Hội thảo đưa ra cách thức hợp tác nghiên cứu và định hướng phát triển cây chè, từ đó xây dựng thương hiệu, thị trường cho ngành chè Việt Nam và ngành chè Thái Nguyên hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng. Đây là một trong 7 hoạt động chính tại Liên hoan Trà quốc tế lần thứ nhất - Thái Nguyên, Việt Nam 2011.
Các đại biểu tập trung thảo luận những vấn đề chính xung quanh việc phát triển chè Thái Nguyên như: đánh giá vị trí chè Thái Nguyên nói riêng và chè Việt Nam nói chung đối với thị trường chè thế giới; hướng phát triển chè Thái Nguyên; phương thức sản xuất, chế biến và tổ chức sản xuất chế biến chè Thái Nguyên; hình thức, quy mô, cơ cấu sản phẩm, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, xây dựng, quản lý, phát triển thương hiệu chè Thái Nguyên; yêu cầu của thị trường nước ngoài hiện nay đối với sản phẩm chè Thái Nguyên.
Một số đại biểu cho rằng chất lượng chè búp tươi của một số tỉnh trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu để tạo được sản phẩm chè chất lượng cao, đủ năng lực cạnh tranh và hội nhập, tiến độ trồng mới và cải tạo thay thế diện tích chè cũ bằng các giống mới còn chậm, chất lượng một số nương chè chưa đạt yêu cầu kỹ thuật đề ra, nhiều cơ sở chế biến chè chưa được đầu tư theo hướng hiện đại, việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chè còn hạn chế... Hầu hết ý kiến đại biểu cũng cho rằng việc chế biến chè phải tuân thủ nghiêm ngặt từ khâu tuyển chọn giống đến khâu sản xuất, chế biến.
Toàn tỉnh Thái Nguyên hiện có gần 18.000 ha chè, năng suất chè búp tươi bình quân đạt gần 100 tạ/ha, sản lượng gần 200.000 tấn. Thái Nguyên cũng đang triển khai thực hiện quy hoạch vùng sản xuất chè an toàn trên địa bàn toàn tỉnh, xây dụng những vùng sản xuất chè nguyên liệu an toàn theo hướng hữu cơ, hạn chế sử dụng phân bón vô cơ, hóa chất trừ sâu.
Tuy nhiên, việc chế biến chè ở Thái Nguyên chủ yếu vẫn theo phương pháp thủ công, truyền thống. Tiêu thụ chè chủ yếu là thị trường nội địa, lượng chè xuất khẩu còn chiếm tỷ lệ thấp, giá trị xuất khẩu không cao, thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc, Anh, Pakistan, Nga, Đài Loan...
Trong khi đó, cả nước có gần 132.000 ha chè, sản lượng trên 165 ngàn tấn chè khô, xuất khẩu đạt trên 133,1 triệu USD/năm, giải quyết việc làm cho 400.000 hộ sản xuất của 35 tỉnh trong cả nước. Sản xuất chè Việt Nam có nhiều lợi thế về nguồn giống, đất đai khí hậu, mô hình đa dạng.
Nhiều vùng chè chất lượng cao như Tân Cương (Thái Nguyên), Mộc Châu (Sơn La), Bảo Lộc (Lâm Đồng)... chất lượng tốt có thể chế biến sản phẩm đa dạng như chè vàng, Phổ nhĩ, chè hữu cơ giá trị cao.
Tuy năng suất chè Việt Nam đã đạt mức bình quân của thế giới, nhưng giá bán thấp chỉ bằng 60 - 70% thế giới, nguyên nhân chủ yếu do sản phẩm chè Việt Nam còn nghèo nàn về chủng loại, chất lượng và mẫu mã chưa hấp dẫn nên sức cạnh tranh thấp, giữa chế biến và sản xuất nguyên liệu chưa gắn kết với nhau, đặc biệt nguyên liệu búp chè chưa đáp ứng tiêu chuẩn an toàn cho chế biến chè chất lượng cao./.
Theo Vietnam+