Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Liên kết, lối ra cho Hợp tác xã sản xuất chè sạch Tân Hương
03 | 11 | 2007
Những vấn đề xung quanh việc chế biến, sản xuất và xuất khẩu chè đã được đề cập rất nhiều trong thời gian qua. Nhiều địa phương, đơn vị đã kịp thời nắm bắt được hướng đi tất yếu là sản xuất an toàn và xây dựng chiến lược phát triển bền vững cho cây chè, trong đó có Hợp tác xã sản xuất chè sạch Tân Hương (TP. Thái Nguyên - Thái Nguyên). Tuy nhiên, để Tân Hương trở thành thương hiệu được nhiều người biết đến vẫn còn nhiều vấn đề nan giải.

Tất cả đều trông vào... dự án!

Năm 2002, Thái Nguyên có 7 hợp tác xã (HTX) chuyên sản xuất và chế biến chè búp khô, trong đó có HTX chè sạch Tân Hương. Việc đăng ký nhãn hiệu, mã vạch đã được Ban quản lý HTX triển khai từ khi bắt đầu thành lập (năm 2002). Đây là ý tưởng của 42 xã viên xã Phúc Xuân dưới sự giúp đỡ, tư vấn của Dự án IPM trên chè do Canada tài trợ. Trong 2 năm, Dự án đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn kỹ thuật sản xuất chè an toàn; kỹ thuật đốn tỉa bằng máy; phương pháp chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo quản chè thành phẩm.

Năm 2004, Dự án kết thúc, bà con phải tự đi bằng đôi chân của mình. Sau một thời gian tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường thất bại, chè Tân Hương ngày càng vắng bóng. 6 HTX còn lại cũng lâm vào cảnh tương tự, chè búp khô chất đống trong kho. Bà Đỗ Thị Hiệp, Chủ nhiệm HTX chè sạch Tân Hương cho biết: “Mặc dù đã được giúp đỡ, hướng dẫn nhưng do tâm lý ỷ lại vào dự án, tư duy sản xuất tự cung tự cấp nên việc sản xuất chè của bà con vẫn dậm chân tại chỗ. Tất cả từ khâu chăm sóc, thu hái, chế biến đến bảo quản vẫn làm thủ công là chính, không có cơ quan đứng ra hỗ trợ, kiểm tra, đánh giá sản phẩm. Ngay cả khâu thiết kế bao bì, mẫu mã cũng rất đơn điệu. Cuối cùng, chè bị ép giá, chỉ tiêu thụ được ở địa bàn trong tỉnh và vài vùng lân cận. Dù cố gắng nhưng HTX chúng tôi cũng chỉ có thể đứng ra thu mua và giúp xã viên tiêu thụ. Còn việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm để xây dựng Tân Hương thành thương hiệu là ước mơ ngoài tầm của chúng tôi”.

Khó khăn từ việc tìm tên...

Bà Hiệp than thở: “Việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chè luôn là vấn đề được xã viên trăn trở, nhưng Tân Hương chỉ là cái tên để gọi cho tiện. Chúng tôi không thể xây dựng thương hiệu chè Tân Hương vì trùng tên với một HTX trong Lâm Đồng. Việc tìm một tên khác để làm thương hiệu cũng không đơn giản do chúng tôi đa phần là nông dân, quanh năm chân lấm tay bùn, nào có biết gì về thương hiệu, mẫu mã. Hiện khó khăn lớn nhất của HTX chè sạch Tân Hương là chưa có hạ tầng, máy móc, nhà xưởng chế biến. Trụ sở HTX chỉ là ngôi nhà cấp 4 với 2 gian nhỏ hẹp. Trong khi đó, nguồn nguyên liệu chè ở đây khá dồi dào, bình quân 7 - 8 sào /hộ (1 sào Bắc Bộ = 360m2). Riêng năm 2006, sản lượng chè búp khô của HTX đạt 40 tấn, thu bình quân 450 - 500 triệu đồng/năm.

Có ý kiến cho rằng, để các HTX sản xuất và chế biến chè đi vào hoạt động ổn định thì bà con xã viên cần liên kết với nhau. Nếu bỏ ra tiền tỷ để làm thương hiệu, xây dựng cơ sở vật chất, xưởng chế biến... thì quả là rất khó đối với nông dân. Nhưng nếu có người đứng ra làm trung tâm, vận động bà con liên kết, đóng góp 5 - 10 triệu đồng /hộ và thành lập HTX dịch vụ hoạt động như công ty cổ phần, chắc chắn không khó. Đây là hướng đi tất yếu của các cơ sở sản xuất, HTX muốn đứng vững trong thời buổi cạnh tranh gay gắt, trong đó có HTX sản xuất chè sạch Tân Hương.



Nguồn: kinhtenongthon
Báo cáo phân tích thị trường