Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Để hương “Chè Ba Vì” bay xa
10 | 12 | 2009
Trong định hướng phát triển KT-XH các xã miền núi và vùng đồi gò, huyện Ba Vì xác định cây chè đóng vai trò chủ lực trong tạo việc làm, nâng cao mức sống người dân. Nỗ lực này đã được "khởi động" bằng việc xây dựng thành công nhãn hiệu "Chè Ba Vì". Tuy nhiên, để "Chè Ba Vì" khẳng định được chỗ đứng vững chắc trên thị trường, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa người trồng chè và các doanh nghiệp thu mua, chế biến.

Cây chè xóa nghèo

Được giới thiệu về những nương chè bạt ngàn ở Ba Vì, chúng tôi đã vượt hàng chục kilômét đường đồi núi để đến "đại bản doanh" chè Ba Trại. Hai bên đường vào trung tâm xã là những vạt đồi ngút ngàn màu xanh hòa quyện với hình ảnh người nông dân thoăn thoắt hái chè. Chị Đinh Thị Hằng tâm sự: "Cuộc sống của chúng tôi giờ đã khác xưa nhiều lắm! Nhờ vào cây chè, nhiều gia đình ở Ba Trại đã vượt qua cái nghèo, vươn lên làm giàu". Ở xã Ba Trại, từ rất lâu người dân vẫn coi chè là "cây" xóa nghèo, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Hiện Ba Trại có khoảng 80% số hộ dân sản xuất, chế biến chè búp khô với diện tích trồng chè gần 500ha, chiếm 1/3 diện tích cây chè của huyện Ba Vì. Xã có 9 thôn thì cả 9 thôn được công nhận là làng nghề chế biến chè búp khô. Năm 2006, xã đã thành lập được Hiệp hội Chế biến chè búp khô. Chủ tịch UBND xã Đinh Công Sử cho biết, cây chè đã gắn bó với người dân Ba Trại từ rất lâu đời và nghề chế biến chè búp khô cũng có truyền thống hàng chục năm nay. Chất lượng chè được đánh giá cao với hương vị đặc trưng thơm, ngọt hậu.

Ngoài xã Ba Trại, cây chè còn được trồng nhiều ở các xã Ba Vì, Tản Lĩnh, Vân Hòa, Yên Bài, Minh Quang, Khánh Thượng, Nông trường sông Đà, Nông trường Việt Mông, với tổng diện tích toàn huyện khoảng gần 1.700ha. Trong đó, diện tích chè trồng mới chiếm khoảng 5%; chè từ 3 đến 5 tuổi, 13%; chè từ 5 đến 10 tuổi, 13,5%; chè từ 10 đến 20 tuổi, 52,5% và chè trên 20 tuổi, 16%. Giống chè chủ yếu là chè trung du lá nhỏ (chiếm 63,5% diện tích), chè PH1, chè ô long, chè LĐP1 và chè kim tuyên. Năng suất sản phẩm chè búp tươi đạt bình quân 76 tạ/ha/năm với tổng sản lượng hằng năm gần 13 nghìn tấn. Những năm gần đây, nhờ thay đổi tập quán canh tác, chế biến (chuyển dần từ thủ công sang công nghiệp) và đẩy mạnh chương trình quảng bá, tiêu thụ sản phẩm mà thu nhập từ cây chè được nâng lên rõ rệt, giá trị canh tác trên một hécta đã đạt trên 50 triệu đồng.

Để thương hiệu "Chè Ba Vì" bay xa

Tìm hiểu thực tế ở xã Ba Trại và một số doanh nghiệp chế biến chè đóng trên địa bàn, chúng tôi được biết, có 2 hình thức chế biến chính là nông dân tự chế biến chè khô (hiện trên địa bàn có 1.700 máy sao chè, 645 máy vò chè với tổng sản lượng gần 800 tấn/năm); chế biến công nghiệp gồm 6 nhà máy thu mua và chế biến với tổng sản lượng hơn 2.000 tấn/năm. Sản phẩm chè ở đây tiêu thụ chủ yếu xuất khẩu đến các nước Nhật Bản, Pakixtan, Nga, Trung Quốc, Anh chiếm khoảng 60% sản lượng chè. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia cũng như cơ quan chức năng, việc trồng và chế biến chè ở Ba Vì vẫn còn bộc lộ một số nhược điểm nếu không khắc phục sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cũng như thương hiệu. Ý thức thay đổi tập quán canh tác cũng như cập nhật thông tin mới của người trồng chè còn chậm; thu nhập ngành chè thấp so với các ngành nông nghiệp khác; đầu tư cho nông nghiệp chè chưa được quan tâm thỏa đáng; công nghiệp chế biến chè vẫn manh mún, nhỏ lẻ, lạc hậu; đầu ra cho sản phẩm không ổn định, giá cả bấp bênh. Chủ tịch xã Ba Trại Đinh Công Sử cho rằng, để cây chè phát triển ổn định trước tiên cần sự đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng, trong đó quan trọng nhất là đường giao thông, điện, thủy lợi và nguồn nước tưới. Ngoài ra, cũng phải tăng cường kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Hà Xuân Hưng cho biết, ưu tiên hàng đầu cho cây chè hiện nay là đầu tư hệ thống thủy lợi để bảo đảm nước tưới và đường giao thông để tạo thuận lợi trong giao thương. Ngoài ra, cũng hỗ trợ kinh phí cho công tác xây dựng các mô hình trình diễn, tập huấn về kỹ thuật bón phân, thu hái, đốn chè, phòng trừ sâu bệnh, chế biến. Các doanh nghiệp thu mua, chế biến chè trên địa bàn thông qua các hình thức liên kết đầu tư sẽ tạo nguồn vốn cho các hộ dân đẩy mạnh phát triển sản xuất nguyên liệu chè.



Theo Hànộimới Online
Báo cáo phân tích thị trường