Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp: Bỏ quên làng nghề!
28 | 12 | 2007
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 1.450 làng nghề, phân bố rải rác ở 58 tỉnh, thành phố. Trong vòng 10 năm qua, các làng nghề có tốc độ tăng trưởng nhanh, trung bình khoảng 8%/năm, đặc biệt là các làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ như: gốm, sứ, thêu, ren, đồ gỗ cao cấp... Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của làng nghề đang được xuất khẩu sang nhiều thị trường như: Mỹ, Pháp, Italia, Nhật Bản, Trung Quốc... Nhưng việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại các làng nghề vẫn là điều đáng bàn.

Các DN sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ VN chưa tự xây dựng được thương hiệu mà chủ yếu là sản xuất gia công dựa trên những kiểu dáng, mẫu mã có sẵn, phần lớn do các Cty nước ngoài đăng ký độc quyền kiểu dáng công nghiệp. Vì vậy, hàng thủ công mỹ nghệ của làng nghề Việt Nam vẫn còn yếu kém trong khâu thiết kế mẫu mã, đồng thời thu nhập của các DN sản xuất cũng không cao, thậm chí phải chịu nhiều thiệt thòi.

Thiệt đơn thiệt kép

Hơn thế, do sản xuất theo đơn đặt hàng của các Cty khác nên nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ còn phải đối mặt với nguy cơ gia công những mặt hàng vi phạm quyền sở hữu công nghiệp đã được các DN trong và ngoài nước đăng ký độc quyền. Đơn cử như một số làng nghề ở Hưng Yên, Bắc Ninh... chủ yếu sản xuất gia công những mặt hàng kém chất lượng có gắn nhãn mác của các Cty có tên tuổi với mong muốn dễ dàng bán được sản phẩm. Họ không biết rằng hành vi đó đã vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Việt Nam được đánh giá là một quốc gia có nhiều nghề thủ công, song giá trị to lớn của lĩnh vực này chưa được đánh giá đầy đủ. Các cơ quan hoạch định chính sách cũng chưa chia sẻ đầy đủ các thông tin về ngành nghề thủ công; chưa có sự thống nhất, đồng thuận trong việc tổ chức xác lập quyền sở hữu công nghiệp như chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, kiểu dáng công nghiệp cho các sản phẩm làng nghề.

Theo đánh giá của các chuyên gia, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực trạng này là do người sản xuất còn thiếu kiến thức, thông tin về sở hữu công nghiệp, có rất ít cơ hội tìm hiểu và nắm bắt thông tin thị trường. Đồng thời, do nhu cầu của các DN đặt hàng nên người sản xuất vẫn cho ra đời các sản phẩm giống nhau hoặc sửa đổi một vài chi tiết.

Đăng ký chỉ dẫn địa lý: Giải pháp tối ưu

Để các làng nghề phát triển bền vững, trong thời gian qua các cơ quan chức năng đã có những dự án nghiên cứu và triển khai nhằm từng bước khắc phục tình trạng sản xuất gia công tại các làng nghề thủ công mỹ nghệ nhằm mang lại những sản phẩm có giá trị cao hơn. Bộ NN-PTNT và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã phối hợp triển khai dự án "Nghiên cứu quy hoach phát triển ngành nghề nông thôn theo hướng công nghiệp hoá nông thôn Việt Nam". Bộ Khoa học Công nghệ đã triển khai dự án "Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn" với một số chỉ tiêu như: về trình độ công nghệ: các thiết bị là sản phẩm mới có tính năng kỹ thuật, kiểu dáng, chất lượng và giá cả có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực. Về sở hữu trí tuệ: Có ít nhất 10% số nhiệm vụ có giải pháp được công nhận sáng chế hoặc giải pháp hữu ích, 15% số nhiệm vụ đã được chấp nhận đơn yêu cầu bảo hộ sở hữu công nghiệp...

Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng các làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ nên chủ động thành lập hội nghề nghiệp, đồng thời phối hợp với các bộ, ngành chức năng để thu thập thông tin, tư vấn xây dựng thương hiệu cho các làng nghề. Hướng đi hiệu quả nhất đối với làng nghề thủ công mỹ nghệ là đăng ký quyền sở hữu trí tuệ theo dạng "chỉ dẫn địa lý" để được Nhà nước công nhận là tài sản chung của địa phương. Sau đó, những DN, hộ sản xuất kinh doanh có đủ điều kiện về chất lượng sản phẩm, có tính độc đáo, truyền thống, mẫu mã đẹp theo tiêu chí của hội nghề nghiệp đặt ra để quản lý việc sử dụng tên gọi. Khuyến khích sáng tạo những mẫu mã, kiểu dáng mới qua các cuộc thi do hội nghề nghiệp tổ chức. Các sản phẩm đoạt giải sẽ được thu thập thông tin và triển khai xác lập quyền sở hữu trí tuệ. Khi đó, làng nghề mới có được nhiều sản phẩm có giá trị cao khẳng định thương hiệu trên thị trường.



Theo www.dddn.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường