Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cây chè xanh ở Yên Thế
25 | 10 | 2008
Được đưa về trồng ở huyện Yên Thế tỉnh Bắc Giang đã gần 30 năm, cây chè xanh đã giúp bà con nông dân huyện Yên Thế, đặc biệt là những xã vùng cao phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo bền vững.
Một ngày cuối thu, chúng tôi tới thăm xã Xuân Lương huyện Yên Thế để tìm hiểu về cây chè xanh ở nơi đây. Bởi từ lâu, nhiều thương nhân thương xuyên mua chè ở Yên Thế đã tâm sự rằng: Chè xanh Yên Thế chất lượng ngày càng ngon không thua kém gì chè Thái Nguyên cả. Dưới cái nắng vàng rực rỡ, những ngọn đồi bậc thang nổi bật lên màu xanh ngát của cây chè. Đi đến đâu chúng tôi cũng cảm nhận thấy được hương thơm ngai ngái của ngọn chè tươi đang được hái. Chúng tôi tới thăm gia đình ông Trần Văn Tiếp dân tộc Cao Lan ở Bản Ven xã Xuân Lương. Ông Tiếp trồng chè đã được 20 năm. Từ nhỏ, lớn lên ông Tiếp đã thấy những cây chè xanh ngắt mọc rải rác bên ven sườn núi. Thế nhưng, hồi đó chưa ai nhận thức được giá trị kinh tế của cây chè nên không ai đầu tư vào cây chè cả. Nhưng gia đình ông vẫn dành một khoảng đồi nhỏ để trồng chè phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Cho đến năm 1985, cây chè bỗng trở nên có giá, nhiều thương lái đi tìm mua chè khô mà không có. Đến lúc này, ông Tiếp nhận thấy cây chè có thể phát triển kinh tế được. Vậy là ông liền mở rộng diện tích trồng chè. Lúc đầu là một vài sào và cho đến nay thì gia đình ông đã có khoảng trên 1 ha chè được trồng ở các sườn núi, ven sông. Trung bình mỗi tháng ông cũng thu được gần 1 tạ chè khô, với giá 50.000 đồng/1kg, mỗi năm gia đình ông cũng thu nhập gần 60 triệu đồng. Ông cho biết: Không có đất cấy, nhưng nay chúng tôi đã có cây chè, nhờ vậy cuộc sống mới hết khó khăn.”

Trồng cây chè đã được trên 20 năm, ông Tiếp nhận thấy cây chè là một loại cây dễ trồng nhất. ở những mảnh đất khô cằn mà cây chè vẫn có thể sống được. Trong khi đó, mức đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho cây chè rất ít nên những hộ nghèo cũng có thể trồng được chè. Qua vài năm, chè được thu , lúc ấy nhiều bà con nhân dân xã Xuân Lương mới tiếp tục mở rộng diện tích quy hoạch và từng bước khẳng định hiệu quả kinh tế vượt trội so với nhiều cây trồng khác. Cũng từ đây, cây chè đã lan sang những triền đồi thấp ở khu vực lân cận, trở thành cây "xóa đói, giảm nghèo" trên vườn bãi khô cằn.

Xã Xuân Lương được coi là đơn vị có diện tích chè lớn nhất trong toàn huyện. Hiện nay toàn xã có khoảng 150 ha chè, với trên 500 hộ tham gia sản xuất. Là một trong những xã khó khăn nhất của huyện Yên Thế, diện tích xã Xuân Lương chỉ bao gồm toàn là núi cao, đồi và những thung lũng sâu. Đất ở đây chỉ có đất cát và đất sỏi. Chính vì vậy việc phát triển kinh tế gặp rất nhiều khó khăn về nước tưới. Trồng lúa, trồng màu năng suất cũng không cao. Lãnh đạo và bà con nhân dân đã vất vả suy nghĩ làm thế nào để tìm cho địa phương một cây trồng phù hợp. Và khi cây chè xanh xuất hiện câu hỏi đó đã được trả lời. Nắm bắt được hiệu quả kinh tế của cây chè, UBND xã Xuân Lương đã đẩy mạnh tuyên truyền trong nhân dân để nhân rộng cây trồng này. Trong phương hướng phát triển kinh tế của xã giai đoạn 2005- 2010, coi cây chè là một trong những cây trồng mũi nhọn. Một điều đáng mừng là nhiều công ty, thương lái thu mua chè đã khẳng định chè Xuân Lương có những hương vị riêng mà nếu trồng ở những vùng thổ nhưỡng khác khó có thể sánh được. Do vậy mặc dù diện tích chè của xã liên tục được mở rộng, thế nhưng đầu ra của sản phẩm chè vẫn vô cùng phong phú và hầu như là chưa đủ cung cấp cho thị trường.Ông Vũ Đức Thuận - Phó chủ tịch UBND xã Xuân Lương cho biết “Nhờ có cây chè mà tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm hẳn”.

Không chỉ bà con nông dân xã Xuân Lương mới thoát nghèo từ cây chè, mà còn nhiều bà con nông dân huyện Yên Thế cũng nhờ cây trồng này mà vươn lên khá giả.

Cũng như nhiều gia đình khác trong thôn, trước đây khi chưa trồng chè, nhà lại có ít ruộng anh Lý Văn Hùng ở Bản Gốc Rổi xã Canh Nậu thường phải đi lên rừng lấy củi. Những lúc nông nhàn, anh lại đi làm ăn xa để đỡ đần vợ con. Nhưng từ năm 1995, anh Hùng đã đầu tư trồng thâm canh cây chè thì cuộc sống đã khác hẳn. Do cây chè có đặc tính thu hái quanh năm nên lúc nào anh cũng có việc làm và thu nhập ổn định. Hiện nay gia đình anh có trên 2 mẫu chè, mỗi năm cho thu nhập trên 50 triệu đồng.

Trồng chè, bản làng xa xôi cũng có thể sơ chế, bảo quản chè trong thời gian dài mà xanh không những đơn giản, mà những hộ ít vốn, ít nhân lực cũng có thể trồng chè. Chỉ cần một cái bếp và vài vật dụng đơn giản như máy vò chè, lò sấy chè là người dân ở những không phải chịu sức ép về tiêu thụ khi thu hoạch rộ. Chính vì vậy đã khiến cho đầu ra của sản phẩm chè luôn ổn định.

Hiện ở Yên Thế có trên 332 ha chè, tăng 15 ha so với năm 2006. Trong đó có 321 ha đó cho thu hoạch. Nơi trồng nhiều nhất là xã Xuân Lương và thị trấn Nông Trường. Năm nay, giá chè luôn giữ ở mức cao, từ 3.000-3.500 đồng/kg chè tươi và 40 đến 50.000 đồng/1kg chè khô, nông dân Yên Thế thu nhập bình quân 50-70 triệu đồng/ha chè, cao hơn hẳn so với vải thiều và một số cây màu khác. Gần đây, thị trường tiêu thụ và giá chè ổn định, tên gọi chè Yên Thế được nhiều thương nhân Thái Nguyên, Lạng Sơn,... biết đến. Cây trồng này từng bước lấy lại chỗ đứng trong cơ cấu cây lâu năm của huyện. Để tiếp sức cho cây chè, từ năm 2003, huyện Yên Thế đó phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện dự án về thâm canh cấy chè, trên cơ sở đó xây dựng vườn ươm, đưa giống chè mới vào canh tác với diện tích 3 ha. Gần đây, được sự hỗ trợ từ Chi cục HTX và Phát triển nông thôn, Yên Thế trồng thêm 11 ha chè LPD1 theo phương pháp giâm cành và 4,2 ha chè bát tiên.

Gần 30 năm gắn bó với chè, hương thơm của nó như đã ngấm vào hơi thở, vào bưa ăn, giấc ngủ của bà con nôngh dân. Vươn mình phủ xanh những vườn bãi khô cằn, cây chè đang tạo nên sức sống mới cho vườn đồi Yên Thế, góp mặt trong nhóm những cây trồng có giá trị kinh tế cao trên địa bàn toàn huyện



Nguồn: khuyennong
Báo cáo phân tích thị trường