyền thống, hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam phải được nhìn nhận đúng: Làng nghề là cả một môi trường kinh tế, văn hoá, xã  hội và công nghệ lâu đời. Nó có vai trò to lớn góp phần xây dựng nông thôn mới. Đây là yếu tố vô cùng quan trọng để các làng nghề mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm văn hoá - du lịch hàng lưu niệm và quà tặng sẽ có đà phát triển mạnh và bền vững.

Xuất phát từ những suy nghĩ đó, chúng tôi kiến nghị một số công việc cụ thể trước mắt như sau: Hiện nay các làng nghề rất lúng túng trong việc quảng bá thương hiệu và sản phẩm của  mình nhất là không có nơi để trưng bày giới thiệu. Chúng tôi thấy có nhiều nhà văn hoá, trung tâm văn hoá, khu triển lãm hội chợ hoạt động chưa hết công suất khi bỏ không bên cạnh sân khấu biểu diễn nghệ thuật, nơi vui chơi giải trí có thể dành nơi trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ, tổ chức chợ phiên định kỳ phục vụ các tua du lịch v.v . Từ đó tiến tới có những cuộc trưng bày triển lãm hội chợ lớn về hàng thủ công mỹ nghệ. Mở nhiều tuyến du lịch làng nghề đến những nơi có sản phẩm thủ công mỹ nghệ nổi tiếng có bề dày văn hoá lâu đời. Chính các làng nghề này góp phần làm cho các tua du lịch có thêm nội dung phong phú đồng thời tạo điều kiện cho du khách mua sắm hàng lưu niệm. Làng nghề được tham gia các sự kiện quảng bá văn hoá Việt Nam ở các nước. Đó là cơ hội để quảng bá hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, đồng thời để các làng nghề nắm bắt thông tin nhu cầu và thị hiếu của khách quốc tế, giải quyết vấn đề rất bức xúc của làng nghề Việt Nam hiện nay là sáng tạo mẫu mã như thế nào, áp dụng công nghệ hiện đại ra sao đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của khách hàng của từng nước cụ thể như thế nào để tìm “đầu ra” cho xuất khẩu.
Nếu như ngành Văn hoá-Thể thao và Du lịch Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công thương coi hàng thủ công mỹ nghệ là sản phẩm văn hoá - du lịch, hàng xuất khẩu, là bộ phận không thể thiếu trong hoạt động của ngành chắc chắn sẽ có kế hoạch quản lý, đầu tư cho nó phát triển toàn diện hơn, bảo đảm cho người sản xuất sống được băng nghề và đội ngũ nghệ nhân cũng sẽ được đối xử như đội ngũ nghệ sĩ. Để tôn vinh các nghệ nhân, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đã tặng các danh hiệu nghệ nhân, nhưng nếu các danh hiệu, các giải thưởng được nâng lên tầm của Nhà nước, của quốc gia chắc chắn sẽ có tác động mạnh mẽ đến nâng cao vị thế nghệ nhân và thương hiệu của sản phẩm văn hoá- du lịch tạo thêm điều kiện để xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam ra thị trường thế giới.

                                                                                                Ông Lưu Duy Dần

                                                                  Trung tâm VHNT-TT-DL Người cao tuổi Việt Nam

                                   



AGROINFO tổng hợp
Báo cáo phân tích thị trường