Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tham gia ABA, Việt Nam có nhiều cơ hội mở rộng hợp tác
12 | 11 | 2007
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh việc gia nhập Hiệp hội Ngân hàng ASEAN (ABA) đã tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng Việt Nam tăng cường trao đổi kinh nghiệm và hợp tác với các ngân hàng trong khu vực, góp phần tăng năng lực cạnh tranh và phát triền bền vững.

Phát biểu tại Hội nghị Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng ASEAN (ABA) lần thứ 37, diễn ra tại Hà Nội hồi đầu tháng này, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu nêu rõ lợi ích rõ nhất mà các ngân hàng thành viên Việt Nam có được sau 12 năm gia nhập ABA là xây dựng được một đội ngũ cán bộ ngân hàng có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao.

Theo ông Nguyễn Văn Giàu, nhờ sự giúp đỡ của ABA, đã có hơn 800 lượt cán bộ ngân hàng được cử tham gia các khóa học nghiệp vụ và tham quan khảo sát tại ngân hàng các nước trong khu vực. Hiện Ngân hàng Nhà nước cũng đã có kế hoạch phát triển trung tâm đào tạo cán bộ ngân hàng hiện có thành Viện đào tạo quy mô lớn với sự hỗ trợ của ABA.

Về sự tham gia của Việt Nam trong ABA, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho biết kể từ khi gia nhập ABA từ năm 1995 đến nay, Việt Nam luôn tham gia tích cực vào các hoạt động của ABA.

Hiện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang cùng với ngân hàng trung ương các nước ASEAN triển khai chương trình đa phương hóa Sáng kiến Chiềng Mai, nội dung hợp tác tài chính tiền tệ quan trọng của ASEAN với ba nước đối tác là Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, nhằm xây dựng một thỏa thuận hỗ trợ đa phương trong khu vực với tổng giá trị lên tới 80 tỷ USD. Việc triển khai chương trình này sẽ góp phần tăng cường khả năng ứng phó của từng quốc gia và khu vực trong việc giải quyết khủng hoảng tài chính tiền tệ.

Nhằm thúc đẩy hợp tác tiền tệ và tạo cơ chế hỗ trợ lẫn nhau giữa các thành viên khi gặp khó khăn về cán cân thanh toán, Ngân hàng Nhà nước đã tham gia Thỏa thuận hoán đổi ASEAN (ASA), một thể thức cho vay dự phòng hỗ trợ cán cân thanh toán với tổng giá trị 2 tỷ USD; tham gia xây dựng Thỏa thuận tỷ giá tạm thời giữa các nước ASEAN để thúc đẩy thương mại, đầu tư nội khối.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước còn tích cực tham gia vào các diễn đàn đối thoại chính sách như Hội nghị các Thống đốc Ngân hàng trung ương ASEAN, Hội nghị các thứ trưởng tài chính và phó thống đốc ngân hàng trung ương, Hội nghị Bộ trưởng tài chính ASEAN để trao đổi về các vấn đề tiền tệ chung của khu vực cũng như tăng khả năng mở rộng quan hệ hợp tác ngân hàng, tài chính trong khối.



Theo TTXVN
Báo cáo phân tích thị trường