Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Làng có nghề, chưa có làng nghề
09 | 07 | 2008
Đó là thực tế của miền Trung. Sự manh mún các nghề do đặc thù về văn hóa và địa lý đã dẫn đến việc khó "gom" các nghề truyền thống lại thành "làng nghề" (LN) như trong đề án của các địa phương.
Tản mát nghề

Dân cư các làng ở miền Trung không sống tập trung như ở phía bắc. Sự tản mát trong phân bổ dân cư, dẫn đến tản mát về nghề. Gần như tỉnh nào cũng có vài chục làng có nghề truyền thống nhưng manh mún. Mang tiếng là nghề truyền thống của làng nhưng chỉ tập trung vào một bộ phận rất nhỏ của các gia đình. Các nghề này mang tính gia truyền chứ không được phổ biến rộng rãi . Nghề làm đường phèn, đường phổi của Thu Xà (Quảng Ngãi) chẳng hạn, nhiều gia đình chỉ truyền cho con trai, con dâu chứ không truyền cho con gái, vì sợ "lộ bí mật" !

Nghề truyền thống tại các LN miền Trung, với sự độc đáo của nó, đã tạo nên thương hiệu, song không thể phát triển mạnh vì những lý do trên, mặc dù, nhu cầu tiêu dùng và thị hiếu thẩm mỹ xã hội đã thay đổi. Nghề đan rổ rá bằng tre ở Cộng Hòa (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi), nhiều thợ đan nổi tiếng một thời, nhưng không duy trì được do người tiêu dùng đã chuyển sang sử dụng đồ nhựa. Trong khi đó, làng Quyết Thắng bên cạnh, nghề đan không nổi tiếng, song khi nhu cầu tiêu dùng thay đổi, họ chuyển ngay sang đan các loại hàng thủ công để bán cho khách du lịch thì lại "sống" được.

Bao giờ có LN?

Thống kê của các địa phương cho thấy, hiện mỗi tỉnh có chừng 10-15 nghìn cơ sở SX TTCN, gồm một số nghề truyền thống, giải quyết việc làm cho 30-45 nghìn LĐ. Các cơ sở SX dù nhỏ lẻ, manh mún, đã hút được một lực lượng LĐ khá "hùng hậu". Tuy nhiên, số LĐ này không được đào tạo bài bản mà "học nghề qua việc" từ ông chủ hoặc những người thợ chính. Tiếng là có việc làm nhưng vô cùng bấp bênh, tùy thuộc hoàn toàn vào "đầu ra" của SP.

Chính sự manh mún trong SX và bấp bênh đầu ra của SP mà các tỉnh đã làm đề án "Quy hoạch định hướng phát triển cụm công nghiệp (CCN) LN" từ 5-7 năm trước. Theo đó, mỗi huyện đều hình thành các "CCN- LN". Các nhà quản lý muốn gom các nhà máy có quy mô nhỏ vào một chỗ để dễ xử lý ô nhiễm, và tập trung phát triển những nghề truyền thống. Dù vậy, "thiện ý" này đang vấp phải nhiều khó khăn. Các chủ DN, chủ yếu là các nhà máy chế biến nông sản, thủy hải sản và cơ khí, thì chịu vào các CCN này, nhưng các nghề truyền thống thì không thể "gom" lại được.

Một thời, tại CCN Tịnh Ấn Tây, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi), người ta đã mời cả "thầy" chuyên làm nghề đan mây tre từ tỉnh Hà Tây vào dạy nghề, SP làm ra cũng khá bắt mắt, nhưng chỉ tồn tại được vài năm rồi giải tán. Làng dệt chiếu cói Nghĩa Hòa của Tư Nghĩa, Quảng Ngãi cũng mời thầy giỏi từ Nga Sơn, Thanh Hóa vào dạy, nhưng SP không đủ nuôi sống bằng con tôm nên dân phá đồng cói để làm hồ nuôi tôm, hết luôn nguồn nguyên liệu! Sự thiếu tập trung SX dẫn đến khó khăn trong việc giải quyết đầu ra của SP-điều cơ bản nhất để nghề tồn tại- nên LN cũng khó mà hình thành một cách bài bản.

Có lẽ để có LN, các nhà quản lý cần phải quy hoạch, tìm một mô hình thích hợp chứ làm theo cách "gom" nghề vào CCN như đã làm thì... bất khả thi!.



Nguồn: Lao động
Báo cáo phân tích thị trường