Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chuyện của “những người thủ đô” chân lấm tay bùn
24 | 08 | 2008
"Không phải cứ “hớn hở” đi là lên thành người thủ đô. Báo chí bày tỏ sự quan ngại về việc người ta bỗng chốc trở thành người thủ đô với toàn bộ sự lạ lẫm ban đầu. Đừng chối bỏ việc đó. Tôi cho rằng người nông dân cần phải được bảo vệ về quyền lợi và về văn hóa..."
Phóng viên (PV): Một buổi sáng khi tỉnh dậy, có thể mảnh ruộng mà anh nông dân từng cày xới bỗng chốc hoá thành sân gôn. Mất đất nghĩa là mất việc, nhưng anh ta lại sở hữu hàng trăm triệu đồng trong tay. Một số tiền trong mơ! Rồi anh ta sẽ bắt đầu bằng việc mua những thứ mình ao ước.Ừ nào là xe máy, nhà tầng, ti vi, tủ lạnh…

Nhưng suy xét kỹ càng, những người nông dân đang cầm tiền triệu, tiền tỷ đó chẳng mấy chốc sẽ tay trắng. Biết bao bài học tan vỡ gia đình từ chuyện bán đất bán ruộng...

Giờ đây những người nông dân Hà Tây (và một số vùng phụ cận khác sát nhập vào Hà Nội) còn có nguy cơ bị “sốc vị thế”. Họ có thực sự chuẩn bị tâm thế để trở thành người thủ đô?


TS. Nguyễn Thị Minh Thái
- Ảnh: baodaidoanket.net

Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái (NTMT):
Nếu người Hà Nội vẫn mang căn tính nông dân thì chính những người nông dân đích thực - chỗ tưởng như không thay đổi sẽ còn bị chấn động thế nào? Người nông dân giờ đâu có yên ổn. Hôm nọ tôi rất kinh hoàng khi thấy đất của họ bị chia năm xẻ bảy. Ví dụ như tất cả mảnh ruộng của bạn có 5 mảnh ở 5 chỗ khác nhau, bây giờ làm thế nào để lấy những mảnh của hàng xóm bên cạnh để chụm thành một thửa ruộng duy nhất (cho sau này dễ quy hoạch). Vậy là chắc chắn những tranh chấp đất đai giữa người dân và chính quyền địa phương, cũng như hàng xóm láng giềng sẽ nổ ra vô cùng phức tạp và gay gắt. Bạn đã thấy chấn động chưa?

Mà nước mình chỉ có một nghề duy nhất là làm ruộng, vậy người ta làm sao quen được với đô thị?

Nhưng nông dân hiện nay không chỉ làm ruộng. Trong một gia đình có nhiều người lên Thủ đô bán hàng rong, lái xe ba gác, ôshin. Một gia đình nông dân không đơn thuần như ngày xưa, mà đã bị “rách nát” và tan đàn xẻ nghé.

Xã hội Việt Nam truyền thống được dựng lên như sau: bên trái là nông thôn, bên tay phải là đô thị. Tay trái là âm, tay phải là dương. Bức tranh chung của xã hội Việt Nam là âm mạnh hơn dương, có nghĩa nông nghiệp chiếm tỷ lệ áp đảo so với đô thị. Đặc trưng của âm mạnh hơn dương là sản xuất nhỏ, manh mún và tiểu nông. Trong cái nông thôn đó chia làm hai thành phần: làng thuần nông và làng công thương, cũng là âm mạnh hơn dương. Trong bức tranh đó, thì màu sắc toàn thể của nó là tĩnh tại. Nó tạo thành mã di truyền của người Việt Nam là: TÍNH CÁCH NÔNG DÂN.

Mặt yếu của nó khi đối đầu với đô thị hóa thì bị bật. Tại vì căn tính nông dân chỉ êm đềm trong khung cảnh làng quê truyền thống thôi, cùng lắm là làng nghề thủ công. Đô thị chỉ là nơi quản lý hành chính, chứ thị không phát triển như phương Tây. Do vậy đi lên kinh tế thị trường, như cụ Đào Duy Anh từng nói là “Bi kịch”. Đơn giản thôi, vì nông nghiệp âm, công nghiệp dương.

Hiện giờ chúng ta đang phát triển ngược với căn tính đó. Những tiêu chí: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ là hoàn toàn của phương Tây. Chỉ cần nhìn như vậy cũng thấy rằng bản thân Hà Nội đã là cái làng, huống gì những mảnh đất ghép vào nó?

Dù sao, tôi vẫn rất mừng bởi nền kinh tế thị trường đem lại cách sản xuất nông nghiệp khác ngày xưa. Bạn đừng tưởng bạn là dân thành thị. Mà trong con người bạn đang chảy dào dạt dòng máu nông dân đấy!

PV: Trước khi sáp nhập vào Hà Nội, Xứ Đoài cũng đã có nhiều biến động bởi làn sóng đô thị hoá. Nhiều vẻ đẹp truyền thống bị mai một, nhiều làng nghề bị mất đi, nhiều dòng sông không còn thanh bình và yên ả… Nhưng đó là quy luật tất yếu của quá trình đô thị hoá. Hà Nội cũng không thể mãi “bé nhỏ xinh xinh” như bao người hoài cổ muốn níu giữ. Mở rộng Hà Nội là việc làm vô cùng cần thiết, cho dù nó sẽ gây ra nhiều sang chấn cho người “đất cũ” và cả người “đất mới”.

NTMT:
Hãy đặt vấn đề trong một trục tung – trục lịch sử. Lịch sử Xứ Đoài cũng nằm trong lịch sử phát triển của vùng Châu thổ Bắc Bộ. Đô thị hóa phải theo quá trình thế này: Nội thành bao giờ cũng có ngoại vi của nó. Đến lượt ngoại vi trở thành nội thành, và xung quanh nó là một ngoại vi mới.

Đô thị hóa phải là một sự tiệm tiến dần dần. Tôi cho là đã, đang và sẽ sốc về văn hóa. Những phong tục riêng đang bị biến động dữ dội bởi làn sóng đô thị hóa. Mà thực sự bị đô thị hóa rồi, rất dữ dội chứ không phải từ từ.

Dù tôi có ủng hộ việc mở rộng Hà Nội đến mức nào thì những mảnh đất áp vào Hà Nội sẽ còn sốc nhiều về văn hóa. Vì không phải một lúc sau một buổi sáng người ta có thể thay đổi tập quán vì nó đang vốn lẽ là nông thôn.

Mà bản thân Hà Nội cũng chưa trưởng thành như một đô thị ở phương Tây. Hà Nội vẫn là một cái làng to và khách du lịch chẳng biết đi chơi đâu sau 12 giờ đêm. Những mảnh đất kéo theo nó để thành đô thị là đương nhiên rồi. Nhưng việc phai bạc những phong tục truyền thống, những làng quê thanh bình đương nhiên phải bị sốc.

Vấn đề ở chỗ: Khi bỏ qua việc từ từ (đô thị hóa chứ không phải đô thị ngay) thì phải có những liệu pháp chữa trị cái sốc văn hóa đó. Không phải cứ “hớn hở” đi là lên thành người thủ đô. Báo chí bày tỏ sự quan ngại về việc người ta bỗng chốc trở thành người thủ đô với toàn bộ sự lạ lẫm ban đầu. Đừng chối bỏ việc đó. Tôi cho rằng người nông dân cần phải được bảo vệ về quyền lợi và cú sốc về văn hóa. Đó là vấn đề trực tiếp, “ngay thẳng cổ” của người nông dân. Tôi còn sốc nữa là họ.

PV: Chúng ta có thể so sánh thủ đô Hà Nội mới với các kinh nghiệm mở rộng của các thủ đô ở Châu Á.

NTMT: Bạn nên nhớ nếu dùng văn hoá ở nghĩa chỉ sự vật về tinh thần, và kinh tế để chỉ sự vật về vật chất thì toàn bộ những nước gốc nông như Việt Nam và một số nước Đông Nam Á khác, kinh tế phát triển quá nhanh so với văn hoá. Văn hoá bị thất thoát, sụp đổ rất nhiều trong sự phát triển kinh tế. Do vậy một số nước chủ trương kìm hãm phát triển kinh tế để điều hoà, điều tiết.

Chúng ta cũng không thoát khỏi vết xe đổ đó: phát triển kinh tế quá nhanh và ngoài ý muốn. Nếu không nhận ra thì điểm nhấn bi kịch của chúng ta đang sậm hơn đấy. Thậm chí như cố giáo sư Trần Quốc Vượng từng nói: chúng ta đang “giải thể” những ảnh hưởng của nông nghiệp cũ lên xã hội hiện đại, lại đan xen sự ra vào ở một số tổ chức rất lớn như ASEAN, WTO, thậm chí có cả bi kịch của sự “trốc gốc”. Văn hoá Xứ Đoài trong cuộc sáp nhập về thủ đô đã mất chính bản thân nó rất nhiều. Khi đụng đến quy hoạch đất đai, hộ khẩu và sống như một người đô thị, người ta sẽ tiêu diệt tính êm đềm vốn có của làng quê. Sẽ không phải “làng văn hoá” nữa mà là “khu phố văn hoá”.


Những mảnh ruộng mà anh nông dân từng cày xới, sinh sống bỗng chốc biến thành sân gôn, khu công nghiệp... - Ảnh: vietnammelody.com



PV:
Nhiều nhà nghiên cứu về làng xã Việt Nam đã đưa ra một đúc kết: Làng Việt Nam đa nguyên và chặt. Yếu tố “chặt” đã bền vững suốt hàng ngàn năm nay, giờ đây chắc chắn sẽ bị nới lỏng bởi sự thay đổi về mặt vị thế cũng như những tác động kinh tế - xã hội mở khi trở thành thủ đô. Vậy những ngôi làng của Xứ Đoài “lỏng” như thế nào?

NTMT: Làng xã Việt Nam có hai đặc tính về phương diện tổ chức: thứ nhất tính cộng đồng (tất cả làng ai cũng biết nhau, sinh hoạt chung, dòng họ…). Tính cộng đồng cao đến mức chỉ cộng đồng nhóm, chỉ biết tới làng mình. Dấu trừ (hay mặt âm) của tính cộng đồng là tính tự trị. Nghĩa là sau luỹ tre làng là một nước. Cụ Đào Duy Anh nói rất giản dị: Nước Việt Nam chẳng qua là hình ảnh phóng to của một cái làng. Vì cả nước Việt Nam là một siêu làng to nên nó cũng chỉ có hai loại: làng nông nghiệp thuần nông và làng thủ công nghiệp (một nhánh của nông thôn). Đô thị chỉ về sau mới có. Đương nhiên đã đô thị hoá thì phải đô thị hoá cả làng nghề và làng thuần nông. Làng nghề sẽ dễ đô thị hoá hơn.

Làng quê Việt Nam không chỉ có chữ chặt. Thực ra trong cái chặt có cái lỏng. Cái chặt là làng của tôi là vương quốc riêng của tôi. Vương quốc ấy ở Việt Nam từ thời xa xưa đôi khi chỉ một dòng họ, như có cả làng họ là Đào Xá, Hoàng Xá. Một gia tộc có thể ở một làng. Hiện giờ làng khép kín thể hiện tính tự trị. Khi nhu cầu được thoả mãn thì họ chẳng muốn ra khỏi làng. Nên bi kịch lớn nhất của người Việt Nam truyền thống là bi kịch bị đuổi khỏi làng. Vì thế cái làng ấy nếu vào công nghiệp hoá, về phương diện triết học là bị giải thể, tan nát.

Bởi vậy khi xâm lược nước ta, thực dân Pháp cũng đã phải than trời: Ở Việt Nam việc đánh phá kinh khủng nhất của chúng tôi là xâm chiếm một cái làng! Nó thực sự là một pháo đài xanh, tre ken dầy xung quanh. Đọc Mẫu Thượng Ngàn của Nguyễn Xuân Khánh sẽ thấy làng và tín ngưỡng làng ghê gớm thế nào.

PV: Thủ đô New Delhi của Ấn Độ là một thủ đô giàu có với ngành công nghệ thông tin phát triển bậc nhất thế giới, nhưng vẫn rất quê và hoang dã. Có những con đường mà trâu, bò túc tắc di chuyển từng bước ngay trong tình trạng ùn tắc giao thông, phóng uế, chạy rông khắp sảnh các khách sạn sang trọng mà không ai dám xua đuổi (vì người Ấn coi bò là con vật linh thiêng). Nó vừa là nét hoang dã, vừa là điều kinh sợ nhưng cũng vừa là điều thích thú đối với du khách. Trở lại câu chuyện của Việt Nam, Hà Nội mở rộng sẽ còn đậm đặc chất quê hơn nữa. Một thủ đô như vậy sẽ phải thích ứng ra sao với mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá?

NTMT: Văn hoá nông nghiệp phải hoà lẫn và thay đổi mục tiêu khi thành thị hoá, theo tôi nên thế này: những cái gì là bản chất thì nên gìn giữ. Giữ một cách tử tế. Thí dụ, ứng xử văn hoá. Người Hà Nội thường coi khách đến nhà là một niềm vui, rất thịnh tình, hiếu khách. Tôi nghĩ nên mở rộng nụ cười và học cách tổ chức của người Đức khi tổ chức World Cup năm 2006. Hoá ra đó không phải dân tộc lạnh lùng và lí trí, mà họ rất hiếu khách. Nước Đức trở nên thân thiện với tôi ghê gớm. Riêng tôi, tôi có một tình cảm khác hẳn về ứng xử văn hoá chỉ qua một kỳ World Cup.

PV: Nhưng những vùng thôn quê giờ đây đâu đơn thuần bị ảnh hưởng bởi đô thị mà còn là nhiều luồng văn hoá khác đến từ ti vi, internet của luồng gió phương Tây…

NTMT: Đương nhiên. Không chỉ vùng ven Hà Nội mà điển hình là những vùng du lịch như ở Sapa. Dễ dàng thấy cảnh trẻ con Mông, Dao ngồi vắt vẻo trên đùi một lão tây. “Khoai vạc” thế này thì chết. Nhưng đây là hớn hở và tự nguyện, vì được có tiền. Theo tôi, mình không bao giờ nghĩ rằng đợi nước ngoài xâm nhập vào mình mới tìm cách đối phó. Mà nên tự ý thức bản thân. Tôi chỉ xin một sự chủ động về tích hợp văn hoá và giải pháp chiến lược. Mình phải tính được cái gì khi sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội.

PV: Xin cảm ơn bà!

Xuân Anh (Vietimes) thực hiện



Nguồn: vietimes.vietnamnet.vn
Báo cáo phân tích thị trường