Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Làng nghề của sản phẩm cói mỹ nghệ
12 | 11 | 2007
“Thanh nhàn, mát mẻ Thủ Trung Đánh đay, dệt chiếu làm công nhẹ nhàng” Hai câu ca mà người dân làng Thủ Trung (xã Kim Chính, huyện Kim Sơn) thường truyền tụng không biết có từ bao giờ để nói về nghề dệt chiếu cói đã đạt đến trình độ điêu luyện, tính chính xác cao trong thao tác mà vẫn “mát mẻ, thanh nhàn...”Thế mới biết các cụ ở Thủ Trung xưa đã yêu nghề, giữ nghề và rèn nghề cho con cháu như thế nào mới có được thành công như vậy.
Đến Thủ Trung nghe bà con ở đây nói nghề trồng và chế biến cói ở Kim Sơn nói chung và kim Chính nói riêng đã có từ thời doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ đến vùng đất bồi này để khai điền lập ấp.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, cùng với nghề trồng lúa nước, nghề trồng và chế biến cói đã nuôi sống bao thế hệ dân làng Thủ Trung, song phải đến những năm 30 của thế kỷ trước, nghề chế biến cói ở Thủ Trung mới bắt đầu phát triển. Mở đầu bằng việc các cụ trong làng bán một phần đất cho người Trung Quốc đến làm ăn mở xưởng chế biến cói. Xưởng cói đi vào hoạt động đã tạo việc làm cho người dân, vừa lo cung cấp nguyên liệu, vừa làm gia công sản phẩm để họ tiêu thụ ra thị trường. Thời đó mặt hàng còn đơn giản, chỉ là dệt chiếu, dệt bao bì, đan bao manh, dần dần do nhu cầu thị trường, quan hệ giao lưu hàng hoá mở rộng, người Thủ Trung đã làm thêm các mặt hàng mới như đan làn, đan lẵng, làm giày dép cói, làm hàng chiếu cải chữ, sáng tạo nhiều mẫu mã mới phục vụ khách hàng. Cứ như vậy theo đà phát triển của xã hội, nghề chế biến cói của Thủ Trung đã phát triển như ngày nay, vừa có hàng truyền thống vừa có hàng hiện đại về kiểu dáng, mẫu mã, trong đó những “bàn tay vàng” đã được hội chợ triển lãm năm 1995 tại Giảng Võ-Hà Nội công nhận vẫn tiếp tục được thể hiện bên cạnh sự hỗ trợ của phương tiện cơ giới.

Ông Dương Đình Đấu-Trưởng xóm 7A- một trong 3 xóm của làng nghề Thủ Trung cho biết: “năm 2004 cả thôn có 581 hộ thì có đến 90% số hộ làm nghề tiểu thủ công nghiệp, trong đó số hộ làm nghề cói là 429 hộ, bằng 82%. Doanh thu toàn làng đạt 13,5 tỷ đồng, trong đó doanh thu cói đạt 6,9 tỷ đồng. Năm 2005 số hộ làm nghề cói tăng lên 496 hộ, doanh thu từ nghề cói đã tăng lên 7,58 tỷ đồng. Năm 2006 dự kiến doanh thu và số hộ làm nghề cói vẫn tăng khoảng 10-15%”. Như vậy đến nay cả 3 làng chế biến cói của xã Kim Chính đã được UBND tỉnh công nhận làng nghề-phải chăng đây chính là cái nôi của nghề trồng và chế biến cói huyện Kim Sơn.

Nhà chị Trần Thị Dung ở xóm 7A hiện có 2 người đan, nếu tính cả con dâu thì có 4 tay đan. Chị được bố mẹ truyền nghề từ năm lên 10 tuổi, đến nay đã trải qua 47 năm dệt chiếu, đan làn, đan mẫu nhỏ. Thu nhập ngày công từ 10-15 nghìn, vào thời vụ cuối năm có thể lên 30-35 nghìn, tuy chưa phải là cao so với mặt bằng thu nhập chung, song ổn định, quanh năm có việc làm. “Tích tiểu thành đại”, chị cũng đã xây được nhà, nuôi cho con học hành đến nơi đến chốn.

Anh Nguyễn Văn Bằng và chị Vũ Thị Việt cho biết: Nếu không có nghề đan làn, dệt chiếu cói thì không biết những người tàn tật như vợ chồng anh chị và các con lấy gì để sống. Gần 50 năm được truyền nghề từ bố mẹ đẻ, đến nay các con đã trưởng thành ra ở riêng, song anh chị vẫn làm nghề bằng đôi tay tài hoa, dẻo dai của mình. anh cho biết, rất vui mừng vì làng anh đã được tỉnh công nhận làng nghề. Với “thương hiệu làng nghề” anh hy vọng hàng do anh và bà con trong làng làm ra sẽ bắt đầu có tiếng trên thị trường trong và ngoài nước. Về tiêu thụ sản phẩm cho làng nghề, hiện nay trên địa bàn xã có Doanh nghiệp Xuân Hoà chuyên thu gom gia công hàng xuất khẩu cói của nhân dân trong làng, ngoài ra còn nhiều tổ hợp thu mua, chế biến sản phẩm cói khác ở trong và ngoài địa bàn.

Về hướng phát triển thời gian tới của làng nghề Thủ Trung, đồng chí Lâm Xuân Điều-Chủ tịch UBND xã Kim Chính cho biết: “Nét đặc thù của Thủ Trung là tính chuyên sâu của làng nghề khá cao: xóm 5+6 chuyên đan làn và các mẫu nhỏ xuất khẩu; xóm 7A dệt chiếu là chính. Ngoài ra có những sản phẩm mỹ nghệ như hộp kiệu, hộp chùa một cột, giày, dép mẫu nhỏ, chỉ có người Thủ Trung mới làm đẹp. Đây là những yếu tố làm nên chất lượng sản phẩm cao cấp của Thủ Trung. Với lợi thế như vậy, cộng thêm việc tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính của xã, làng nghề Thủ Trung sẽ còn tiến xa hơn nữa”.



(Theo Báo Ninh Bình cuối tuần)
Báo cáo phân tích thị trường