Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Làm thế nào để hạn chế nhập siêu?
10 | 11 | 2007
Nhằm tiếp tục trao đổi ý kiến về tình hình “nhập siêu” - đang vẫn là vấn đề nổi cộm của nền kinh tế nước ta hiện nay, bài viết này là phần cuối, tiếp nối các bài của tác giả đã đăng trên Báo điện tử ĐCS Việt Nam: “Nhập siêu cao: Có phải là bất lợi?”(10/9/2007); “Nhập siêu cao của nền kinh tế nước ta: Nguyên nhân?” (13/9/2007); và “Về một nguyên nhân nhập siêu cao”( 25/9/2007).
Trong các bài viết trên đây, tác giả đã phân tích, lý giải về thực trạng và những nguyên nhân cơ bản đưa đến tình hình nhập siêu cao của nền kinh tế nước ta hiện nay. Từ yêu cầu phát triển của hoạt động ngoại thương là một trong những động lực thúc đẩy nhanh sự tăng trưởng và phát triển kinh tế nước ta trong bối cảnh mới của hội nhập kinh tế toàn cầu; và dựa vào nghiên cứu tính quy luật chung về “sự tất yếu nhập siêu” đã là tiền lệ đối với nhiều quốc gia, lãnh thổ trong giai đoạn đầu CNH,HĐH đất nước như Việt Nam hiện nay; tác giả đã đề xuất một kiến nghị là: Chúng ta cần phấn đấu tăng mạnh xuất khẩu hơn nữa để có điều kiện tăng mạnh nhập khẩu hợp lý; và mặc dù phấn đấu giảm nhập siêu cao nhưng chúng ta không sợ nhập siêu hợp lý mà chỉ sợ nhập sai và sử dụng không hiệu quả sự nhập siêu hợp lý đó. Việc nhập siêu hợp lý đó cần tuân thủ nguyên tắc là không được vượt quá giới hạn cho phép của chênh lệch cán cân ngoại thương, làm ảnh hưởng xấu cán cân thanh toán quốc tế dẫn đến nguy cơ phá vỡ sự phát triển cân đối, bền vững vĩ mô của nền kinh tế.

Từ tư duy của kiến nghị đó, theo thiển ý của tác giả, để hạn chế nhập siêu, thiết nghĩ chúng ta nên thực hiện một hệ thống đồng bộ các giải pháp cơ bản sau:

1. Cần tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu theo hướng phát triển một nền ngoại thương bền vững.

Về cơ sở lý luận cũng như căn cứ vào yêu cầu phát triển kinh tế nước ta hiện nay, chúng ta cần phải thúc đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động xuất khẩu, dựa vào tăng trưởng xuất khẩu để cân bằng cán cân ngoại thương, góp phần tích cực vào cân bằng cán cân thanh toán quốc tế. Đó chính là giải pháp cơ bản, lâu dài để chủ động hạn chế nhập siêu cao và đó cũng là cốt yếu của việc phát triển một nền ngoại thương bền vững ở nước ta. Ở đây, xin lưu ý về nội hàm của cụm từ “ hạn chế nhập siêu cao” nên có sự thống nhất nhận thức là: không được nhập siêu cao quá giới hạn cho phép của sự phát triển cân đối, bền vững vĩ mô của nền kinh tế như đã đề cập, nhưng chúng ta không sợ nhập siêu hợp lý trong giới hạn cho phép, và cũng xin nhớ rằng với nền kinh tế nước ta hiện nay đang trong giai đoạn đầu của đẩy mạnh CNH,HĐH, hội nhập kinh tế toàn cầu thì việc nhập siêu hợp lý là hợp quy luật, không nên đòi hỏi bắt buộc phải cân bằng được cán cân ngoại thương mới là tốt, vì thực tế đạt được như vậy là rất khó.

Vậy thì, làm thế nào để thúc đẩy mạnh hơn nữa tăng trưởng xuất khẩu theo hướng phát triển một nền ngoại thương bền vững? Đây là một vấn đề lớn đã được bàn thảo nhiều lần trong các hội nghị chuyên đề về xúc tiến xuất khẩu. Phạm vi bài viết này chỉ xin bàn thêm về một trong những giải pháp cơ bản nhất đã trở thành quan điểm, định hướng chiến luợc xuất khẩu Việt Nam từ hơn 20 năm đổi mới vừa qua mà mặc dù chúng ta đã chú ý thực thi ngày càng tốt hơn, song trong thực tế cũng vẫn còn không ít hạn chế, bất cập và do đó đã làm ảnh hưởng đến kết quả xuất khẩu của ta lẽ ra có thể cao hơn nữa. Biện pháp đó là: Đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng đã qua công nghiệp chế biến, chế tạo có lợi thế cạnh tranh lớn để nâng cao hiệu quả xuất khẩu và ngày càng giảm dần tương đối việc xuất các sản phẩm thô hoặc sơ chế. Tuy nhiên đến thời điểm kinh tế nước ta hiện nay ( tháng 10/ 2007), quan điểm riêng của tác giả muốn bổ sung thêm vào giải pháp đó là: Đã đến lúc cần hạn chế tối đa việc xuất các sản phẩm thô hoặc sơ chế.

Thực tế cho thấy, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ta cho đến nay mặc dù vẫn có lợi thế cạnh tranh như dầu thô, than đá, dệt may, giày dép, hàng điện tử - linh kiện máy tính, thuỷ sản, sản phẩm gỗ, gạo, cà phê, cao su, thủ công mỹ nghệ...; và những mặt hàng đó nhiều năm qua đã góp phần to lớn mang lại KNXK cho nước ta nhưng rõ ràng là cũng đã đến lúc phải xem xét lại một số mặt hàng chỉ xuất thô chưa qua chế biến hoặc mới chỉ là sơ chế đã xuất khẩu, ví dụ như: dầu thô, than đá, cao su... liệu có nên tiếp tục xuất ở tình trạng nguyên liệu thô như vậy? Trong một công trình nghiên cứu đã công bố năm 1997 (Trần Anh Phương: Quan hệ giữa ngoại thương với tăng trưởng và phát triển nền kinh tế mở, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997), khi đó tác giả đã có đề xuất kiến nghị là trong giai đoạn đầu của phát triển nền ngoại thương mở, do trình độ phát triển chung của nền kinh tế nước ta còn thấp, nên bắt buộc ta phải tăng mạnh việc xuất khẩu các sản phẩm thô đó để tạo nguồn thu ngoại tệ cần thiết cho CNH,HĐH đất nước cho dù vẫn biết rằng xuất thô như vậy là phải chấp nhận chịu thua thiệt về giá cả đã rất rẻ so với việc cũng từ các sản phẩm đó nhưng đã qua chế biến tinh hoặc chí ít phải là sơ chế. Vì thế việc xuất thô như thế chỉ nên kéo dài trong một thời gian nhất định trước năm 2005, còn từ sau năm 2005, nên hạn chế dần bằng cách phát triển mạnh ngành công nghiệp chế biến để thay thế dần việc xuất các sản phẩm thô bằng các sản phẩm đã qua chế biến, tránh dần tình trạng nhiều năm qua đã phải xuất quá nhiều sản phẩm nguyên liệu thô giá rẻ để nhập các sản phẩm khác đã qua chế biến của nước ngoài với gía cao, thậm chí rất cao, đó là sự phát triển không bền vững, gây lãng phí lớn các nguồn tài nguyên thiên nhiên, dẫn đến phá huỷ môi trường sinh thái do đã phải khai thác cạn kiệt dần các sản vật tự nhiên đó. Có thể đưa ra ví dụ dễ thấy, hàng năm ta đã phải xuất khá nhiều dầu thô với giá rẻ trong khi đó lại phải nhập một khối lượng không nhỏ xăng, dầu đã qua chế biến với giá đắt hơn nhiều. Tương tự như vậy với than đá, gỗ, gạo, thuỷ sản... nếu như những mặt hàng này chỉ được xuất sau khi đã trỏ thành các sản phẩm tinh chế có hàm lượng chất xám cao, chắc chắn ta sẽ thu được KNXK nhiều hơn gấp bội như hiện nay chủ yếu là thu từ xuất thô. Tình trạng “thua thiệt” này đã xảy ra từ nhiều năm qua và là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến nhập siêu của nước ta. Minh chứng gần đây nhất là so sánh giữa tháng 9 với tháng 8 ta thấy, mặc dù về giá trị tuyệt đối KNXK đạt được của 9 tháng đầu năm vẫn rất khả quan, khoảng 35,2 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2006, song tính riêng động thái tháng 9 vừa qua thì KNXK lại giảm 4,6% so với tháng 8/2007. Có nhiều lý do biện minh cho tình hình này, song phải thấy có một nguyên nhân chủ yếu như đã đề cập là mặc dù KNXK vẫn tăng nhưng đa phần vẫn là những mặt hàng có giá trị xuất khẩu thấp vì chủ yếu là sản phẩm thô hoặc mới sơ chế; hoặc là những mặt hàng tuy có hàm lượng gia công cao như giầy dép, dệt may đã góp phần tăng mạnh KNXK nhưng đồng thời cũng lại làm tăng thêm lượng hàng nhập khẩu phụ trợ cho việc sản xuất chính các mặt hàng đó là nguyên liệu, vật tư kỹ thuật, công nghệ... gây tốn kém KNNK nhiều hơn. Chính vì thế đã nâng nhập siêu 9 tháng đầu năm lên đến mức 7,6 tỷ USD, bằng 21,7 % KNXK. Rõ ràng là càng đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá gia công kiểu đó chắc chắn càng làm gia tăng nhập siêu. Nếu không có giải pháp hữu hiệu để giảm xuất khẩu sản phẩm thô, sơ chế và giảm hợp lý việc nhập phụ trợ các nguyên liệu, vật tư kỹ thuật công nghệ cao để phát triển sản xuất hàng gia công thì nhập siêu càng cao hơn là đương nhiên và là đáng lo ngại.

Từ đó cho thấy, cần tăng cường hơn nữa việc chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng có giá trị gia tăng cao; tăng sản phẩm chế biến, chế tạo, sản phẩm có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, giảm dần đến mức tối đa tỷ trọng hàng xuất khẩu thô và sơ chế. Theo đó, là đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng thuỷ sản, dệt may, giầy dép, điện tử và linh kiện máy tính, sản phẩm gỗ, sản phẩm nhựa, hàng thủ công mỹ nghệ, dây điện và cáp điện, xe đạp và phụ tùng xe đạp; đồng thời với việc nâng cao giá trị gia tăng xuất khẩu các mặt hàng thuỷ sản, gạo, cà phê, rau quả, cao su, hạt tiêu, nhân điều, chè các loại, sắn các loại. Cần lưu ý rằng, đây là nhóm các loại hàng do phụ thuộc vào các điều kiện tự nhiên về địa lý, khí hậu, thời tiết, sinh học của các loại giống cây trồng và vật nuôi... nên khả năng tăng về số lượng hơn nữa là rất khó. Vì thế tăng KNXK của nhóm hàng này bằng cách thông qua nâng cao giá trị sản phẩm xuất khẩu là một hưóng phát triển quan trọng và khả thi. Đặc biệt, cần có nhận thức sâu sắc là đã đến lúc phải chú trọng hơn nhiều việc đầu tư sản xuất và tăng xuất khẩu các nhóm hàng chế biến, chế tạo sản phẩm có hàm lượng công nghệ và chất xám cao như: sản phẩm công nghệ đóng tầu, máy biến thế và động cơ điện, điện tử và linh kiện máy tính, thiết bị và máy văn phòng...

Xét thực chất của tăng trưởng xuất khẩu theo hướng trên đây cũng chính là đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển công nghiệp hoá hướng về xuất khẩu - một chiến lược phát triển kinh tế tối ưu đã được các “con rồng Đông Á” trước đây như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan và nay là Trung Quốc đã và đang còn tích cực thực hiện mà Việt Nam rất cần tham khảo kinh nghiệm để vận dụng cho năng động, phù hợp. Đương nhiên, để được như vậy, cần thực hiện đồng bộ ngay việc nghiên cứu các cơ chế đặc biệt thu hút mạnh hơn nữa đầu tư nước ngoài vào những ngành công nghiệp hạ tầng (giao thông, cơ khí, luyện kim, hoá chất); công nghiệp mũi nhọn (hoá dược, điện tử-tin học-viễn thông, vật liệu mới) đặc biệt là các ngành công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu (sơ chế, chế biến, chế tạo; trong đó chú trọng nhiều về chế biến và chế tạo để nâng cao hàm lượng chất xám các sản phẩm, tạo nguồn thu lớn hơn nhiều về KNXK so với việc xuất khẩu các sản phẩm chỉ mới qua sơ chế.).

2. Phát triển mạnh các ngành công nghiệp phụ trợ thay thế hàng nhập khẩu để phục vụ trực tiếp cho chiến lược công nghiệp hoá hướng về xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh cao

Từ thực tiễn phát triển kinh tế ngoại thương nước ta từ đầu năm 2007 đến nay đã cho thấy, muốn hạn chế nhập siêu chỉ có cách tích cực nhất là thúc đẩy mạnh phát triển xuất khẩu theo định hướng cơ bản như đã đề cập ở phần trên. Tuy nhiên, cũng từ thực tế hoạt động ngoại thương nước ta đã cho thấy việc đẩy mạnh sản xuất các loại nguyên liệu, vật tư, các mặt hàng phụ trợ cho việc sản xuất các mặt hàng gia công xuất khẩu như đã nêu trên để thay thế dần cho việc phải nhập khẩu các mặt hàng đó từ bên ngoài chắc chắn cũng là một biện pháp quan trọng để hạn chế nhập siêu. Liên quan đến vấn đề này, gần đây Bộ Công thương Việt Nam cũng đã khẳng định, căn cứ vào tình hình nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu của nước ta thời gian qua, đồng thời dựa vào dự báo nhu cầu tới và khả năng sản xuất trong nước, các nhóm mặt hàng sản xuất trong nước thay thế hàng nhập khẩu giai đoạn 2006-2010 sẽ là: Dầu khí và các sản phẩm hoá dầu; sản phẩm thép; sản phẩm cơ khí chế tạo và các sản phẩm phụ trợ.

Phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ là một trong những chính sách ưu tiên của công nghiệp nước ta đang được Chính phủ rất quan tâm. Hiện tại, tất cả các loại hình đầu tư và hợp tác phát triển sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực này đều được Nhà nước ta khuyến khích. Mục tiêu cao nhất của phát triển công nghiệp phụ trợ là nhằm sản xuất các mặt hàng thiết yếu mà ta có thể sản xuất được, tạo thế chủ động cho sản xuất hàng hoá tiêu dùng trong nước (bao gồm cả tiêu dùng sinh hoạt và tiêu dùng sản xuất) và cho xuất khẩu của Việt Nam, không để xảy ra tình trạng bị động do phụ thuộc phải nhập từ nước ngoài, và điều quan trọng đặc biệt trong thực tiễn hiện nay là nhằm chủ động giảm nhập siêu một cách tích cực, hiệu quả nhất.

Vẫn theo thông tin từ Bộ Công thương, cả nước ta hiện có 24 ngành kinh tế kỹ thuật, cùng với một số ngành hàng liên quan khác, tổng số lên đến khoảng 30 ngành và ngành nào cũng cần phải có công nghiệp phụ trợ. Trong điều kiện nước ta hiện nay không thể đầu tư phát triển tràn lan, do đó cần lựa chọn những ngành, ngành hàng trọng điểm để chú trọng đầu tư, trong đó thiết nghĩ trước hết nên lưu ý tới một số lĩnh vực để ưu tiên phát triển công nghiệp phụ trợ như cơ khí, dệt may, da giầy, điện tử - tin học, ô tô và đồ gỗ xuất khẩu. Vì thực tế đã cho thấy, đây là những ngành, ngành hàng đang có lợi thế cạnh tranh cao, hợp với khả năng của ta về các nguồn lực cần thiết cho đầu tư phát triển, mặt khác lại là những ngành, hàng có thể thu hút mạnh đầu tư từ nước ngoài về các khâu hạ tầng cơ sở kỹ thuật và quy trình công nghệ.

3. Nghiên cứu để xây dựng kịp thời các biện pháp rào cản kỹ thuật để bảo hộ sản phẩm trong nước phù hợp với thông lệ quốc tế và đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.

Ta đã hội nhập WTO và nhiều tổ chức kinh tế khu vực, vì thế không thể thi hành các chính sách, biện pháp hành chính “bế quan toả cảng” hoặc cũng không thể tuỳ tiện áp đặt thuế quan để ngăn chặn hàng hoá nhập khẩu từ nước ngoài. Vì thế, chỉ có thể dùng các biện pháp rào cản kỹ thuật phù hợp với thông lệ quốc tế để áp dụng đối với các ngành, hàng công nghiệp nhằm bảo vệ sản phẩm trong nước khỏi sự cạnh tranh không công bằng của các sản phẩm nhập ngoại, nhưng nhất thiết phải phù hợp với các quy định của WTO và các hiệp định quốc tế và khu vực mà Việt Nam đã ký kết. Sớm hoàn thiện hoặc ban hành mới các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hàng hoá nhập khẩu, trước mắt là với các mặt hàng có KNNK lớn, có ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, tiêu dùng, sức khoẻ cộng đồng và bảo vệ môi trường, phù hợp với tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế để làm căn cứ cho việc ký kết hợp đồng nhập khẩu của các doanh nghiệp và kiểm tra của cơ quan hải quan cũng được xem là giải pháp quan trọng để giảm thiểu nhập siêu, đặc biệt là đối với những mặt hàn không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật đã được công bố.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các chương trình xúc tiến thương mại không chỉ ở thị trường trong nước mà cả các thị trường nước ngoài, nhằm mục đích quảng bá, cạnh tranh lành mạnh các thương hiệu hàng Việt. Đối với trong nước thì là khuyến cáo “người Việt dùng hàng Việt” để tiết kiệm tiêu dùng trong nước một cách hợp lý và đó cũng là giải pháp tốt để hạn chế nhập siêu; với nước ngoài thì là mở rộng tiếp thị để chiếm lĩnh thị trường, thu hút bạn hàng để tăng thêm KNXK hàng Việt.

4. Chủ động điều tiết hợp lý tỷ giá hối đoái và tích cực ngăn chặn lạm phát.

Trong hoạt động ngoại thương, tỷ giá hối đoái là một công cụ kinh tế vĩ mô rất quan trọng và cần thiết, có tính hai mặt: tác động tích cực hoặc làm hạn chế đến công tác xuất nhập khẩu. Nếu phá giá đồng bản tệ sẽ khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu nhưng lại làm ảnh hưởng đến khả năng thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài (đồng tiền càng mất giá, vốn nước ngoài sẽ vào càng ít). Do đó, phải điều tiết sự thay đổi tỷ giá hợp lý sao cho vừa thu hút được vốn đầu tư nước ngoài, vừa khuyến khích được các doanh nghiệp trong nước và các liên doanh với nước ngoài tích cực đầu tư phát triển xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn kiểm soát được lạm phát ở mức hợp lý.

Đồng thời, cần quan tâm hơn tới việc thực hiện đồng bộ các các biện pháp hỗ trợ xuất khẩu như nâng cao hiệu quả đầu tư sản xuất để xuất khẩu, nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu, đáp ứng tối đa nhu cầu hợp lý về nhập khẩu của bạn hàng để xuất khẩu có thể tăng lên khi tăng khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu thông qua tăng tỷ giá.

Do đồng tiền VND của ta chưa phải là tiền tệ có khả năng chuyển đổi, thanh toán quốc tế nên hiệu ứng từ việc phá giá trên thị trường thế giới đến xuất khẩu của ta thường không lớn nhưng tạo ra áp lực gây lạm phát trong nước thì vẫn là khả năng dễ xảy ra rõ hơn, vì thế cần cân nhắc giữ ở mức hợp lý việc điều hành tỷ giá tuỳ theo từng thời điểm, bối cảnh cụ thể để tránh áp lực lạm phát qua lớn gây ảnh hưởng đến tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Thực tế thời gian qua đã cho thấy, về cơ bản công tác điều hành tỷ giá hối đoái của Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, vì tỷ giá hối đoái như đã biết tuy là một công cụ kinh tế của mỗi quốc gia nhưng lại rất nhạy cảm trước những biến động khó lường của nền kinh tế thế giới, vì thế chúng ta vẫn cần hết sức lưu ý, vừa thận trọng vừa linh hoạt điều chỉnh cho phù hợp trong các hoạt động kinh tế đối ngoại nói chung, đặc biệt trong ngoại thương nói riêng.

5. Thực hiện tiết kiệm, chống tham nhũng và lãng phí trong sử dụng các vật tư, tài nguyên trong nước và các vật tư, công nghệ nhập khẩu; chỉ nhập khẩu hợp lý, kiên quyết không nhập khẩu sai.

Đây là một trong những chủ trương, giải pháp lớn của Đảng và Nhà nước đã luôn được mọi tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng. Cho đến nay, đã có nhiều Nghị quyết và các văn bản của Đảng, Nhà nước ban hành về vấn đề này, trực tiếp chỉ đạo các Bộ, ngành, các tổ chức xã hội, địa phương có các biện pháp cụ thể để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm minh các vụ việc, tổ chức, cá nhân vi phạm. Một trong những nội dung lớn của Nghị quyết Hội nghị TW 5 (khoá X) của Đảng đã ban hành gần đây là đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính ở nước ta, trong đó có lưu ý đặc biệt đến vấn đề trên, coi đó là “quốc sách”, đồng thời cũng sẽ trở thành “quốc nạn” nếu như ta không thực hiện tốt.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy tình trạng vi phạm các nguyên tắc quản lý tài chính, ngân sách, làm thất thoát tài sản nhà nước vẫn còn, nhất là trong một số lĩnh vực như đầu tư cơ bản, mua sắm, sử dụng ngân sách nhà nước, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp. Nhiều loại hàng hoá thiết bị vật tư nhập khẩu không được sử dụng đúng mục đích, không hiệu quả, thậm chí lãng phí, vô dụng. Thêm vào đó, tình trạng nhập khẩu hàng tiêu dùng của ta đối với không ít loại sản phẩm vẫn còn sự bất hợp lý ở cả hai khía cạnh: hàng nhập ngoại cao cấp xa xỉ phẩm chưa phù hợp với thực lực kinh tế nước ta, có chăng chỉ đáp ứng số ít người giầu có; và nhiều hàng nhập ngoại phải tốn ngoại tệ, trong khi đó trong nước vẫn sản xuất được...

Một trở lực khác cũng dẫn đến tình trạng gia tăng nhập siêu, đó là sử dụng các vật tư, tài nguyên trong nước cho sản xuất còn lãng phí, thất thoát nhiều, dẫn đến phải nhập khẩu thêm, gây tốn kém ngoại tệ. Đó là chưa kể đến tình trạng ta vẫn xuất quá nhiều nguyên lỉệu thô, sản phẩm sơ chế ( chiếm trên 50-60% KNXK hiện nay), kể cả có loại đang cần cho sản xuất trong nước nhưng ta vẫn xuất với giá rẻ để rồi lại nhập sản phẩm thành phẩm cùng loại với giá cao... Ngoài ra, là tình trạng chưa tận dụng hết tiềm năng đất đai, khí hậu để trồng các loại cây, nuôi các loại con để cung cấp nguyên liệu thô cho các cơ sở công nghiệp sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu...

Tất cả những khiếm khuyết trên vừa qua đã được đánh giá nghiêm túc trong Báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày tại kỳ họp kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá XII (Xem: Nhân dân, 23/10/2007). Chính những khiếm khuyết đó đã là một trong những nguyên nhân không chỉ làm gia tăng nhập siêu mà nguy hại hơn về lâu dài còn làm cạn kiệt dần các nguồn tài nguyên thiên nhiên, phá huỷ môi trường sinh thái của nước ta. Đó là một sự phát triển rất không bền vững mà ta cần nhận thức sâu sắc để có các giải pháp khắc phục kịp thời.

Trần Anh Phương
Tiến sĩ Kinh tế chính trị học



Theo cpv.org.vn
Báo cáo phân tích thị trường