Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Làng nghề truyền thống
12 | 11 | 2007
Quảng Nam là nơi có nhiều làng nghề truyền thống được hình thành và phát triển từ nhiều đời nay. Trải qua hàng trăm, hàng ngàn năm, nghề và làng nghề đã tồn tại và phát triển ở đây như một phần không thể tách rời lịch sử mỗi làng quê, thôn xóm của vùng đất này.

 

Làng dệt Mã Châu
Mã Châu là làng nghề truyền thống, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa nổi tiếng từ thế kỷ 16 trên đất Quảng Nam. Làng nghề Mã Châu thuộc thôn Châu Hiệp, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, cả làng hiện có khoảng 200 gia đình nhưng hàng năm đã sản xuất hàng trăm ngàn mét tơ lụa phục vụ nhu cầu trong và ngoài nước.

Theo dân làng thì Mã Châu trước mang tên Tứ mã với 4 làng Mã Thành, Mã Thượng, Mã Đông, Mã Tây và bến đò tơ nổi tiếng cung cấp các loại tơ lụa cho thương nhân nước ngoài ở cảng Trà Nhiêu - Hội An. Ngày nay, sau những bước thăng trầm, những sản phẩm lụa Mã Châu đã thực sự thu hút du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Từ những chiếc khăn, chiếc giỏ xách tay xinh xắn cho đến những chiếc đèn lồng hiện hữu nơi phố cổ Hội An đều được làm từ tơ lụa Mã Châu. Anh Nguyễn Hữu - chủ một cơ sở sản xuất tương đối lớn của Mã Châu cho biết gia đình anh đã 9 đời gắn bó với nghề dệt lụa. Cũng như tất cả mọi người trong làng, anh rất tin vào sự bền vững của nghề truyền thống do cha ông để lại. Hơn nữa giờ đây với điều kiện giao thông thuận lợi nối kết giữa hai di sản văn hoá thế giới là Mỹ Sơn và Hội An du khách lại có dịp tham gia vào những tour du lịch làng nghề đầy hấp dẫn trên trục giao thông này. Đây cũng là yếu tố thúc đẩy việc gắn kết chặt chẽ giữa lợi ích du lịch và công tác bảo tồn nghề truyền thống.


Làng gốm Thanh Hà
Làng gốm Thanh Hà với quá trình phát triển 500 năm, thế mà có lúc người ta đã quên mất rằng Thanh Hà có nghề làm gốm rất độc đáo. Thế nhưng với tâm huyết của những người cao niên trong làng, gốm Thanh Hà lại dần được phục hồi. Bà Nguyễn Thị Được - người dân Thanh Hà vẫn quen gọi là bà Phú năm nay đã 83 tuổi nhưng sự khéo léo và tinh anh trong nghề nghiệp đã khiến bà trở thành một trong những nghệ nhân giỏi nhất làng.

Nằm cách Hội An 3 Km về hướng Tây, vào thế kỷ 16, 17, Thanh Hà là một ngôi làng rất thịnh đạt, nổi tiếng về các mặt hàng gốm, đất nung được trao đổi, bán buôn khắp các tỉnh miền Trung Việt Nam. Chính những người thợ gốm Thanh Hà đã làm nên và cung cấp gạch, ngói lợp, ngói lát nền cho các ngôi nhà cổ ở Hội An và các khu vực chung quanh. Hiện nay, người dân làng gốm Thanh Hà đang làm đúng những công việc và theo đúng cách cha ông họ đã làm trong những thế kỷ trước. Trong đôi bàn tay khéo léo và điêu luyện của họ, những chiếc lọ hoa xinh xắn, những bình trà, bình rượu, những chiếc ấm, bồng binh, những chum, lu, hũ, vại và cả những con vật thân thương như trâu, Bò, mào, lợn... cứ lần lượt ra đời. Ngoài việc phát triển nghề dựa vào du lịch, những nghệ nhân làng gốm Thanh Hà vẫn muốn tìm hướng đi vững chắc cho sản phẩm của mình như sản xuất các sản phẩm gốm mỹ thuật tinh xảo dành cho xuất khẩu và phục vụ công tác trùng tu, xây dựng các công trình kiến trúc cổ tại Hội An. Ngày nay, những ngôi nhà cổ ở Hội An đang cần đến bàn tay khéo léo và khối óc thông minh, sáng tạo của những người thợ gốm Thanh Hà. Họ chính là đối tác duy nhất có thể cung cấp những viên gạch xây, những viên ngói lợp đúng tiêu chuẩn, hợp quy cách và chất lượng cao phục vụ công tác trùng tu, bảo tồn cả Hội An, Di sản Văn hóa Thế giới.

Hiện nay, làng gốm Thanh Hà có khoảng 23 hộ sản xuất, với tổng số 72 lao động, trong đó có 36 lao động nữ, 2 nghệ nhân và 8 lao động có tay nghề cao (hầu hết là người lớn tuổi). Năng lực sản xuất hàng năm đạt 216 triệu sản phẩm gốm các loại, gần 1 triệu viên ngói âm dương, vảy cá.


Làng rau Trà Quế
Nằm cách Khu phố cổ Hội An 3 Km về phía Bắc, làng rau Trà Quế thuộc xã Cẩm Hà vốn nổi tiếng từ rất lâu đời, là làng rau chuyên canh nổi tiếng của Hội An với đủ chủng loại rau cung cấp cho cả Quảng Nam và Đà Nẵng. Nhiều bậc lão niên khẳng định, ngày xưa, rau Trà Quế còn bán cho các thủy thủ trên các thương thuyền nước ngoài như Pháp, Hà Lan, Ả Rập, Trung Hoa ...khi các tàu viễn dương ghé vào Hội An lấy hàng, nước ngọt, thực phẩm.

"Muốn về Trà Quế mà chơi, Lại e gánh nước hai gàu chưa quen"... Nghề trồng rau sống ở Trà Quế đã có từ hơn 300 năm trước và được lưu truyền cho đến ngày nay một phần nhờ vào điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng ưu đãi.

Nơi đây có con sông Cổ Cò bao bọc với nguồn rong vô cùng phong phú, trở thành nguồn phân hữu cơ giúp cho người dân sản xuất được nhiều loại rau thơm, ngon mà ít sử dụng các loại hoá chất độc hại. Rau sống Trà Quế đã trở thành một thứ văn hoá ẩm thực không thể thiếu trong đời sống người dân.

Nhiều người khẳng định, các món ăn đặc sản của Quảng Nam như cao lầu, mì Quảng, bánh vao, bánh vạc...hấp dẫn một phần cũng chính nhờ hương vị của rau Trà Quế.

Hiện nay Trà Quế cũng đã là một điểm đến rất được du khách, nhất là khách nước ngoài chọn tham gia qua tour du lịch Một ngày làm cư dân phố cổ do Công ty Du lịch Dịch vụ Hội An khai thác. Tại đây, khách được trực tiếp tham gia các công đoạn sản xuất rau và dùng cơm với một gia đình người dân để thưởng thức các món ăn từ rau xanh Trà Quế.


Làng mộc Kim Bồng
Làng mộc Kim Bồng thuộc xã Cẩm Kim nằm bên kia sông Hội An. Làng vốn rất nổi tiếng về nghề mộc của mình vì hầu hết các kiến trúc cổ kính của Hội An đều do bàn tay tài hoa của cha ông họ dựng nên từ những ngày vàng son của thương cảng mậu dịch quốc tế Hội An. Kỹ thuật của thợ mộc Kim Bồng quả là tuyệt hảo. Những tác phẩm chạm khắc của họ trên các đầu kèo, trên xiên, trên trính, trên án thư, bàn thờ, và cả bàn ghế, tủ, khay, đều là những kiệt tác mà bất cứ ai được trông thấy cũng phải trầm trồ, xuýt xoa thán phục. Nói tóm lại, những gì thợ mộc Kim Bồng đã làm thì đẹp và hoàn hảo đến mức không thể nào chê. Thợ mộc Kim Bồng ngày nay vẫn giữ được nghề mình sống với Hội An muôn đời cổ kính tuy nhiều người trong họ chuyển sang đóng, sửa tàu thuyền cho ngư dân các tỉnh Trung bộ Việt Nam và một số khác cứ hăm hở lao vào công tác trùng tu, sửa chữa các di tích của Khu phố cổ hoặc tạc tượng, điêu khắc trên gỗ, sản xuất đồ gỗ và hàng lưu niệm để bán cho du khách và xuất khẩu ra nước ngoài.

Hiện nay, làng nghề Kim Bồng có 01 cơ sở dạy nghề, đã đào tạo 2 khóa học với tổng số 40 người. Không chỉ bó hẹp trong làng Kim Bồng, nghề mộc hiện đã phát triển mạnh, hình thành khu làng nghề tại xã Cẩm Kim, thị xã Hội An. Trong khu vực phố cổ Hội An có cơ sở mộc của ông Đinh Văn Lời, cơ sở mộc Tân An.


Làng đúc đồng Phước Kiều
Đi dọc tuyến đường Hội An - Mỹ Sơn du khách sẽ nhận thấy các cửa hàng bán sản phẩm từ làng nghề Phước Kiều (Điện Phương, Điện Bàn, Quảng Nam) san sát 2 bên đường, nào cồng, chiêng, tượng, chuông… Làng đúc đồng một thời bị mai một giờ đang hồi sinh.

Từ xa xưa làng đúc đồng Phước Kiều nổi tiếng bởi công nghệ chế tác. Các vua chúa thời Nguyễn đã mời các nghệ nhân của làng về kinh đô Huế để đúc tiền cùng các tác phẩm nghệ thuật trang trí hay đồ gia dụng. Những năm 90 của thế kỷ trước, do tình hình biến động của thị trường, các cơ sở sản xuất chưa kịp đổi mới, nghề đúc đồng Phước Kiều bị mai một. Dân Phước Kiều, người chuyển nghề, người đi làm thuê cho các địa phương khác.

Giờ đây, với chủ trương khuyến khích phát triển làng nghề gắn liền với du lịch của tỉnh Quảng Nam, làng nghề này đang khôi phục trở lại. Với 25 hộ, 60 lao động, sản phẩm đúc đồng Phước Kiều đã có mặt ở nhiều nơi trên cả nước với đặc trưng truyền thống không nơi nào có được. Đúc đồng thủ công có rất nhiều công đoạn như làm khuôn, pha chế kim loại, thử tiếng… nhưng khó nhất vẫn là khâu pha chế kim loại. Đây là bí quyết và kinh nghiệm làng nghề. Khâu này quyết định phần lớn đến âm thanh của các loại chuông, chiêng, tạ… Chính vì thế những sản phẩm nơi đây có âm thanh hay mà ít nơi nào có được. Tỉnh Quảng Nam đang làm mọi cách để phát triển làng nghề gắn liền với du lịch. Một dự án khai thác tuyến du lịch đường sông qua làng nghề Phước Kiều để du khách có thể tận mắt chứng kiến cảnh đúc đồng thủ công và mua sắm các sản phẩm của làng nghề đang được tỉnh triển khai.

Bên cạnh các làng nghề nổi tiếng nói trên, tỉnh Quảng Nam còn được biết đến với một số làng nghề, nghề truyền thống khác như: làng nghề dệt vải, nghề đan mây, tre (Điện Bàn, Tam Kỳ, Đại Lộc, Thăng Bình, Duy Xuyên, Núi Thành), nghề dệt chiếu (Cẩm Kim-Hội An; Triêm Tây-Điện Bàn; Bàn Thạch, Duy Phước-Duy Xuyên; Thạch Tân-Tam Kỳ), nghề gốm mỹ nghệ (gốm Bạch Đằng, gốm đất nung Lê Đức Hạ, gốm Duy Hòa, Gốm Quế Sơn, gốm La Tháp, gốm Thăng Bình), nghề chế biến hải sản (5 làng nghề chế biến nước mắm), nghề chế biến trà hương (Tam Kỳ), nghề dệt thổ cẩm (Bắc Trà My, Nam Trà My, Nam Giang, Đông Giang, Phước Sơn), nghề đóng, sửa tàu thuyền (Hội An, Tam Kỳ), nghề sản xuất hàng dân dụng (làm trống da, chằm nón, chổi đót, nghề xe sợi dừa, xơ dừa, làm hương).


(Nguồn: http://www.quangnamnet.com.vn)
Báo cáo phân tích thị trường