Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xây dựng ngành chè theo hướng an toàn
13 | 07 | 2007
"Phát triển thương hiệu chè Việt Nam an toàn trên cơ sở những vùng nguyên liệu sạch, đảm bảo tiêu chuẩn nghiêm ngặt là mục tiêu của doanh nghiệp chè Việt Nam trong thời gian tới".

Ông Nguyễn Kim Phong, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam (Vinatea), cho biết về hướng phát triển của ngành chè Việt Nam.

Trong năm 2006 ngành chè đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong sản xuất, kinh doanh, ông có thể cho biết cụ thể hơn?

Năm nay kim ngạch xuất khẩu của ngành chè tiếp tục tăng do các doanh nghiệp tích cực, chủ động mở rộng, tìm kếim thị trường. Theo dự kiến, đến hết năm 2006, kim ngạch xuất khẩu chè của Việt Nam sẽ lần đầu tiên đạt mức trên 100 triệu USD với số lượng khoảng 95.000 tấn chè các loại, tăng 20% so với năm 2005.

Chè Việt Nam đã có mặt tại 107 nước, đứng thứ 7 về sản lượng, đứng thứ 6 về khối lượng xuất khẩu trên thế giới. Việt Nam đã chế biến được khoảng 15 loại chè khác nhau, nhưng kim ngạch xuất khẩu phần lớn vẫn là chè đen (gần 60%), còn lại là chè xanh (20%) và một số ít các loại chè khác.

Một số các loại chè của Việt Nam được ưa chuộng trên thị trường thế giới là chè ô long, chè lài. Đặc biệt trong năm 2006, các DN ngành chè đã từng bước củng cố các thị trường lớn, truyền thống như Nga (đạt trên 10.000 tấn/năm), Pakistan (16.000-17.000 tấn/năm), Đài Loan (khoảng 20.000 tấn/năm)... mở rộng các thị trường tiềm năng như Mỹ (đạt kim ngạch 3.000 tấn trong năm 2006), Nhật Bản, châu Phi...

Sau khi chúng ta trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thì khả năng mở rộng thị trường của ngành chè sẽ gặp nhiều thuận lợi. Dự kiến năm 2007, sản lượng chè xuất khẩu của Việt Nam sẽ vào khoảng 120.000 tấn, đạt giá trị 130 triệu USD.

Tuy nhiên, hiện giá chè xuất khẩu của Việt Nam vẫn ở mức thấp so với sản phẩm cùng loại của các nước trên thế giới, chỉ bằng 55- 70% so với giá xuất của nhiều nước bình quân chỉ đạt 1-1,2 USD/kg chè so với mức chung của thế giới 1,4-2,2 USD/kg.

Với những kết quả hoạt động như vậy, ngành chè hiện nay đang phải đối mặt với những khó khăn nào, thưa ông?

Có thể nói, nhược điểm lớn nhất của ngành chè hiện nay là do chất lượng sản phẩm chưa cao nên thị trường xuất khẩu nhiều song lại không thực sự ổn định. Chỉ tính riêng các doanh nghiệp chế biến chè chúng ta có trên 600 cơ sở công nghiệp với tổng công suất trên 3.100 tấn búp tươi/ngày (trên 600 nghìn tấn búp tươi/năm). Với sản lượng 546.000 tấn chè búp tươi năm 2005 chỉ đáp ứng được khoảng 88% nhu cầu nguyên liệu chè búp của các cơ sở chế biến công nghiệp.

Ngoài ra còn có hàng trăm cơ sở chế biến chè thủ công bán công nghiệp cùng tham gia thu mua nguyên liệu để sơ chế và nhiều cơ sở đấu trộn ướp hương đóng gói chè.

Do thiếu nguyên liệu nhiều cơ sở không quan tâm đến kiểm soát chặt chất lượng nguyên liệu đầu vào, đặc biệt kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên chè, giá cả thu mua không hợp lý nên không khuyến khích người sản xuất coi trọng chất lượng nguyên liệu, thiếu chăm sóc vườn chè đúng quy cách, trồng cây quá thưa dẫn đến năng suất chè bình quân của cả nước chỉ đạt 5,7 tấn/ha trong khi nếu chăm sóc tốt nhiều vườn chè cho năng suất 20-25 tấn/ha.

Bên cạnh đó, trang thiết bị công nghệ chế biến lạc hậu nên hầu hết chè Việt Nam được xuất khẩu ở dạng nguyên liệu, chè thành phẩm mới chỉ chiếm 7% tổng kim ngạch xuất khẩu, chè nguyên liệu chiếm xấp xỉ 80%.

Ông cho rằng các doanh nghiệp chè cần phải làm gì để khắc phục các bất cập, tăng sức cạnh tranh trong thời gian tới ?

Phát triển một thương hiệu chè Việt Nam an toàn trên cơ sở những vùng nguyên liệu sạch, đảm bảo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của châu Âu, Nhật Bản là mục tiêu của doanh nghiệp chè Việt Nam trong thời gian tới.

Hiện nay, khoảng 70% nguyên liệu chè của chúng ta đạt được các tiêu chuẩn an toàn của châu Âu nhưng cần phải tiếp tục nâng cao tỷ lệ này trong tương lai. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có Chương trình hiện đại hóa ngành chè với kinh phí đầu tư trên 420 tỷ đồng tập trung đầu tư cho giống chè, xây dựng các mô hình chế biến chè chất lượng cao.

Song về lâu dài, yếu tố quan trọng giúp người dân vùng chè yên tâm phát triển là việc đầu tư mạnh và hệ thống hạ tầng cơ sở, thủy lợi cho các vùng chè (chỉ 2% diện tích chè được tưới nước chủ động). Đồng thời tiến hành rà soát, thay thế các giống chè chất lượng thấp bằng các loại chè có giá trị cao, phát triển các vùng chè đặc trưng cho điều kiện khí hậu từng địa phương thông qua chương trình hỗ trợ về cây giống, kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch...

Quan trọng hơn, là việc quy hoạch các cơ sở chế biến công nghiệp phải gắn chặt với vùng chè, khắc phục tình trạng thừa nhà máy, thiếu nguyên liệu như hiện nay. Ngoài ra, cần khuyến khích các DN nước ngoài đầu tư vào những vùng chè chủ lực, chuyển giao công nghệ chế biến theo tiêu chuẩn của những thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản...

Đi kèm với đó là xây dựng sàn giao dịch cho ngành chè tại Hà Nội, Tp.HCM sẽ là những bước đi cơ bản trong quá tình xây dựng thương hiệu chè an toàn của Việt Nam. Ước tính tổng nhu cầu đầu tư cho ngành chè tại 20 tỉnh trọng điểm vào khoảng 600 triệu USD.

Theo dự kiến, đến giai đoạn 2010-2015, diện tích chè được trồng mới và thay thế đạt mức độ ổn định khoảng 140.000ha, năng suất bình quân đạt 9-10 tấn búp/ha, cho tổng sản lượng 1,2-1,4 triệu tấn búp tươi, tương đương 240.000- 280.000 tấn chè thành phẩm. Trong đó khối lượng xuất khẩu khoảng 200.000 tấn với cơ cấu 50% chè đen, 20% sản phẩm chè mới có giá trị cao và 30% chè xanh chất lượng cao đạt giá trị xấp xỉ 300 triệu USD.



vneconomy
Báo cáo phân tích thị trường