Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Sản xuất và tiêu thụ cá tra, basa: Cách làm của “Hùng cá”
04 | 07 | 2008
Trong lúc nhiều người nuôi cá tra, basa ở Đồng Tháp cũng như Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lao đao vì “khủng hoảng thừa”, thì anh Trần Văn Hùng vẫn thu bạc tỷ từ loại cá da trơn này. Khác hẳn với các chủ trại chỉ chờ doanh nghiệp đến hỏi mua, Hùng tự xây dựng nhà máy chế biến để tiêu thụ cá nguyên liệu cho chính mình...
Khởi nghiệp từ khai thác cá

Biệt danh “Hùng cá” có lẽ xuất phát từ quy mô khai thác và nuôi cá hàng đầu của anh ở huyện Hồng Ngự. Anh nói: “Tôi ăn học ít, 16 tuổi đã theo ba lênh đênh khắp vùng đầu nguồn. Hồi đó tuy nhỏ tuổi nhưng một mình tôi đã bắt không dưới 200 tấn cá/năm”. Chẳng thế mà mới 22 tuổi, anh đã dám đứng ra đấu thầu hàng chục kilômét kênh rạch, sang cả tỉnh PreyVeng (Campuchia) ký hợp đồng khai thác cá.

Tích lũy được số vốn trong tay, năm 1996, Hùng bắt đầu chuyển sang nuôi cá bè. Trong số 500 chiếc bè trên đất Hồng Ngự, Hùng có hơn chục chiếc, bè lớn nhất có khả năng nuôi 120 tấn/vụ, bè nhỏ nhất 60 tấn/vụ. Mỗi tháng, anh xuất bán 100 tấn cá nguyên liệu cho các nhà máy chế biến xuất khẩu, tháng cao điểm lên đến 300 tấn. Bí quyết nuôi được sản lượng lớn trong thời điểm “khủng hoảng thừa” của anh là “Giữ chữ Tín trong sản xuất – kinh doanh. Nhiều lúc xí nghiệp thiếu cá nguyên liệu cũng phải bóp bụng vớt cá non cung ứng cho họ để đảm bảo hợp đồng xuất khẩu”. Thời đó, chỉ với cám tấm, cá vụn và hơn chục bè nuôi mà doanh số bán ra của “Hùng cá” đã đạt đến 1 triệu USD/năm.

Bước ngoặt
Công nhân Công ty Hùng Cá thu hoạch cá.


Thời điểm đáng nhớ, đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời anh là giữa năm 2003, khi Đồng Tháp chủ trương phát triển nghề trồng thủy sản ở vùng bãi bồi, Hùng mạnh dạn đầu tư nạo vét 34ha đất cồn thuộc xã Tân Thạnh và Tân Bình (Thanh Bình) để nuôi cá. Ai cũng cho đó là hành động điên rồ, khó trở thành hiện thực. Thế mà chỉ sau 4 tháng, dãy ao nuôi đầu tiên rộng 19ha đã hoàn thành trước sự ngỡ ngàng của nhiều người. Trên dãy ao nuôi dài gần 1,5km, anh chia thành nhiều quầng nuôi, mỗi quầng rộng 60-70m, dài 100-120m, được phân cách bởi tấm lưới thép. Nhờ nguồn nước thông thoáng, kết hợp với thức ăn viên công nghiệp, tấm, cám, cá biển... mà cá ít bệnh, tỷ lệ hao hụt thấp, thịt cá trắng, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, bán được giá cao. Thạc sĩ Dương Nghĩa Quốc, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Đồng Tháp nhận xét: “Chuyển từ nuôi cá bè sang vùng bãi bồi là sự nhạy bén trong tư duy của anh Hùng và tạo ra hướng làm ăn mới cho người dân nơi đây”.

Hiện nay, diện tích nuôi cá da trơn tại vùng bãi bồi của Hùng đã lên đến 60ha. Không dừng lại ở đó, anh còn hợp đồng khai thác hơn 140ha mặt nước vốn bị bỏ trống do lấy đất làm đường. Với 2 vụ nuôi, năm 2007, anh thu được 30.000 tấn cá, chiếm 15% sản lượng cá da trơn của Đồng Tháp.

Để quản lý những trại nuôi với sản lượng lớn, Hùng giao từng người phụ trách mỗi quầng nuôi hoặc ao nuôi, yêu cầu nhân công chăm sóc và báo cáo tình hình phát triển của cá hàng ngày. Lương cao hay thấp tùy thuộc vào kết quả chăm sóc đàn cá. Dạo quanh các trại nuôi xem nhân công đang tất bật, anh nhớ lại: “Lúc khởi công tôi cũng hơi run vì vốn đổ vào quá lớn nhưng tôi tin mình sẽ làm được”.

Vươn ra biển lớn

Nhược điểm lớn nhất của nghề nuôi cá da trơn ở ĐBSCL là tình trạng khủng hoảng thừa hoặc thiếu lặp đi lặp lại nhiều lần. Muốn bán được cá, người nuôi phải tự hạ giá khiến giá rớt liên tục. Bản thân anh cũng không phải là ngoại lệ bởi “cá nuôi đến thời điểm bán mà không ai mua, càng nuôi neo cá càng hao hụt. Nếu bán thì 5-7 tháng sau mới thanh toán hết” - anh ngao ngán nói. Để chủ động trong khâu tiêu thụ, Hùng quyết định thành lập Công ty TNHH Hùng Cá. Tháng 4/2006, anh đầu tư xây dựng nhà máy chế biến công suất 45.000 tấn cá nguyên liệu /năm.

Để không bị lúng túng khi nhà máy đi vào hoạt động, lúc khởi công cũng là lúc anh thuê hẳn 2 nhà máy chế biến thủy sản ở An Giang, kéo quân sang đó vừa học cách chế biến cá xuất khẩu, vừa tìm khách hàng và luyện tay nghề cho công nhân. Anh cho biết: “Đây là bước tập dượt quan trọng và có ý nghĩa lớn cho sự vận hành của nhà máy sau này”. Đến nay, công suất chế biến của nhà máy thủy sản Hùng Cá đạt khoảng 100 tấn/ngày, giải quyết việc làm cho 1.300 lao động. Hiện, các sản phẩm thủy sản chế biến của Công ty đã có mặt ở thị trường Mỹ, các nước châu Âu, châu á.

Không dừng lại ở đó, năm 2008, anh tiếp tục đầu tư xây dựng kho lạnh 10.000 tấn và nhà máy chế biến thức ăn thủy sản công suất 80.000 tấn/năm để chủ động hơn trong khâu chế biến, tạo quy trình khép kín từ ao nuôi đến chế biến và xuất khẩu. Với những bước đi phù hợp, tin chắc rằng, thương hiệu Hùng Cá sẽ vươn xa, góp phần vào việc phát triển nghề nuôi trồng thuỷ sản ở địa phương.

Xem tin gốc tại đây:
http://www.kinhtenongthon.com.vn/Story/dndn/2008/7/12057.html



Báo cáo phân tích thị trường