Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bình Dương: Bùng nổ xuất khẩu đồ gỗ
17 | 11 | 2007
- Theo nhận định của bà Nguyễn Thị Điền, Giám đốc Sở Thương mại - Du lịch Bình Dương: năm 2007 là năm sản xuất và xuất khẩu đồ gỗ bùng nổ lớn nhất của tỉnh Bình Dương. Nếu như năm 2004, kim ngạch xuất khẩu gỗ trong tỉnh Bình Dương chỉ đạt 416 triệu USD thì trong 10 tháng năm 2007 đạt hơn 941 triệu USD tăng 52,9% và dự kiến cả năm sẽ vượt hơn 1 tỉ USD. ^

* Ngành gỗ là ngành chủ lực

Bình Dương hiện có 360 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến đồ gỗ, trong đó có gần 100 doanh nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài.

Mấy năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp vốn đầu tư trong nước có lượng hàng xuất khẩu ngang bằng với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như Trường Thành, Tiến Triển, Trần Đức... Với nguồn vốn đầu tư cho sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tăng mạnh và tăng liên tục trong thời gian qua, Bình Dương đã trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất cả nước.

Sau một năm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ của Bình Dương vẫn duy trì ổn định ở mức cao, tốc độ tăng trưởng hơn 50% trong suốt năm nay. Dẫn đầu vẫn là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài do có lợi thế về vốn, thị trường, nguồn nguyên liệu... Nhưng với sự bứt phá vươn lên, các doanh nghiệp có vốn trong nước đã không chỉ rút ngắn khoảng cách mà còn tự tin bước vào ''sân chơi'' lớn với nhiều dự án mang tính chiều sâu.

Trước khi chưa bước vào thời kỳ hậu WTO, gần 300 doanh nghiệp vốn nội địa không dám so sánh mình với các doanh nghiệp ''đàn anh'' có vốn đầu tư nước ngoài trong cùng ngành gỗ do họ hơn hẳn về kinh nghiệm, vốn và thị trường tiêu thụ, bởi những tập đoàn đa quốc gia vừa làm vừa bán, còn doanh nghiệp trong nước phải gia công, làm theo đơn đặt hàng nên thường thiếu tính tự chủ. Trong khi đó, nguồn nguyên liệu sản xuất gỗ xuất khẩu phải nhập khẩu từ nước ngoài khiến tỷ trọng sản xuất và xuất khẩu có tăng nhưng giá trị mang lại cho doanh nghiệp không tăng là bao. Tuy nhiên, vượt qua trở ngại này, các doanh nghiệp gỗ sản xuất trong nước đã chủ động cải tiến công nghệ, đầu tư mở rộng nhà máy nhằm tăng khả năng sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu. Điển hình là Tập đoàn Tiến Timber (100% vốn đầu tư trong nước) hoạt động tại huyện Tân Uyên (Bình Dương) vừa đầu tư xây dựng "chợ nguyên phụ liệu ngành gỗ" trên diện tích 50 ha. Đây là chợ nguyên liệu gỗ giúp doanh nghiệp chủ động trong sản xuất - kinh doanh; đồng thời cung ứng cho các doanh nghiệp gỗ khác trong tỉnh ổn định nguồn hàng sản xuất lâu dài.

* Tự chủ sản xuất

Tổng Giám đốc Tập đoàn Tiến Timber Nguyễn Phi Tiến cho rằng: Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất gỗ xuất khẩu hiện nay đều rất bị động ở khâu nguyên liệu và phải lặn lội ra bên ngoài để tìm mua, hoặc thông qua đầu mối từ bên ngoài, nên mất rất nhiều thời gian, chi phí cao, lại không chủ động được sản xuất. Hơn nữa, mấy năm gần đây, bên cạnh sự tăng nhanh về số lượng lẫn chất lượng xuất khẩu thì vấn đề giá nguyên liệu gỗ cũng tăng không ngừng trong khi có đến 70% nguyên liệu nhập khẩu, nên doanh nghiệp gỗ trong nước vốn ít thường gặp khốn đốn. Do đó, Tập đoàn Tiến Timber đã xây dựng một kho ngoại quan chuyên ngành gỗ nhằm giúp doanh nghiệp ít có điều kiện mua gỗ bên ngoài được tiếp cận nguồn gỗ tốt từ nước ngoài ngay trong nước, đồng thời giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian mua, vận chuyển gỗ từ nước ngoài về trong nước sản xuất xuống còn dưới 60 ngày (trước đây mỗi doanh nghiệp tự nhập nguyên liệu gỗ về sản xuất phải mất hơn trên 2 tháng đến 3 tháng).

Ngoài ra, Tiến Timber còn đầu tư hệ thống lò sấy chân không công nghệ mới, công suất 40m3/mẻ nhằm chủ động hơn nguồn hàng liên tục phục vụ doanh nghiệp. Tập đoàn Tiến Timber hiện có hệ thống 10 lò sấy hiện đại, công suất 40m3/lò và bình quân 150 container/tháng. Việc tự chủ đầu tư như Tiến Timber đã không những giải tỏa băn khoăn lớn nhất của các nhà sản xuất mà còn giúp họ chủ động hơn, tăng nhanh vòng quay sản xuất cũng như nguồn vốn, như thế cũng mang về lợi nhuận cao hơn.

Cùng chạy nhanh với Tiến Timber, Tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành cũng đã kịp xây dựng dự án mới với tầm nhìn đến năm 2020 như trồng mới 40.000 ha rừng tại các tỉnh, thành trong khu vực và xây dựng nhà máy mới tại Khu công nghiệp Nam Tân Uyên với công suất gấp 5 lần nhà máy hiện nay tại huyện Thuận An. Sắp tới, Trường Thành niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam, Singapore...

Cuộc đua sản xuất và xuất khẩu đồ gỗ ở tỉnh Bình Dương vẫn còn thuận lợi hơn trong các năm tới. Bởi theo Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gosaco Lâm Trọng Sơn cũng cho biết, công ty đang đầu tư dự án "chợ đầu mối nguyên liệu gỗ" tại Bình Dương tại xã Tân Lập, huyện Tân Uyên với quy mô xây dựng 50 ha, trong đó vốn đầu tư cho giai đoạn 1 khoảng 40 tỷ đồng. Theo ông Sơn, lý do công ty chọn đặt chợ nguyên liệu gỗ tại Tân Uyên vì nơi đây có vị trí chiến lược thông thương hết sức thuận lợi cả bằng đường bộ lẫn đường thủy để cung ứng gỗ nguyên liệu cho các doanh nghiệp tại Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai... Gosaco là công ty chuyên về lĩnh vực gỗ, hiện có mạng lưới trên toàn quốc bao gồm các chi nhánh lớn ở Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ... Khu liên hợp sản xuất của Công ty Gosaco tại Tân Phước Khánh, Tân Uyên (Bình Dương) là tổ hợp sản xuất khép kín được trang bị các dây chuyền sản xuất hiện đại được xây dựng trên diện tích 5 ha, mỗi năm tổ hợp sản xuất và xuất khẩu hơn 30.000m3 gỗ thành phẩm/năm./



Nguồn: agroviet.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường